- Khi tòa dứt lời tuyên án, có bị cáo mừng rơn vì sắp được thoát khỏi cảnh lao tù khi thời gian chấp hành án sắp hết. Thế nhưng, có lúc lời tuyên án vừa dứt, bị cáo đổ gục, la hét, vật vã trong vòng tay cảnh sát. Đó là phút sinh tử của những tử tù khi bị tòa tuyên án chết...

Đôi dép “giết” người
 
Phiên tòa xét xử bị cáo Phan Thị Huệ (42 tuổi, An Giang) diễn ra chóng vánh. Nội dung vụ án đơn giản, thời gian xét xử cũng không dài nhưng phút chia tay giữa bị cáo và những người thân khiến những người có mặt thấy lòng đau nhói.
 
Trình bày lý do kháng cáo xin tha tội chết, Huệ nghẹn ngào nói trong nước mắt. Bị cáo cho biết mình sinh ra trong cảnh nghèo nên bị cáo thất học, từ nhỏ đã quen với việc buôn bán kiếm sống qua ngày.

Lớn lên, lập gia đình xong Huệ cùng chồng phiêu dạt nhiều nơi, sang cả Campuchia để đem hàng lậu như điện thoại, thuốc lá…về Việt Nam bán kiếm lời.

Những chuyến hàng lén lút qua biên giới bằng đường tiểu ngạch lúc được, lúc mất trắng do sự truy xét gắt gao của cơ quan chức năng.

Tử tù Phan Thị Huệ vật vã sau khi tòa tuyên án

Trong những chuyến “xuất ngoại” ấy, Huệ quen Phan Thị Hằng (SN 1983, Thừa Thiên – Huế) cùng là “đồng minh” buôn lậu, cùng cảnh trốn chui trốn lủi như nhau.

Sáng ngày 17/10/2011, khi Huệ đi xe buýt từ PhnômPênh về Việt Nam thì được Hằng bỏ 2 đôi dép vào túi xách nhờ xách qua biên giới vào Việt Nam giao lại cho người của Hằng với tiền công 10 USD.

Khoảng 11 giờ cùng ngày, khi đến chốt kiểm soát Nam Hiệp Thành, Huệ bị lực lượng biên phòng thuộc đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài tuần tra phát hiện, bắt giữ.

Theo kết quả giám định, 1.188gram chất bột màu vàng nhạt chứa trong 2 đôi dép đều là ma túy. Ngay lập tức, công an khám xét chỗ ở của gia đình Huệ nhưng không có bất cứ vật gì đáng giá. Hiện Hằng đã bỏ trốn, Huệ bị bắt và đưa ra xét xử với bản án tử hình.
 
Tại tòa, người đàn bà – tử tù ấy vừa khóc vừa lắc đầu kêu oan, khăng khăng cho rằng từ nhỏ tới giờ bị cáo chưa từng nhìn thấy ma túy, cũng không hề biết trong hai đôi dép ấy có chứa thứ chất bột chết người này.

Khi nhận 2 đôi dép từ tay Hằng, bị cáo có hỏi nếu bị bắt có bị tù không thì Hằng cho biết không bị tù vì hai đôi dép trên chỉ là hàng trốn thuế thôi chứ không có gì đáng giá…

Những lời khai ấy không thuyết phục được Hội đồng xét xử vì theo kết quả điều tra, giữa Huệ và Hằng đã có những cuộc điện thoại kéo dài với người lái xe ôm gần biên giới để trao đổi về những chuyến đi.
 
Tòa bác đơn kháng cáo, y án tử hình. Đôi chân khụy xuống, bị cáo đổ gục dưới chân vành móng ngựa.

Hai người con gái của bị cáo òa khóc, lao về phía bị cáo…Không ai nói được lời nào, họ nhìn nhau, gào khóc suốt đoạn đường dẫn giải đến xe chiếc xe thùng dành cho bị cáo.

Có lẽ vì cảm động trước tiếng khóc của những đứa con, viên cảnh sát bảo vệ đã cho bị cáo nán lại vài phút nắm tay rồi ôm choàng đứa con gái út trước khi cánh cửa xe thùng khép chặt.
 
“Cơn ơi! Mẹ có làm sao cũng ráng sống nha con. Con phải hứa với mẹ là sống tốt nha con! Nhớ thay mẹ chăm sóc bà ngoại...”, vừa nói với con gái út xong Huệ vội quay sang nói với người đàn ông đang ứa nước mắt đứng bên cạnh “Anh ráng mạnh khỏe để lo cho gia đình. Anh hứa với em sẽ thay em chăm sóc con, chăm sóc mẹ nhé, có vậy nếu phải chết em mới yên lòng…”, người đàn ông đưa bàn tay thô ráp gạt ngang nước mắt, khẽ gật đầu.

Chiếc xe thùng khuất dạng để lại những người thân đứng xiêu vẹo giữa sân tòa.
 
Những bước chân nặng trĩu
 
Trong một phiên tòa khác, bị cáo cũng bị tuyên án tử, sau phần tuyên án là phút chia tay xé lòng giữa tử tù và những người thân.

Đó là phiên tòa xét xử bị cáo Đoàn Văn Hùng (27 tuổi, Bình Phước) phạm tội “giết người”. Nội dung vụ án cũng vẻn vẹn chưa đầy trang giấy nhưng nỗi đau để lại cho người trong cuộc là không thể nguôi ngoai.

Tử tù và người thân tạm biệt nhau qua ô cửa nhỏ của xe chở phạm

 
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 21 giờ ngày 10/10/2010, anh Trần Văn Tiến cùng nhóm bạn đến uống bia, hát karaoke tại quán Hương Tràm (phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước).

Một lúc sau, trong lúc Đoàn Văn Hùng đang ngồi nhậu với Trần Anh Văn và Phạm Trường Ninh thì Ninh nhận được điện thoại của bạn là Huỳnh Thị Phương Thảo (tiếp viên quán Hương Tràm) báo có khách ở phòng 3 trong quán đang gây sự.

Là “đàn anh” nên khi biết chuyện, Hùng và Văn liền lận dao vào người đi về quán để giải quyết.
 
Tới nơi, cánh cửa phòng số 3 vừa mở, anh Trần Văn Tiến từ trong bước ra chưa kịp định thần đã bị Hùng rút dao đâm một nhát chí mạng vào người dẫn đến tử vong.

Gây án xong, Hùng bỏ đến nhà bạn là Hà Văn Tám giấu dao rồi bỏ trốn. Hôm sau, nghĩ mình không thể thoát được lưới pháp luật, bị cáo Hùng ra đầu thú.
 
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Hùng mức án tử hình về tội “giết người” với tính chất côn đồ. Là đồng phạm của Hùng, Văn và Tám cũng bị lãnh án về một trong hai tội “giết người” và “che giấu tội phạm”. Sau đó, Hùng làm đơn kháng cáo xin tha tội chết.
 
Ngày bị cáo ra tòa, người mẹ vợ già khọm cùng những người thân dắt díu theo hai đứa nhỏ đến nghe phiên xử. Vì còn nhỏ, một người phải đứng canh hai đứa trẻ đợi ở ngoài bởi chốn công đường uy nghiêm, đau xót ấy vốn được coi là chỗ những đứa trẻ không được đặt chân.

Cơ hội duy nhất để Hùng gặp mặt con là lúc tòa tuyên án xong, bị cáo được dẫn giải lên xe tù.
 
Tòa bác đơn kháng cáo, giữ nguyên mức án tử hình. Khi Hùng vừa bước xuống bậc tam cấp, hai người bà con lật đật ôm hai đứa trẻ chạy lại gần.

Vợ Hùng đứng thẫn thờ, gương mặt cứ dại đi, chị vốn ngờ nghệch, không được nhanh nhẹn như thường. Nhìn thấy con, kẻ tử tù òa khóc, đưa tay chới với.

Ngồi trên hông người bác, đứa con gái lớn hơn 2 tuổi nhìn cha ngơ ngác rồi dán chặt mắt, nhìn chằm chằm vào chiếc còng số 8 trên tay bị cáo. Đứa con trai nhỏ hơn 1 tuổi thấy cảnh xô đẩy liền khóc ré lên…

Những người có mặt đều rưng rưng nước mắt.
 
Lực lượng cảnh sát bảo vệ giành cho tử tù vài phút để tạm biệt người thân, bởi đây là cuộc chia tay nghiệt ngã khiến ai chứng kiến cũng phải mủi lòng.

Người nhà vợ Hùng cho biết, Hùng đã mất cả cha lẫn mẹ từ lâu. Giờ đây, con của Hùng lại mất cha từ thuở còn bước đi chập chững, người vợ trẻ thì khờ khạo, không biết số phận hai đứa trẻ sẽ ra sao?

Kẻ tử tù bước lên chiếc xe thùng với những bước chân nặng trũi.

Chiếc xe vụt lao đi, bóng hai đứa trẻ cùng người thân xiêu vẹo giữa sân tòa trống hoác.

M.Phượng