Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Giải phóng Quảng Trị và Chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 – Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển”, chiều nay (28/4), đoàn Ban chỉ đạo hội thảo do Thượng tướng Lê Huy Vịnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã đến viếng, đặt vòng hoa, dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị.

Thành cổ Quảng Trị - nơi gắn liền với cuộc chiến 81 ngày đêm khốc liệt

Thành cổ Quảng Trị - một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc.

Thị xã Quảng Trị, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, được ví như một túi bom. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm ấy, nơi đây phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn. Tổng số bom đạn mà Mỹ sử dụng khi đó tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh cùng đoàn đến dâng hương tri ân các liệt sĩ

Ngày nay, Thành cổ được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình, thống nhất đất nước.

Thạch Hãn - con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, cùng với Thành cổ là sự song hành bi tráng thấm đượm máu và hoa. Trong cuộc chiến 81 ngày đêm, dòng sông là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt đường tiếp tế đó, địch liên tục ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sĩ đã nằm lại trên dòng sông.

Người cựu binh kính cẩn khi đến thắp hương cho đồng đội

Ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh rút toàn bộ quân sang bờ Bắc để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Và sông Thạch Hãn trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son sáng ngời Chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm lịch sử của mùa hè năm 1972.

Hành trang người lính Thành cổ với những vật dụng đơn sơ

Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của toàn dân tộc mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phút xúc động của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng bên hành trang của người lính và những dòng thư đẫm nước mắt

Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm khốc liệt ấy, hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân khắp cả nước và nhân dân Quảng Trị đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trên vùng đất lửa Quảng Trị.

Dưới Đài tưởng niệm các chiến sĩ Thành cổ buổi chiều cuối tháng 4, khi được chứng kiến những hành trang đơn sơ của người lính và những câu chuyện, lá thư xúc động của các chiến sĩ năm xưa qua lời thuyết trình của nữ nhân viên di tích, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh cùng đoàn công tác ai nấy khóe mắt rưng rưng, cúi mình tri ân sự hy sinh anh dũng của các thế hệ đi trước để bảo vệ nền hòa bình, độc lập cho Tổ quốc.

Theo kế hoạch, Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Giải phóng Quảng Trị và Chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 – Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển” do Viện lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng) chủ trì sẽ diễn ra vào sáng 29/4 tại TP Đông Hà.

Quang Thành