Trẻ cũng sang chấn tâm lý

Bác sĩ CKII. Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, có khoảng 17.600 trẻ em tại TP mắc Covid-19. Trong số đó, 43 trẻ đã tử vong, chiếm tỷ lệ 0,2%.

“Bệnh viện Nhi đồng 2 là một bệnh viện tuyến cuối về nhi, nên chuyên đón bé nhiễm Covid-19 mức độ nặng. Đến nay, đã có 2.200 bệnh nhi điều trị và 17 trẻ tử vong”, BS Đỗ Châu Việt cho hay.

Hầu hết trẻ nếu không dư cân, bệnh nền, sẽ nhiễm bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng. Những trường hợp này đều không có di chứng. "Trẻ hoàn toàn bình thường, không di chứng về đường thở, tuần hoàn hay trí não". 

{keywords}
Một trường hợp trẻ phải chạy ECMO, phục hồi và xuất viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.

Tuy nhiên, tâm lý lại là vấn đề cần được quan tâm. Tại khu điều trị Covid-19, một số người lớn nhập viện cùng trẻ để tiện chăm sóc đã có biểu hiện bất thường về tâm lý. Thậm chí có người muốn tự tử. Bệnh viện phải nhờ chuyên gia trực tiếp tham vấn mỗi ngày cho đến khi người bệnh ổn định.

Không chỉ người lớn, trẻ nhỏ cũng rơi vào tình trạng stress. Khi trải qua thời gian cách ly hoàn toàn, không được vui chơi cùng bạn bè, nhiều trường hợp sợ hãi, biếng ăn, rụng tóc…sau khi khỏi bệnh.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, Covid-19 là diễn biến bất ngờ, không ai được chuẩn bị trước, do đó với nhiều trẻ, đây là cú sốc. “Trẻ đột ngột bị đưa đi cách ly, đột ngột bị đưa vào khu điều trị. Một số trẻ lớn phải một mình đối mặt với chuỗi ngày bất ngờ”.

Tâm lý căng thẳng, sợ hãi phát sinh từ đây. Khi khỏi bệnh, trẻ tiếp tục hoang mang với những câu hỏi: Con mắc bệnh vậy các bạn có chơi với con không? Con có được đi học không? Con có kém thông minh không?

Trong khi đó, những trẻ nhỏ từ tiểu học trở xuống thể hiện  sự lo lắng qua hành vi. Trẻ hay diễn lại cảnh được bác sĩ khám trong trò chơi nhập vai, đôi khi có cơn hoảng loạn, dần xa lánh những món đồ chơi đã từng yêu thích.

{keywords}
Trẻ nhỏ hậu Covid-19 cần được phụ huynh quan tâm hơn về tâm lý.

Chuyên viên Nguyễn Hải Uyên cho biết, phần lớn cha mẹ thường phản ứng bằng những câu nói “không có gì, không sao đâu, con quên đi” hoặc cho rằng trẻ phiền phức. Trong khi, những phản ứng lo âu, sợ hãi là rất bình thường trong hoàn cảnh này. “Cha mẹ không gạt đi, mà phải cùng trẻ đối mặt”, cử nhân Nguyễn Hải Uyên khuyến cáo.

Theo đó, khi trẻ càng có nhiều thông tin chính xác về Covid-19, trẻ càng bớt hoang mang. Nếu việc này quá sức với cha mẹ, có thể đưa trẻ đến các phòng khám tâm lý để được hỗ trợ.  

Phụ huynh “đổ thừa” Covid-19

Không ít phụ huynh lo lắng khi trẻ hậu Covid-19 có nhiều dấu hiệu bất thường. Ví dụ, bỏ ăn, bỏ bú, hay đau đầu, hoang mang, lo lắng… TS BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, tình trạng biếng ăn của trẻ trong và sau khi mắc Covid-19 là phổ biến.

“Đó là hậu quả của quá trình viêm diễn ra khi trẻ mắc bệnh”, BS Hậu chia sẻ.

Theo đó, khi trẻ mắc Covdi-19, cơ thể có thể xảy ra hiện tượng viêm. Các cytokine tác động gây ra mệt mỏi, biếng ăn, lo lắng. Một số bé bị hủy cơ, “da bọc xương” khiến trẻ yếu ớt, vận động khó khăn…Bên cạnh đó, trẻ bị rối loạn giác quan gây ra lười ăn.

TS BS Nguyễn Thị Thu Hậu khẳng định, dinh dưỡng trong và sau khi bị Covid-19 rất cần cho hệ miễn dịch và quá trình phục hồi của cơ thể. Do đó, phụ huynh cần đảm bảo chế độ thức ăn phù hợp với lứa tuổi, đủ chất và dễ tiêu hóa.  

"Ví dụ, chất đạm dễ tiêu có trong trứng, sữa... tăng cường kháng thể, phục hồi khối cơ. Những chất béo có vai trò điều hòa phản ứng viêm có trong cá. Vi khoáng chất như kẽm, selen… giúp cơ thể điều hòa lại, tăng miễn dịch…", BS Hậu tư vấn. 

Với những trẻ còn cảm giác nhức đầu, mệt mỏi, Phụ huynh không cần quá hoang mang lo lắng. Thay vào đó, có thể cùng trẻ thư giãn, vui chơi, hoặc có thể giảm đau bằng paracetamol đúng liều lượng.

{keywords}
Trẻ điều trị Covid-19 có người thân đi kèm để chăm sóc.

BS Đỗ Châu Việt cho biết, sau khi mắc Covid-19, trẻ cũng có thể mắc những bệnh thông thường như sốt, ho, sổ mũi, ói mửa, tiêu chảy… Tuy nhiên nhiều người  liên kết các dấu hiệu trên với bệnh Covid-19 và quên đi các bệnh trẻ nhỏ thường mắc phải.

“Nhất là thời điểm này, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện nhiều, cha mẹ cần lưu ý để trẻ được điều trị kịp thời”, BS Việt chia sẻ.

Đáng chú ý, một phụ huynh phản ánh bé 2 tháng tuổi mắc Covid-19, sau đó bú ít, lên cân kém và suy dinh dưỡng. Cha mẹ lo ngại đây là hậu quả của Covid-19. BS Thu Hậu khẳng định, bé phải đến bệnh viện ngay, vì rất có thể đang mang một bệnh nền khiến cơ thể suy dinh dưỡng.

“Đừng quá tập trung đến Covid-19 mà quên đi việc chữa trị các bệnh khác cho trẻ”, BS Hậu khuyến cáo.

Đồng quan điểm, bác sĩ Đỗ Châu Việt nhấn mạnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện có 120 bệnh nhi F0, chỉ 10% trong số đó cần theo dõi can thiệp hỗ trợ hô hấp.  Số còn lại được thăm khám, sử dụng thuốc thông thường, triệu chứng nhẹ và nhanh hết. “Nhiều trẻ đã phục hồi khỏe mạnh như bình thường và chỉ chờ hết thời gian cách ly để xuất viện”.

Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, tình trạng hậu Covid-19 cần quan tâm nhất là hội chứng viêm đa hệ thống. Hội chứng này thường xuất hiện vào 2-6 tuần sau khi khỏi bệnh, thậm chí sau 12 tuần. Trẻ có triệu chứng sốt cao 3 ngày trở lên, kèm theo các sang thương ngoài da như rộp đỏ, lòng bàn tay chân, mắt đỏ, da ban đỏ; rối loạn tiêu hóa hoắc suy giảm chức năng tim…

Tuy nhiên, hội chứng này cần phải thực hiện các xét nghiệm xác định. Nếu phát hiện sớm, trẻ có thể bình phục hoàn toàn, không di chứng. Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận hơn 10 ca viêm đa hệ thống trong tổng số hơn 2 ngàn ca F0, tất cả đều điều trị thành công.

Linh Giao

F0 trẻ em tại TP.HCM tăng, nhóm có bệnh nền cẩn trọng

F0 trẻ em tại TP.HCM tăng, nhóm có bệnh nền cẩn trọng

Ngày 9/12, TP.HCM có 473 F0 là trẻ em đang điều trị tại các bệnh viện. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp đang được cách ly tại nhà. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đa số trẻ mắc Covid-19 không nghiêm trọng.