- Phụ nữ khi có quyền lực thường cân bằng tốt hơn đàn ông bởi họ gắn cái tôi của mình vào gia đình, trong khi đàn ông gắn cái tôi của mình vào vị trí, quyền lực trong công việc, coi đó như lý do tồn tại của mình– CEO Đàm Bích Thủy.
>> Ai đứng sau người phụ nữ thành đạt?
Tìm thấy hạnh phúc trong bất kỳ hoàn cảnh nào
Việt Lâm: Trên con đường sự nghiệp thì sự thay đổi tư duy và nhận thức của các chị là khi nào để dẫn tới lý tưởng mà các chị hướng tới như bây giờ?
Đàm Bích Thủy: Gọi là thay đổi hoàn toàn về tư duy thì không đúng nhưng có lẽ giai đoạn học tập và làm việc ở nước ngoài đã củng cố một số quan điểm của mình trong cuộc sống và hữu ích đến bây giờ. Mình cũng đã nói điều này với con gái khi con bước ra đời và cũng đi du học. Trước đây, khi mới ra nước ngoài về cơ bản mình và nhiều bạn VN đều nghĩ rằng chúng ta làm việc ở nước ngoài thì cố gắng làm sao để càng giống người nước ngoài càng tốt. Nhưng sau khi làm việc ở nước ngoài một thời gian thì mình nhận ra yếu tố giúp cá nhân mình thành công chính là bởi vì mình là người VN.
Vì sao như vậy? Vì có một số đặc tính của người Việt mà người nước ngoài ít có hoặc là người ta thấy có ích trong hoạt động làm việc nhóm cũng như trong công việc muốn gây ảnh hưởng đến người khác. Nên cuối cùng mình ngẫm lại hãy là một người VN theo đúng nghĩa của người VN hơn là cố biến mình thành người khác. Bởi không bao giờ chúng ta thành Mỹ được. Thay vì thế, hãy cố gắng phát triển những tố chất mà thực ra người Mỹ đang rất cần ở những người như mình. Có lẽ đó là thay đổi quan trọng nhất đến với cá nhân mình trong hoạt động sự nghiệp.
Giống như nhiều bạn trẻ, nhất là lứa 7X, dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời mình có lẽ là thời điểm quyết định ra nước ngoài và bắt đầu có cảm giác so sánh với VN.
Nhà văn Trang Hạ. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trang Hạ: Mình nhớ thời gian đầu mình chỉ định du học vài tháng để học tiếng Hoa. Nhưng khi vào thư viện của trường rất nhỏ ở Đài Loan, nhưng thư viện thì to hơn cả thư viện quốc gia với đầy đủ máy tính nối mạng và cơ man sách báo, mình nghĩ: Trời ơi, nếu như biết trước có một ngày được học ở nơi tuyệt vời như thế này thì mình đã không lãng phí bao nhiêu năm thanh xuân để uống cà phê, tán tỉnh hẹn hò, học nấu ăn, tỉa hoa, thêu thùa. Thay vì thế, mình sẽ cố gắng học ngoại ngữ cho giỏi, chuẩn bị đầy đủ kiến thức lịch sử, kinh tế, chính trị, dân tộc học, những thứ rất quan trọng khi học ở nước ngoài bởi nó giúp hình thành bản lĩnh văn hóa và bản lĩnh về chuyên môn.Thành ra năm đầu tiên của mình chỉ biết ở thư viện từ sáng đến tối. Thậm chí mình còn không biết siêu thị ở đầu cửa trường nó bán cái gì.
Khi đó, con mình mới được hơn 2 tuổi. Mẹ chồng mình còn hỏi: có phải nó đi để trốn nghĩa vụ làm dâu không? Nhưng mình nghĩ chắc đời này chỉ có một cơ hội để làm người phụ nữ độc lập, nên không thể phí hoài cơ hội ấy. Vì thế, mình ở lại xin tiếp học bổng thạc sỹ truyền thông. Sau đó còn ở lại vài năm làm việc cho VTV, rồi 2 năm làm phóng viên quốc tế của Cục tin tức Đài Loan. Mình chỉ trở về nhà khi bắt đầu mang bầu và thực sự muốn quay về.
Khi trở về, mình đẻ liền mấy đứa và làm nội trợ 4-5 năm. Đó là một vòng quay mà mình cảm thấy hạnh phúc vì được trải qua nhiều thân phận: Thân phận rất truyền thống của một phụ nữ có gia đình, thân phận của một phóng viên tác nghiệp độc lập, thân phận của một phụ nữ tự do rong ruổi trên một xe máy phân khối lớn và máy quay phim trong tay; rồi thân phận một con gà mái đẻ được ổ trứng chỉ chạy quanh để giữ cái ổ đó.
Mình nghĩ rằng một người phụ nữ hạnh phúc là cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, điều kiện nào cũng phát hiện ra hạnh phúc của mình là ở đây. Chứ không phải là bạn ở nhà lầu xe hơi thì mơ đi phượt, bạn đi phượt thì mong ngồi máy lạnh văn phòng. Nếu cứ thế thì cuộc đời sẽ không bao giờ tìm thấy điểm an nhàn. Lúc ấy, nữ tính sẽ thành gánh nặng và nữ quyền sẽ trở thành ám ảnh.
Việt Lâm: Chị Thảo có trải qua hành trình khám phá lại bản thân như cách chị Thủy và Trang Hạ đã trải qua không?
Thảo Griffiths: Những thời điểm mấu chốt trong cuộc đời mà làm thay đổi nhận thức của Thảo trước hết là thời gian sống với bố mẹ hồi nhỏ, bởi đó là khi bố mẹ nuôi dưỡng cho mình những giá trị về cuộc sống. Lúc ấy không ý thức được đâu nhưng sau này lớn lên, nhất là khi xuống Hà Nội học nội trú cấp 3 khi mới 14 tuổi, hay sau này lên đại học, rồi đi ra nước ngoài mới thấm thía những gì bố mẹ dạy có giá trị tuyệt đối. Tiếp đó, trong thời gian đi học và đi làm thì mỗi chặng đường đều có một người thầy. Ngay cả chuyện sinh con, nuôi dạy con cũng là những trải nghiệm đã dạy cho mình nhiều điều.
Nhân nói về nữ quyền thì hồi 20 tuổi mình hiếu thắng lắm, lúc nào cũng nghĩ là mình phải làm được A,B,C,D theo kiểu đàn ông làm được việc gì thì mình cũng làm được như thế. Khi đã trải nghiệm rồi mới hiểu thế là sai. Nữ quyền và nữ tính hoàn toàn có thể đi cùng nhau. Vậy là ngoài 30 tuổi rồi thì mình hoàn toàn có thể tự tin nhìn lại những giá trị cổ điển đó theo một hướng khác và nó không còn là gánh nặng như chị Trang Hạ nói nữa. Ngược lại, nó trở thành những nét đẹp của cuộc sống.
Đàn bà nắm quyền lực có bị tha hóa?
Việt Lâm: Độc giả Thu Hà có một câu hỏi khá thú vị: Lord Arton có đúc kết rằng: “Quyền lực tạo ra tha hóa, quyền lực càng cao thì sự tha hóa càng lớn”. Người phụ nữ có quyền lực có đối mặt với cạm bẫy như thế không và ở phương diện các chị thì phải làm thế nào để làm khắc chế và vượt qua cạm bẫy đó?
Thảo Griffiths: Thảo không dám nhận là người có quyền lực, nếu định nghĩ quyền lực là quyền lãnh đạo trong một hệ thống, hay là sự nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn. Thảo cũng chưa trải nghiệm điều đó.
Nhưng Thảo không nghĩ rằng quyền lực có thể làm thay đổi con người mình theo hướng tiêu cực trong ứng xử với người xung quanh. Có lẽ quyền lực hiện tại mà Thảo cảm thấy chỉ là quyền lực đối với chính bản thân mình, đó là khả năng tự nhận thức, tự thay đổi, có những hành vi, ứng xử phù hợp và theo đuổi những việc mình đam mê. Nếu như những việc mình làm có ảnh hưởng tốt với người xung quanh thì thật tuyệt vời.
Việt Lâm: Chị Thủy là 1 nữ lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý hàng nghìn nhân viên dưới quyền thì chị cảm thấy thế nào? Phụ nữ nắm quyền có gì khác biệt so với đàn ông và có đối mặt với nguy cơ bị tha hóa không?
Đàm Bích Thủy: Thực ra đây cũng là vấn đề mà mình thảo luận rất nhiều trong các hội thảo về lãnh đạo. Ở đây mình chỉ nêu ra quan điểm rất cá nhân, và có lẽ cũng bó hẹp trong ngành ngân hàng tài chính, nơi mà quyền lực cũng là một thứ gì đó mà nhiều người mong muốn. Mình thấy là có lẽ đối với đàn ông, khi có quyền lực, người ta dễ bị sa đà vào cạm bẫy của quyền lực hơn phụ nữ nhiều.
Bởi vì đàn ông thường gắn cái tôi của họ vào vị trí họ đang nắm giữ trong công việc của mình, coi vị trí, quyền lực như lý do cho sự tồn tại của mình trên đời. Trong khi đó, những người phụ nữ thành công sau khi đã có gia đình (những người phụ nữ thành công trước khi có gia đình có thể khó khăn hơn), thường gắn cái tôi của họ vào gia đình, nếu không phải là ông chồng thì ít nhất là con cái. Cho nên, giả sử một ngày nào đó vị trí hay quyền lực họ đang có bị mất đi, thì sự hụt hẫng của phụ nữ cũng rất ít. Chính vì vậy, mình nghĩ đối với nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong ngành tài chính, ngân hàng, khi nắm giữ một vị trí nào đó thì họ thường coi điều đó như một việc nữa phải làm trong đời, thay vì là cái việc duy nhất, giống như Trang Hạ định nghĩa nó là sự ám ảnh, kiểu như tôi sẽ chết nếu tôi không có nó. Có lẽ phụ nữ khi có quyền lực có khả năng cân bằng tốt hơn đàn ông là nhờ nữ tính đó.
Trang Hạ: Trong nhiều năm làm tư vấn truyền thông cho các công ty, mình đã tiếp xúc với nhiều sếp nữ. Mình thấy những người có quyền lực trong hệ thống kinh tế, xã hội đều là những người có học, chứ không phải bỗng dưng có đại gia nào đấy cho họ một doanh nghiệp vào tay, hay nhờ ông bố di chúc để lại. Cho nên, họ đều có năng lực nổi bật.
Điều thứ hai mình cảm nhận ở họ là sự cô đơn thường trực. Có rất nhiều người chỉ nhìn thấy danh thiếp của họ và biết mình có tiếp xúc thì họ hỏi ngay rằng: cô đó vẫn độc thân đúng không? Cô ấy mãi không có chồng hay lại bỏ chồng đúng không? Tức là điều đầu tiên hỏi về người phụ nữ đó không phải là người ta có giỏi không, làm việc có tốt không? Người ta có ý tưởng sáng tạo nào không? Bởi vì Trang Hạ làm truyền thông và quảng cáo, lĩnh vực coi trọng sáng tạo như tố chất đầu tiên. Vậy mà họ không bao giờ hỏi đến, mà chỉ hỏi: có phải cô này đồng tính không, nếu thấy cô ấy có phong cách tomboy hoặc mãi không lấy chồng. Hoặc hỏi cô ta có phải bồ ông tổng giám đốc không mà lên nhanh thế. Người ta không quan tâm đến năng lực mà chỉ quan tâm đến chuyện đời tư, hay những cái hậu trường. Và nếu họ biết được là cô ấy lên làm lãnh đạo nhờ một sự cất nhắc nào đấy thì họ sẽ rất hả hê. Nói cho cùng, sự tò mò ấy chính là một dấu hỏi chất vấn về năng lực của những người phụ nữ.
Việt Lâm: Cho nên để chứng minh năng lực của mình thì phụ nữ thường phải nỗ lực gấp đôi gấp ba đàn ông?
Trang Hạ: Ở nước ngoài có một phong trào mang tên phong trào không kinh nguyệt. Tức là họ tiêm 1 thứ thuốc tránh thai để có thể làm việc 30 ngày 1 tháng như 1 người đàn ông. Thuốc này có tác dụng với phụ nữ độc thân, hoặc kết hôn rồi nhưng chưa có con, bởi họ có nhiều thời gian để tận hưởng thú vui trong cuộc sống. Họ cũng có nhiều thời gian để làm việc hơn mà không bị ám ảnh bởi tâm trạng mệt mỏi do sinh lý. Nhưng nó khiến cho người phụ nữ đôi khi phải trả giá, đó là sự bất an của giới tính. Mình nghĩ nếu dùng sự bất an của giới tính để đánh đổi lấy quyền lực, đong đếm bằng tiền, bằng giờ nghỉ ngơi hay giờ thành đạt thì hơi mạo hiểm. Dù sao thì hài hòa vẫn tốt hơn.
Việt Lâm: Những quan sát và lý giải của Trang Hạ cũng như các vị khách
mời vừa rồi có lẽ cũng đã trả lời cho câu hỏi của một số độc giả nam gửi về
chương trình rằng tại sao phải có nữ quyền mà không có nam quyền. Người phụ nữ
phải đòi quyền bình đẳng với đàn ông có lẽ chính là bởi vì họ phải đối mặt với
những rào cản trong công việc, trong hoạt động xã hội bởi những kỳ thị về giới
tính.
(còn tiếp)