Bà Hầu Thị Mận, một người phụ nữ dân tộc Cao Lan, 57 tuổi, sống tại thôn Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, là một tấm gương sáng trong việc ứng dụng công nghệ vào nền tảng số để thực hiện tốt công việc xã hội và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trong suốt quá trình công tác và cuộc sống, bà Hầu Thị Mận không chỉ nổi bật với những đóng góp cho gia đình mà còn là người tiên phong trong công tác tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân tại thôn Xóm Mới với nhiều vai trò, như Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, tổ phó tổ an ninh, và làm công tác y tế thôn bản. Dù công việc gia đình bận rộn, bà không bao giờ bỏ qua những hoạt động cộng đồng, luôn luôn là tấm gương sáng trong các phong trào phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Cao Lan.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất về bà Mận là khả năng thích nghi và tận dụng công nghệ số trong việc phát triển kinh doanh. Trong thời đại chuyển đổi số, bà Mận đã mạnh dạn học hỏi, chủ động sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook và các sàn thương mại điện tử như Moshop để quảng bá và bán sản phẩm thuốc nam của gia đình. Việc phát triển thêm mảng kinh doanh online không chỉ giúp mở rộng quy mô kinh doanh, mà còn giúp thương hiệu của gia đình tiếp cận được nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Bà Hầu Thị Mận chia sẻ: “Gia đình tôi đã kinh doanh thuốc nam từ lâu, nhưng phải đến khi bán hàng qua Facebook hay gian hàng trực tuyến, sản phẩm mới được biết đến nhiều hơn. Quy mô kinh doanh tăng lên, cả gia đình tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, kinh tế dần khấm khá”. Theo bà Mận, trong xã, nhiều thanh niên phải đi làm công ty, nhưng nhờ có kinh doanh trực tuyến, việc làm ăn tốt hơn, con cháu trong gia đình không phải đi làm xa, ở nhà làm kinh tế.
Trước kia, bà Mận chỉ sử dụng máy tính để làm một số việc cơ bản. Từ khi gia đình mạnh dạn mở gian hàng online, bà đã nhờ người nhà dạy cách thao tác để xử lý các đơn hàng trực tuyến, học cách trao đổi với khách hàng và các đơn vị vận chuyển qua các nền tảng công nghệ. Dần dần, bà có thể thao tác thành thạo và có thể sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để bán hàng.
Thuốc nam của gia đình bà Mận nổi bật với các bài thuốc quý của người dân tộc Cao Lan, đã được khách hàng đón nhận và tin dùng. Sự phát triển của thương hiệu Thảo Mộc Từ Tâm không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà, mà còn giúp cải thiện đời sống, đóng góp tích cực hơn vào các hoạt động xã hội tại địa phương. Nhờ vào việc sử dụng công nghệ, bà Mận không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn trở thành cầu nối giúp nhiều bà con trong thôn, trong xã có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm chất lượng và dịch vụ tiên tiến.
Bà Nguyễn Minh Khai, Chi hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quang Yên chia sẻ: "Bà Mận không chỉ là một người phụ nữ giỏi kinh doanh, mà còn là một tấm gương sáng về tinh thần cống hiến cho cộng đồng. Bà đi đầu trong ứng dụng công nghệ như Zalo, Facebook để thực hiện việc tuyên truyền, trong vai trò là Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Xóm Mới”.
Việc ứng dụng công nghệ số vào công việc kinh doanh và các hoạt động cộng đồng của bà Mận không chỉ giúp cải thiện cuộc sống gia đình mà còn là một minh chứng cho sự thay đổi mạnh mẽ trong việc giảm nghèo thông tin ở các vùng nông thôn. Trước đây, bà con vùng cao như thôn Xóm Mới chủ yếu chỉ có thể dựa vào các phương pháp sản xuất truyền thống và thị trường trong vùng. Tuy nhiên, nhờ vào việc sử dụng công nghệ, bà Mận đã mở rộng được mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận với những khách hàng mới, đồng thời giúp đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước tới người dân.
Câu chuyện của bà Hầu Thị Mận không chỉ là câu chuyện về một người phụ nữ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống mà còn là minh chứng sống động cho sức mạnh của công nghệ trong việc giảm nghèo, mở rộng cơ hội và thay đổi diện mạo của cộng đồng dân tộc thiểu số. Qua đó, bà đã khẳng định rằng, dù là người cao tuổi, nhưng với tinh thần học hỏi và sáng tạo, không có gì là không thể, và công nghệ có thể là công cụ mạnh mẽ để thay đổi cuộc sống và phát triển kinh tế, nhất là ở những vùng nông thôn xa xôi.