- "Đọc chia sẻ của tiến sĩ (TS) Vũ Thu Hương, tôi không tin vào mắt mình nữa. Đi sâu vào bài viết, có mấy quan điểm tôi không hề đồng tình, thậm chí thấy có hại, nếu được các ông bố bà mẹ hiểu và áp dụng trong việc dạy con...." chị Trần Bích Hà (TP.HCM) nêu quan điểm.
Theo chị Trần Bích Hà, nếu đó là một bài chia sẻ kinh nghiệm nuôi con của những bà mẹ như tôi, luôn tự coi mình là kẻ “không có nghề, ngoại đạo” trong ngành giáo dục – thì còn dễ chấp nhận. Nhưng tác giả bài viết lại là người có học hàm học vị trong ngành giáo dục, lại là giáo viên trường đại học sư phạm, tức người đã, đang và sẽ đào tạo ra những thế hệ giáo viên tiểu học cho đất nước – thì bất cứ bài viết, lời phát biểu nào của cô cũng sẽ được người nghe và người đọc hiểu nhầm đó là quan điểm và phương pháp chính thống của ngành, hoặc ít nhất là trường - nơi cô dạy.
Tuy nhiên, có một số quan điểm cần làm rõ:
1. Lúc con còn nhỏ từ 0-6 tuổi, chỉ nên dạy đạo đức và kỹ năng sống, không nên dạy gì khác? Tôi muốn hiểu rõ hơn là dạy “đạo đức và kỹ năng sống”, cho trẻ ở lứa tuổi này cần phải dạy thế nào và bố mẹ phải thực hiện ra sao?
Xin TS trả lời để nếu thật sự có ích, thì các ông bố bà mẹ có thể áp dụng. Còn theo quan điểm của tôi: dạy và học không có nghĩa là cứ phải phân ranh giới “thầy và trò”. Bố mẹ dạy con bằng hành động hàng ngày, bằng cách “chơi và học” cùng con, trong đó bao gồm cả những việc như đem thẻ chữ chỉ và đọc cho con nghe (bằng tiếng Viêt, có thể bằng cả tiếng Anh hoặc bất cứ thứ tiếng gì khác), liên hệ với những đồ vật có chữ cái bắt đầu trùng với chữ cái đó.
Ví dụ: giơ thẻ chữ C, nói là “cái cây” – sau đó chỉ cho con cái cây thật. Giơ thẻ chữ A – nói là “Apple”, rồi cho con cầm hoặc sờ vào quả táo, rồi bổ cho bé ăn (nếu bé đã biết ăn táo)...Đó là học và chơi, là phương pháp giáo dục sớm được áp dụng ở tất cả các nước tiên tiến, chứ không chỉ ở Nhật. Vì vậy: tôi muốn được nghe TS viết sâu hơn về phương pháp “dạy đạo đức và kỹ năng sống” một cách riêng biệt, chứ không dạy bất cứ thứ gì khác khi trẻ 0-6 tuổi? đó là một phát minh mới chăng? Học kỹ năng, theo tôi, phải bao gồm học tất cả những gì cần thiết cho sự phát triển toàn diện của một con người hiện đại. Làm gì có kiểu "dạy kỹ năng" mà loại bỏ ngôn ngữ, loại bỏ toán ra khỏi "kỹ năng"?
Cái chính là cách "học như chơi" phù hợp với lứa tuổi các cháu. Tôi tưởng tượng là đang có xu hướng để cố chứng minh rằng: bố mẹ không thể làm được, phải đi học ở "nơi này nơi kia", mới là chuẩn, con mới thành "thần đồng". Học kỹ năng sống theo quan điểm của TS nó mù mờ, chính tôi cũng không hiểu là phải dạy và học thế nào? Nếu ai biết có lớp dạy theo quan điểm này, hãy cho xin địa chỉ để tôi đi học cho "thỏa trì tò mò".
2. Quan điểm thứ hai trong bài viết, đó là “Theo như tôi được học từ sách vở và các nghiên cứu khoa học tâm lý trẻ thì trẻ hoàn toàn KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG TƯ DUY LOGIC TỪ 0 – 6 TUỔI, tạo cảm giác khả năng này của trẻ chỉ bắt đầu phát triển từ 7 tuổi và sẽ kết thúc lúc 11 tuổi.”. Cái này thì kỳ lạ, nếu không nói thẳng ra là “phản giáo dục”. TS cần cho biết rõ đó là quan điểm giáo dục của trường phái nào, đã được áp dụng ở những nơi nào trên thế giới, mức độ thành công hay thất bại ra sao?
Các ví dụ TS đưa ra như ” Nếu tư duy được sao bọn trẻ chẳng biết ai là mẹ chúng? Có trường hợp nhặt nhầm con 40 năm mà con vẫn tưởng người nuôi dưỡng mình là mẹ đẻ đấy, vậy nếu có tư duy logic, sao đứa trẻ không nhận ra rằng người nuôi mình không phải là mẹ đẻ?” nó rất “ngây ngô”. Nếu tôi đặt câu hỏi thế này: lúc trẻ 11 tuổi, tức là “kết thúc việc tư duy có logic” – TS cho nó gặp một người mẹ đẻ mà nó chưa hề biết, và không ai nói đó là mẹ nó – thì bằng “tư duy logic tối đa”, nó có nhận biết mẹ nó không?
Phải chăng TS chỉ muốn liên hệ với một sự việc đang “hot” là những người mẹ bị trao nhầm con cách đây 29 năm? Đó không phải là việc liên quan đến “suy nghĩ logic”, mà là cấu tạo gene, chẳng lẽ hai khái niệm đó lại có thể “bị nhầm lẫn” hả trời? Tôi không hiểu ai là người “dở hơi”, ai là “không có logic” ở đây nữa? 11 tuổi là “tư duy logic kết thúc”? vậy sau 11 tuổi, con người trở thành “loài vật” gì, với cách học và làm việc “không còn logic”? Những phát biểu hết sức vô trách nhiệm, coi thường độc giả. TS còn “hùng hồn” chứng minh: ” Các vị phụ huynh có thể nhận ra rằng chương trình lớp 1 chẳng có gì là tư duy logic cả”. Câu phát biểu này, tôi chờ được đại diện Bộ Giáo dục chính thức trả lời trước công luận – có phải việc viết sách giáo khoa cấp tiểu học hòan toàn bỏ qua mọi khái niệm "học có logic"?
3. Còn việc nên bắt đầu học ngoại ngữ từ lứa tuổi nào: ý kiến cá nhân tôi là “gia đình nào có điều kiện – thì càng sớm càng tốt”. Với mấy từ “có điều kiện”, tôi không muốn nói đến tiền bạc, mà muốn nói là: nếu bố hoặc mẹ biết ngoại ngữ nào, thì có thể “chơi và học” cùng con, sử dụng ngoại ngữ đó cùng với tiếng mẹ đẻ. Tất nhiên là đừng có “dở hơi” mà đem con còn đỏ hỏn giao cho các cô giáo, để họ dạy ngoại ngữ hoặc bất cứ kỹ năng gì, dù cô giáo đó có “mác” tiến sĩ, thạc sĩ hay gì gì đó, nhưng bạn chưa thực sự nhìn thấy cái bằng “bản chính”. Bằng cấp giả đang là “vấn nạn” của đất nước, đó là chưa kể cái nạn “bằng thật kiến thức giả”.
4. Tại sao tôi thấy cần lên tiếng: đơn giản là vì tôi thấy cực kỳ lo lắng cho nền giáo dục nước nhà, với những cách quảng cáo đủ các quan điểm giáo dục hiện đại (hay “hại điện” không biết nữa), nào là Montesori, nào là “mẹ Nhật”, mẹ Do thái...làm các ông bố bà mẹ cứ bị xoay như chong chóng. Tại sao phải phức tạp thế? Hãy học đúng những phương pháp giáo dục chính thống của các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật...- và áp dụng hàng ngày với con, với học trò. Sao cứ phải “sục sạo” những quan điểm – có thể là tốt thật – nhưng không thịnh hành vì nó chỉ tốt cho một số đối tượng nhất định, và cái gì sẽ xảy ra khi con bạn không lọt vào đối tượng đó? Hãy có trách nhiệm với những gì mình viết ra, nói ra – nhất là khi các vị lại được coi là “đại diện cho nền giáo dục hiện đại”.
5. Lời cuối, xin khuyên các ông bố bà mẹ: hãy tỉnh táo, hãy biết phân biệt “đâu là vàng thật, đâu là vàng thau”. Dạy con: đơn giản mà khó khăn.
Dạy con: trước tiên, hãy dành cho con tình yêu thương xuất phát tự trái tim, KHÔNG VỤ LỢI, KHÔNG TÍNH TOÁN. Đồng tiền không thể mua được thời gian bố mẹ dành cho con – đó là cái bạn cần nhớ. Đừng chạy theo đám đông một cách mù quáng, để rồi lôi con cái vào trận “cuồng phong” của học thêm.
Thay vào đó, hãy cùng con khám phá cuộc đời, và bạn phải học để có khả năng chia sẻ, hướng dẫn, trợ giúp con. Đừng nghe những lời đường mật, những kẻ tự xưng ta là đại diện của phương pháp này, quan điểm nọ - hãy tìm kỹ, hiểu rõ, trước khi giao phó con cho bất cứ ai, để học thêm bất cứ kỹ năng hoặc kiến thức gì.
Trần Bích Hà (TP.HCM)