Tại Hội nghị lần thứ 14 cấp Chủ tịch Ủy ban quốc gia về hợp tác phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mekong, diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc vừa qua, các nước thành viên MOU đều thống nhất nhận định: Mặc dù công tác phòng, chống tội phạm ma túy ở các nước trong khu vực đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong thời gian qua, nhưng thách thức về ma túy và tội phạm ma túy trong khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong bối cảnh đó, trong thời gian qua, Việt Nam luôn quan tâm chỉ đạo, xác định phòng chống tệ nạn xã hội là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Năm 2023, với sự quan tâm, giám sát, kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và chính quyền các cấp, tình hình tệ nạn xã hội về cơ bản đã được kiểm soát và đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần chung vào công tác bảo đảm an ninh trật tự cũng như an sinh xã hội với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

w-anhminhhoa-1.png
Ảnh minh hoạ

Theo số liệu thống kê đến 31/12/2023, cả nước có 97 Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, 13 cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập, 444 đơn vị/36 tỉnh, thành phố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 100% tỉnh/thành phố thực hiện quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.

Trong số 62 Cơ sở cai nghiện ma túy được xây dựng mới có 2 cơ sở được đi vào hoạt động từ năm 1976-1978; 8 cơ sở được xây dựng trong giai đoạn 1990-1999, 51 cơ sở được xây dựng trong giai đoạn 2000-2017. Trong số 35 cơ sở được tiếp nhận lại có 4 cơ sở được xây dựng từ năm 1988-1989, 13 cơ sở xây dựng trong giai đoạn 1992-1998, 19 cơ sở xây dựng trong giai đoạn 2001-2021.

Tổng diện tích đất được cấp cho 97 cơ sở cai nghiện ma túy là 40.777.723 m2 trong đó, có 81/97 cơ sở cai nghiện ma túy có đủ diện tích đất tự nhiên để tổ chức hoạt động theo quy định tại Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ với công suất tiếp nhận hiện nay hơn 36.000 người. Viên chức, người lao động làm việc trong cơ sở cai nghiện ma túy là 6.978 người.

Trong năm 2023, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 82.725 người; cơ sở cai nghiện ngoài công lập điều trị, cai nghiện cho 3.296 người; tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 4.275 người; duy trì tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 4.128 người nghiện ma túy; số người đã cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng được hỗ trợ quản lý sau cai là 17.586 người (trong đó 9.033 người được hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ sinh kế, vay vốn phát triển sản xuất...).

Về cơ bản, học viên vào cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy được tư vấn, điều trị, cắt cơn giải độc, khám sức khỏe định kỳ, được học tập, lao động và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách, xem truyền hình và các hoạt động khác… phù hợp với từng nhóm người nghiện ma túy, phù hợp cả về thời hạn chấp hành quyết định đến đặc điểm nhân thân, tình trạng nghiện ma túy, tình trạng sức khỏe, giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn của người cai nghiện ma tuý… Học viên được Nhà nước bảo đảm tiền ăn, cấp chăn màn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân.

Đặc biệt, việc kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai là hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý Nhà nước và năm 2023 nhiệm vụ này đã được tăng cường. Đây cũng dịp đánh giá sau 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Từ thực trạng thống kê trên và kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá trong năm 2023 tại địa phương cho thấy, các cơ sở cai nghiện ma túy hiện có một số khó khăn chung. Đó là, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện của các cơ sở cai nghiện ma túy phần lớn không đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định của pháp luật. Nhiều cơ sở cai nghiện đã quá tải, không còn khả năng tiếp nhận người vào cai nghiện ma túy theo quyết định của Tòa án.

Số lượng viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy thiếu so với quy định, trong khi do tích chất đặc thù của công việc, nên viên chức, người lao động thường xuyên phải trực, làm việc nhiều thời gian hơn so với quy định, trong khi chính sách, chế độ thu hút người lao động vào làm việc tại cơ sở cai nghiện còn hạn chế, chưa thực sự hấp dẫn… nên nhiều địa phương không tuyển được người vào làm việc tại cơ sở cai nghiện ma túy.

Người nghiện ma túy vào cai nghiện phần lớn có trình độ hạn chế, gần 40% đã có tiền án, tiền sự và khoảng 25% nhiễm HIV, Lao, viêm gan A, B… không có tính hợp tác trong cai nghiện nên việc quản lý, giáo dục học viên gặp khó khăn… nhiều học viên thường xuyên có hành vi chống đối cán bộ tại cơ sở.

Để hướng đến từng bước khắc phục, giải quyết cơ bản khó khăn trên, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã tham mưu Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm có một số chỉ đạo.

Thứ nhất, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy; đánh giá nhu cầu cai nghiện, xây dựng phương án hoàn thiện cơ sở cai nghiện ma túy theo đúng quy định của pháp luật.

Về chỉ đạo này, trên cơ sở báo cáo, rà soát của các địa phương, Bộ LĐTB&XH đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực trạng cơ sở cai nghiện ma túy, nhu cấp cấp bách trong đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở xuống cấp, phải di dời…. Từ đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành có liên quan xem xét, cân đối, hỗ trợ ngân sách Trung ương cho những tỉnh, thành phố cấp trong đầu tư cơ sở cai nghiện ma túy.

Về lâu dài, để giải quyết cơ bản những khó khăn nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, trình Chính phủ để hoàn thiện trình Quốc hội trong năm 2024.

Thứ hai, rà soát, đánh giá thực trạng viên chức, người lao động trong các cơ sở cai nghiện ma túy, đồng thời xây dựng đề án vị trí việc làm, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức, người lao động tại các cơ sở cai nghiện ma túy trong bối cảnh không được tăng biên chế.

Thứ ba, các cơ sở cai nghiện ma túy phải chủ động, tăng cường phối hợp với cơ quan công an, y tế địa phương các tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng thẩm lậu, mua bán, tang trữ, sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy; tăng cường kiểm tra, giám sát không để xảy ra tình trạng kích động, gây rối, bỏ trốn tập thể ra khỏi cơ sở cai nghiện như giai đoạn trước đây.

Khánh Hòa và nhóm PV, BTV