Nông thôn mới khởi sắc nhờ sức mạnh toàn dân

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Phú Yên, qua triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nông thôn khởi sắc, nông nghiệp phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 64/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 16 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 19 vườn mẫu nông thôn mới được công nhận; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (sản phẩm OCOP) có 123 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên.

nmt phu yen 2023.jpg
Tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí.

Có được kết quả đó là nhờ thời gian qua, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị các cấp, tỉnh Phú Yên đã huy động được khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nông thôn mới đã tạo thành làn sóng thi đua góp sức xây dựng nông thôn không chỉ trở thành những “vùng quê đáng sống”, mà còn góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trong từng địa bàn khu dân cư, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trong đó phải kể đến cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, với sự phối hợp chung tay của các lực lượng, như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên…. cùng xây dựng nông thôn mới.

Tiếp đó, đầu năm 2023, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Phú Yên chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025; với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh s có từ 3-4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó phấn đấu có từ 1-2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Một trong những lực lượng đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh phải kể đến là Hội Nông dân tỉnh. Thời gian qua, các cấp hội nông dân tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều nội dung, việc làm cụ thể, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp cho bức tranh nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc.

Từ chỗ thụ động chờ đợi cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và Trung ương, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động triển khai các chương trình, hoạt động hướng về cơ sở nhằm chung sức xây dựng nông thôn mới. Một trong những hoạt động thiết thực nhất đó là việc hỗ trợ nông dân đi đầu phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn.

Hội Nông dân tỉnh cho biết, thời gian qua, các cấp hội đã huy động nguồn lực của nông dân hơn 393 tỉ đồng, 553.893 công lao động, hiến hơn 300 nghìn m2 đất; trực tiếp hỗ trợ xây dựng 45 nhà Đại đoàn kết cho hộ nông dân nghèo với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng; tham gia xây dựng 235 mô hình Thắp sáng đường quê, lắp hơn 11.000 bóng đèn compact tiết kiệm điện với chiều dài hơn 379km, xây dựng 256km đường nông thôn; xây dựng 111 mô hình bảo vệ môi trường... 

Xuân Lâm (thị xã Sông Cầu) là một xã thuần nông, sau nhiều năm nỗ lực, xã đã được ngân sách các cấp hỗ trợ và huy động người dân đóng góp hơn 27 tỉ đồng để thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đời sống người dân ngày càng được nâng cao; cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư; tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Hiện 100% tuyến đường xã, thôn được nhựa hóa hoặc bê tông; 4/4 thôn có nhà văn hóa và sân thể thao phục vụ cộng đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 45 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ nghèo đa chiều giảm còn 4,79%…

Cuối tháng 10/2023, xã Xuân Lâm là xã cuối cùng của thị xã Sông Cầu đã về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Sự kiện này đánh dấu cho thị xã Sông Cầu là địa phương đạt 100% xã về đích nông thôn mới.

Để có kết quả này, những năm qua, thị xã Sông Cầu đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, từ đó được cả hệ thống các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cũng như các đoàn thể chính trị - xã hội trong toàn thị xã thực hiện tốt, góp phần giúp người dân nắm bắt, hiểu và đồng thuận, từ đó cùng chung sức, đồng lòng tham gia thực hiện các phong trào, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, trên địa bàn thị xã đã vận động người dân xây dựng 13 tuyến đường thắp sáng dài 2.868m/35 bóng đèn, trị giá hơn 46 triệu đồng; xây dựng 8 tuyến đường hoa với tổng chiều dài 5.415m/23 triệu đồng; 299 hộ tham gia làm trụ cờ Tổ quốc với 299 trụ/41,3 triệu đồng. Trong xây dựng đô thị văn minh, hơn 500 hộ xây dựng công trình vệ sinh, xử lý nước thải; 1.094 hộ chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ... Hiện tỉ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch trên địa bàn thị xã là 52,59%, tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh là 99,97%.

Đến năm 2025, phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Nội vụ tại tỉnh Phú Yên để kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết: Do xuất phát điểm là tỉnh có nhiều khó khăn, tuy nhiên phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Yên đã đạt được những thành tựu nổi bật về nông nghiệp, nông thôn.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Phú Yên, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Yên đã gặp một số khó khăn nhất định, đặc biệt là thực hiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới.

Cụ thể là trong giai đoạn 2021-2025, số lượng và yêu cầu đạt chuẩn của các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới cao hơn so với giai đoạn trước nên bình quân tiêu chí xã nông thôn mới của tỉnh giảm, chỉ còn 15,16 tiêu chí/xã. Hiện các xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới, phần lớn là những xã có điều kiện kinh tế rất khó khăn, cơ sở vật chất hạ tầng chưa đảm bảo; thu nhập người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn rất cao…do đó khó hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ, thì Phú Yên luôn xác định xây dựng nông thôn mới phải thực chất, không chạy theo thành tích.

“Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; có 80% (67/83) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí.

Tỉnh đang huy động tối đa nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí. Trong đó, ưu tiên trước hết là nâng cao đời sống, thu nhập của người dân và cải thiện chất lượng môi trường”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ nhấn mạnh.

Trúc Lâm