Tối thứ Bảy nào cũng vậy hàng triệu người dân tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đều bật TV lên để xem một chương trình talk show có tên gọi Phỏng vấn trước khi hành hình, tại đó, phóng viên Ding Yu sẽ trò chuyện với những tử tù.
TIN BÀI KHÁC:
Số phận “người hùng” trong thảm họa hạt nhân Nhật
Phái viên LHQ lạc quan về tình hình tại Syria
Ding Yu trong một buổi phỏng vấn tử tù.
Mỗi sáng thứ Hai, Ding Yu và các thành viên trong nhóm làm việc của mình đều tới tòa án để tìm kiếm các vụ án có thể đưa vào chương trình talk show (một chương trình truyền hình hoặc phát thanh mà một nhóm người ngồi lại với nhau để thảo luận một số chủ đề mà người dẫn chương trình đưa ra) Phỏng vấn trước khi hành hình. Họ phải di chuyển thật nhanh khi các phạm nhân có thể bị hành quyết bảy ngày sau khi bị kết tội.
Trong mắt người phương Tây chương trình này có thể bị coi là một kiểu lợi dụng nhưng Ding thì không nghĩ như vậy.
"Một vài khán giả có lẽ coi đó là một sự tàn nhẫn khi hỏi một tên tội phạm để làm thành một cuộc phỏng vấn khi họ sắp bị hành hình".
"Trái lại, họ muốn mọi người nghe mình nói"-Ding Yu cho biết.
"Một số phạm nhân mà tôi phỏng vấn nói với tôi rằng 'Tôi thực sự rất vui. Tôi được nói những điều xuất phát từ tận đáy lòng vào thời điểm này. Trong tù, tôi không bao giờ có người sẵn sàng nghe tôi nói về quá khứ.'"
Phỏng vấn trước khi hành hình được phát sóng lần đầu tiên vào ngày 18 tháng 11 năm 2006 trên kênh Luật pháp Hà Nam, một trong những 3.000 kênh truyền hình tư tại Trung quốc. Và từ đó, mỗi tuần Ding đã phỏng vấn một tử tù.
Những người thực hiện chương trình cho biết mục đích của chương trình là tìm ra những vụ việc điển hình để cảnh cáo những người khác không lặp lại sai lầm như vậy.
Tại Trung Quốc, nếu phạm một trong số 55 tội sau có thể bị kết án tử hình: giết người, phản quốc, nổi dậy vũ trang, hối lộ, buôn lậu...
Tuy nhiên, chương trình Phỏng vấn trước khi hành hình chỉ tập trung vào các vụ giết người bạo lực và không bao giờ phỏng vấn các tù nhân chính trị.
Phát sóng vào tối thứ Bảy hàng tuần, chương trình thường xuyên được xếp hạng một trong mười chương trình truyền hình hàng đầu ở Hà Nam với gần 40 triệu người xem trên tổng số 100 triệu người sống trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn 200 cuộc phỏng vấn, Ding Yu đã trở thành một ngôi sao và được biết tới với biệt danh "Người đẹp và Ác quỷ".
"Tôi lấy làm tiếc cho họ. Nhưng tôi không đồng cảm với họ, họ phải trả giá đắt cho hành động sai trái của mình."-Ding nói.
Động cơ phạm tội của một số phạm nhân trong chương trình đa số là vì tiền và có một trường hợp đặc biệt khiến Ding Yu không thể nào quên.
Thủ phạm là một cặp uyên ương, họ còn trẻ và có trình độ đại học. Cặp đôi lên kế hoạch cướp nhà ông bà nội của cô gái nhưng khi kế hoạch thất bại, chàng trai Zhang Peng, 27 tuổi, đã ra tay sát hại cả hai người thân của người yêu.
"Họ còn quá trẻ. Họ không có cơ hội nhìn thấy thế giới này hay tận hưởng cuộc sống, có một việc làm một lần nữa. Họ đã lựa chọn sai lầm và cái giá phải trả là cuộc đời họ"-Ding nói.
Tuy nhiên, sau đó, Ding đã không khỏi ngạc nhiên với những tử tù phải ra đi khi tuổi đời quá trẻ.
"Tôi phỏng vấn những phạm nhân thậm chí còn trẻ hơn cả chàng sinh viên trên, một vài người chỉ mới 18 tuổi. Đó là độ tuổi vừa đủ để bị kết án tử hình."
Tử tù Bao Ronting, nhân vật trong một buổi talk show của Ding Yu.
Đồng tính luyến ái vẫn còn là một điều cấm kỵ lớn ở Trung Quốc và năm 2008 chương trình đã dựng lại vụ án của Bao Ronting, một người đàn ông đồng tính đã giết chết chính mẹ đẻ của mình.
Đó là lần đầu Yu gặp một người đàn ông gay (tình dục đồng giới) cởi mở.
"Tôi chưa bao giờ tới gần những người gay, vì tôi thực sự không thể chấp nhận được vẻ ngoài, lời nói và hành động của họ. Mặc dù là đàn ông nhưng anh ta hỏi tôi với một giọng rất nữ tính 'Cô có cảm thấy nguy hiểm khi nói chuyện với tôi không?' Quả thực lúc đó tôi rất sợ."-Ding nhớ lại.
Ding và các thành viên trong nhóm của mình đã làm nhiều hơn ba tập về vụ của Bao Ronting và theo anh ta cho tới khi bị hành hình vào tháng Mười một năm 2008.
Trong một buổi gặp mặt, Bao hỏi Ding: "Cô sẽ đưa tôi tới thiên đường chứ?"
Nhớ lại những lời đó, Ding cho biết cô đã tận mắt chứng kiến Bao đi từ sự sống tới cái chết. Hắn được đưa lên một chiếc xe tải không có nóc trên đường tới nơi hành hình, trên cổ đeo bản cáo thị ghi rõ tội danh. Mặc dù quay lại những cảnh này là phạm pháp tại Trung Quốc nhưng các nhà làm luật không phải lúc nào cũng chú ý.
Thẩm phán Lui Wenling, một người làm việc thường xuyên với các nhà thực hiện chương trình, cho biết đã có nhiều sự thay đổi trong hệ thống luật pháp Trung Quốc.
"Các chính sách hình sự hiện nay ở Trung Quốc là ít tử hình và thận trọng", "kết hợp khoan dung, độ lượng và tính nghiêm minh."
Điều này có nghĩa là "nếu trường hợp nào thích hợp được khoan dung thì sẽ khoan dung, trường hợp nào cần xử lý nghiêm minh thì phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc".
Thẩm phán Pan, một trong những người có tư tưởng cởi mở hơn và một số nhân vật cao cấp trong hệ thống tư pháp Trung Quốc dự đoán rằng sẽ có cải cách sâu rộng trong tương lai.
"Một cuộc sống có thể kết thúc trong nháy mắt sau khi bị xét xử. Tôi cho rằng điều này cũng rất độc ác"-ông nói.
"Điều này cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ một hành động tội lỗi bằng một hành động tội lỗi khác".
"Từ khi án tử hình được đưa ra bản thân nó đã là một tội ác. Chúng ta nên từ bỏ nó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đất nước chúng ta [Trung Quốc] chưa sẵn sàng thực hiện điều này."
"Nhưng trong tương lai, nếu án tử hình được xóa bỏ thì đó quả là một điều tốt."-Thẩm phán Pan nói.
Sầm Hoa (Theo BBC)