Theo một số nguồn tin, tàu ngầm hạt nhân K-239 “Belgorod” mang theo “Poseidon” - một trong những vũ khí mới nhất và bí ẩn nhất - sẽ được hạ thủy vào ngày 23/4; sau các cuộc thử nghiệm quốc gia đến cuối năm 2020, sẽ được đưa vào phục vụ; ít nhất, sẽ có 30 thiết bị Poseidon được trang bị cho các đơn vị cấp chiến lược của Hải quân Nga.

{keywords}
Ngư lôi hạt nhân Poseidon (Status-6). Ảnh: Hisutton.com.

Ngược dòng thời gian

Vào những năm 1940 - 1950 của thế kỷ trước, Quân đội Liên Xô quan niệm, oanh tạc cơ tầm xa và tên lửa đạn đạo là thành phần chủ chốt của khả năng răn đe hạt nhân, nhưng máy bay dễ tổn thương trước hệ thống phòng không đối phương và tên lửa đạn đạo đang trong quá trình phát triển; lực lượng tàu ngầm dày dạn kinh nghiệm từng thể hiện sức mạnh trong Thế chiến II nhờ khả năng bí mật áp sát bờ biển đối phương, sau đó tung đòn phá hủy hải cảng và cơ sở hạ tầng của địch… đã thúc đẩy quân đội nước này phát triển ngư lôi hạt nhân.

Dự án bí mật về ngư lôi hạt nhân đầu tiên mang mật danh "T-15", được khởi động vào năm 1951, dự kiến trang bị cho tàu ngầm Đề án 627 "Kit" - lớp tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của Liên Xô. T-15 có đường kính 1,55 m, dài 20 m, nặng 40 tấn, tầm bắn khoảng 40 km, có thể được dùng để tấn công căn cứ hải quân và các thành phố ven biển của Mỹ. Ngoài T-15 sở hữu sức hủy diệt lớn, phiên bản ngư lôi T-5 cỡ 0,533 m truyền thống có tính thực tế và hiệu quả chiến thuật cao, cũng được đề xuất.

Năm 1953, nhận được bản thiết kế tàu ngầm Đề án 627 và ngư lôi T-15, Hải quân Liên Xô tỏ ra kém hào hứng với phiên bản T-15, cho rằng nó chiếm tới 22% không gian bên trong tàu ngầm, khiến mỗi chiếc chỉ có thể mang được một quả. Các chỉ huy hải quân cũng đặt dấu hỏi về tầm bắn và tốc độ của ngư lôi T-15. Một hội đồng chuyên gia đề xuất chấm dứt dự án T-15, thay vào đó tập trung hoàn thiện biến thể T-5 sử dụng đầu đạn hạt nhân RDS-9 để dễ dàng triển khai trên các tàu ngầm có sẵn của Liên Xô.

T-5 được thử nghiệm thành công lần đầu tiên với đầu đạn 3 kiloton vào tháng 9/1955 từ một tàu quét mìn, tại bán đảo Novaya Zemlya. Sau vụ phóng thử thành công, T-5 được biên chế cho Hải quân Liên Xô năm 1958 và trở thành mẫu ngư lôi hạt nhân duy nhất của Liên Xô cho tới năm 1960. Năm 1961, nhà vật lý hạt nhân Sakharov từng đề xuất ý tưởng chế tạo đầu đạn nhiệt hạch với sức công phá 100 megaton (Mt - tương đương 100 triệu tấn thuốc nổ TNT), cho ngư lôi phóng từ tàu ngầm, sau khi Liên Xô thử thành công bom Sa Hoàng.

Trong thập niên 1960 và 1970, Liên Xô đạt mức cân bằng răn đe hạt nhân với Mỹ. Các loại ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân dần bị loại khỏi biên chế, nhường chỗ cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và oanh tạc cơ mang tên lửa hành trình tầm xa. Ý tưởng ngư lôi hạt nhân phóng từ tàu ngầm của Sakharov đã không trở thành hiện thực trong thập niên 1960, tuy vậy, nó đột ngột xuất hiện trở lại vào cuối năm 2015, khi truyền hình Nga vô tình để lộ bản vẽ thiết kế ngư lôi Status-6 trong một cuộc họp có sự tham dự của tướng Shoigu - Bộ trưởng Quốc phòng Nga.

Poseidon - siêu ngư lôi hạt nhân vô tiền khoáng hậu của Nga

Lại một dịp nữa, các phương tiện truyền thông, các nguồn tin quân sự đưa ra các đồn đoán, nhận định về loại vũ khí vô đối mang mật danh Poseidon (tên vị Thần Biển cả trong thần thoại Hy Lạp) – ngư lôi hạt nhân với công suất có thể lên đến hàng trăm Mt - được Popular Mechanics mệnh danh là ngư lôi “Ngày tận thế”. Trong khi hầu hết vũ khí hạt nhân có thể xóa bỏ một thành phố, Poseidon có thể xóa bỏ một lục địa, theo Business Insider. Ngay cái tên đặt cho vũ khí này cũng đang còn nhiều tranh cãi. Có chuyên gia gọi nó là tàu ngầm, có người lại gọi là ngư lôi, một số khác thì gọi nó là thiết bị ngầm không người lái, và cũng có người coi đó là một robot.

Các thông số “vô tình” được tiết lộ về Poseidon (ban đầu được gọi là Kanyon hay Status 6) cho thấy, nó có tầm hoạt động lên tới 10.000 km, lặn sâu tới 1.000 m, có thể tấn công mục tiêu với tốc độ lên tới trên 200 km/h - nhanh hơn bất kỳ vũ khí săn ngầm nào Mỹ và NATO có trong tay (để so sánh, tàu ngầm hạt nhân nhanh nhất thế giới đạt tốc độ tối đa là 44,7 hải lý/h (83 km/h), đủ sức tạo sóng thần cao 500m dọc bờ biển đối phương. Ngày 3/2018, Status 6 được đổi tên thành Poseidon (thường được gọi là tổ hợp Poseidon - gồm 1 tàu ngầm và một thiết bị mang đầu đạn hạt nhân không người lái), hay hệ thống hải chiến đa mục đích, sau kết quả cuộc trưng cầu công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng Nga.

{keywords}
So sánh kích thước Poseidon. Ảnh: Hisutton.com

Poseidon được xếp vào loại vũ khí kiềm chế kiểu mới không phải vì công suất 100 Mt của nó. Khi đến được “địa điểm đóng quân”, Poseidon có thể nằm phục trong khoảng thời gian dài bất kỳ để chờ tín hiệu cho phát nổ - không cần thời gian để tiếp cận mục tiêu sau khi có lệnh tấn công, cũng không cần phải chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương như trong trường hợp tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Để kích nổ Poseidon, có thể sử dụng liên lạc vô tuyến sóng siêu dài thường được sử dụng trong liên lạc với tàu ngầm, hay các tàu chuyên dụng của Hải quân ngụy trang thành các tàu vận tải hàng hóa dân dụng.

Poseidon có thể giải quyết nhiều nhiệm vụ, ví dụ, hủy diệt căn cứ hải quân, các cụm quân, các căn cứ không quân ven bờ hoặc trên các đảo…và để thực hiện các nhiệm vụ đó, công suất đầu đạn tác chiến có thể thay đổi, kể cả đầu đạn hạt nhân có công suất đến 2 Mt. Poseidon cũng có thể thu thập các thông tin tình báo, nhưng trong trường hợp này, nó cần phải quay trở lại tàu mẹ (phương tiện mang). Chuyên gia Nga nói, Hải quân vẫn còn che giấu nhiều đặc tính của siêu ngư lôi, ví dụ như có thể lặn sâu hơn những gì công bố, nhằm đảm bảo khả năng siêu vũ khí có thể khiến đối phương bất ngờ nếu xung đột nổ ra.

Với chiều dài lên tới 20m và đường kính gần 2m, Poseidon là ngư lôi lớn nhất từng được thiết kế. Một trong những lợi thế của Poseidon là khả năng hoạt động ở độ sâu vượt quá giới hạn của các tàu ngầm thông thường, phá vỡ mọi giới hạn về các chiến thuật chống ngầm hiện tại - điều khiến các đối thủ hoang mang về nhiệm vụ đánh chặn loại thiết bị này và đang cố gắng tăng khả năng của các thiết bị phát hiện vật thể dưới nước. Động cơ phản lực nước cho phép Poseidon có cả chế độ “đi lén” với tốc độ 50 km/h, khi đó, từ góc độ thủy âm học, Poseidon đã biến thành một “hố đen”.

Có chuyên gia cho rằng, khi chuyển động, nó bám theo bề mặt địa hình đáy biển, so sánh với bản đồ đã được cài vào bộ nhớ. Ngay cả trong trường hợp các lực lượng chống ngầm của đối phương phát hiện được, cũng rất khó đánh chặn được Poseidon. Hải quân Mỹ và cả hải quân các thành viên khác của NATO hiện chưa có các loại vũ khí ngư lôi cần thiết để làm việc đó. Kiểu ngư lôi Mỹ nhanh nhất là Mark 54 chỉ có tốc độ 74 km/h, kém xa Poseidon. Theo cựu Tư lệnh Bộ đội Bờ và Lính thủy đánh bộ Hạm đội Biển Đen Hải quân Liên Xô và Nga - tướng Romanhenko, cho đến thời điểm hiện tại, chưa tồn tại phương pháp nào có thể đối phó với thiết bị này của Nga. Thậm chí người Mỹ cũng chưa có những tính toán lý thuyết về việc làm thế nào để đánh chặn nó.

Phương Tây cho rằng, việc sử dụng thiết bị phả ứng hạt nhân (công suất 8Mw) cho phép Poseidon di chuyển xuyên cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương; lò phản ứng hạt nhân được làm mát bằng kim loại lỏng sẽ giúp gia tăng hiệu suất hoạt động và giảm đáng kể tiếng ồn - thấp hơn cả tàu ngầm im lặng nhất thế giới Varshavyanka, chỉ phát hiện được bằng máy dò âm nhạy nhất ở khoảng cách không xa hơn 2 - 3 km. Siêu ngư lôi có một hệ thống phun khí ở mũi, tạo thành lớp bọt khí mỏng bao quanh thân, cách ly nó khỏi khối nước xung quanh, giúp giảm được sức cản của nước.

Nếu như đối phương sử dụng thiết bị định vị radar thủy âm để sục sạo tìm kiếm mối đe dọa, thì nhờ có trí tuệ nhân tạo, Poseidon có khả năng đi vòng qua khu vực nguy hiểm. Tùy thuộc vào tình huống thực tế và trong các bối cảnh cụ thể, thiết bị này có thể tự ra các quyết định liên quan đến những hành động đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ tác chiến của mình. Ngư lôi châu Âu có độ sâu hoạt động lớn nhất là MU90 Hard Kill nếu phóng đuổi theo với tốc độ tối đa 90 km/h cũng chỉ có tầm hoạt động dưới 10 km.

Dựa trên hình ảnh thiết kế, các chuyên gia Pháp cho rằng Poseidon được trang bị các hệ thống giúp vô hiệu hóa lưới phòng thủ chống ngầm của đối phương; có thể được lắp đầu đạn với lớp vỏ siêu hợp kim chứa cobalt-59, phân rã thành chất phóng xạ cobalt-60 sau phản ứng nổ, gây nhiễm xạ trong thời gian dài quanh khu vực mục tiêu. Các chuyên gia tính toán rằng, với tốc độ gió 26 km/h, đám mây phóng xạ sẽ lan ra một khu vực lãnh thổ có diện tích (1700 × 300) km2.

Nếu như 6 Poseidon cùng “làm việc”, thì diện tích lãnh thổ nơi con người không thể sinh sống trong vài thập kỷ sẽ còn lớn hơn rất nhiều, lúc đó mọi nỗ lực tẩy xạ đều trở nên vô nghĩa. Ngoài nhiễm xạ, sóng xung kích có thể gây ra siêu sóng thần. Trên vùng lãnh thổ đồng bằng, sóng xung kích được tạo bởi vụ nổ đầu tác chiến công suất 100 Mt có khả năng tàn phá mọi thứ trên đường đi của nó với chiều sâu tác động đến 500 km tính từ bờ biển.

Theo Foxtrot Alpha, Poseidon được trang bị đầu đạn nhiệt hạch được thiết kế để xóa sổ các thành phố ven biển, hoặc bất cứ nhóm tàu nào trên bất cứ hướng nào từ mặt biển. Các Poseidon thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga có thể tấn công các mục tiêu ở châu Âu, Canada, bờ Đông nước Mỹ; số còn lại thuộc biên chế của Hạm đội Thái Bình Dương - có thể nhắm đến các mục tiêu ở Nhật Bản, Trung Quốc, Canada và bờ Tây nước Mỹ. Một vụ tấn công dưới cầu Golden Gate (San Francisco) có thể giết chết nửa triệu người và phát tán bức xạ trong không khí tới tận Naveda, cách đó hơn 800 km. Poseidon nếu được triển khai tấn công tượng Nữ thần Tự do ở cảng New York, có thể đoạt mạng của nửa triệu người, làm bị thương 2 triệu người, phát tán bụi phóng xạ vào đất liền, gây các hậu quả nghiêm trọng. 

Dù quá trình thử Poseidon được giữ bí mật, nhưng nhiều thông tin cũng từng bị lộ. Ngày 8/12/2016, tình báo Mỹ đã công bố báo cáo về vụ thử vũ khí đặc biệt này của Nga từ tàu ngầm thử nghiệm công nghệ Sarov. Với những thông tin có được, tháng 3/2018, Mỹ đã xếp Poseidon vào “bộ ba hạt nhân” chiến lược của Nga, là “mối đe dọa chiến lược nghiêm trọng” tới cảng biển, căn cứ quân sự ở duyên hải và các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ. Dù đã được xếp vào loại vũ khí chiến lược, nhưng Poseidon thực tế thuộc phân loại vũ khí hoàn toàn mới. Các thông tin mới nhất xác định lại rằng, Poseidon thực tế chỉ mang đầu đạn hạt nhân khoảng 2 Mt, nhưng hiệu quả tấn công không thua kém so với 100 Mt.

Các đánh giá trái chiều

Trang Chiến lược của Mỹ có bài viết "Nước Nga và giấc mơ không thể thực hiện" nói về siêu ngư lôi Poseidon, theo đó, Nga cho công khai những hình ảnh thực đầu tiên của Poseidon với tầm bắn 10.000 km và có khả năng tránh mọi thiết bị cảm ứng có thể là một sai lầm. Theo trang Chiến lược, xét về mặt kỹ thuật thì Poseidon không có ý nghĩa gì; quả ngư lôi không thể chứa đủ nhiên liệu để có thể đi xa tới 10.000 km, nhất là đối với loại ngư lôi phóng từ tàu ngầm, kể cả ống phóng tên lửa trên tàu ngầm hạt nhân. Khả năng Poseidon chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ làm tăng mạnh chi phí, sự phức tạp và giảm tính khả thi.

Cũng theo tờ Chiến lược, ý tưởng của người Nga không có gì là mới và cho rằng thông tin Poseidon là một trò tuyên truyền nhằm hỗ trợ những cáo buộc hiện nay của chính phủ Nga, theo đó, Mỹ và NATO đang tìm cách chế ngự Nga, một phần trong kế hoạch này là xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo vốn có thể vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo của Nga. Đấy chính là lý do vì sao lại nhấn mạnh rằng Poseidon là loại vũ khí có khả năng vượt qua công nghệ chống tên lửa đạn đạo hiện nay; câu chuyện về Poseidon đã không thể thuyết phục được bất kỳ ai ở Bộ Quốc phòng Mỹ. Ngoài ra, sự ồn ào của Poseidon cũng làm cho nó dễ dàng phát hiện, bị nhắm mục tiêu và phá hủy. Chính vì những khiếm khuyết này mà có ý kiến cho rằng Poseidon chỉ là vũ khí giả.

Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Status-6 là dự án có thực và từng được thử nghiệm vào cuối năm 2016. Tuy nhiên Foxtrot Alpha cũng chỉ ra rằng, khác với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới Mỹ trong vài phút, Poseidon cần nhiều giờ để tiếp cận mục tiêu. Đây sẽ là khoảng thời gian Mỹ và đồng minh có thể khai thác để triệt hạ siêu vũ khí Nga trước khi nó gây họa. Theo Popular Mechanics, các nghiên cứu của Mỹ về vũ khí nguyên tử phát nổ dưới biển cho thấy chúng không có khả năng trong việc tạo ra sóng lớn. Thậm chí, kể cả có tạo ra sóng thần, sự đe dọa của ngư lôi cũng không thể khủng khiếp như tuyên bố. Hầu hết năng lượng sóng bị tiêu tan do đập vào thềm lục địa trước khi tiến được vào bờ.

Nga cho biết, Poseidon có thể di chuyển dưới nước với tốc độ lên tới 200 km/h nhờ công nghệ “supercavitation”, theo đó, ngư lôi sử dụng một động cơ phản lực tạo bong bóng bao quanh, nhằm giảm ma sát từ nước. Nhưng các nhà phân tích cho rằng những tuyên bố này vẫn rất khó xảy ra. Hình dạng vũ khí, kích thước của vây điều khiển và hệ thống truyền động cho thấy nó sẽ không hoạt động trong bong bóng bao quanh như nguyên lý ở trên. Đáp lại, Moscow cho biết bí quyết tạo nên tốc độ vượt trội của Poseidon là do nó được áp dụng công nghệ siêu khoang như trên ngư lôi VA-111 Shkval, đó là một bọt khí lớn sẽ bao trùm lên toàn bộ vật thể di chuyển trong nước nhằm giảm bớt lực cản. Hiện nay chỉ Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới làm chủ công nghệ vũ khí siêu khoang, do vậy không ngạc nhiên khi họ tích hợp tính năng này cho Poseidon để tạo ra tốc độ không tưởng như trên.

Theo Covert Shores, việc phát hiện thiết bị ngầm không người lái Nga có thể được thực hiện nhờ các tàu ngầm không người lái ACTUV (Anti-Submarine Warfare Continuous Trail Unmanned Vessel) - dự án tổ hợp không người lái hiện đại của Mỹ có chức năng phát hiện và bám các tàu ngầm của đối phương bằng cách sử dụng chế độ định vị tiếng vọng chủ động. Một phương pháp khác để phát hiện Poseidon là sử dụng mạng các cảm biến ngầm, trong đó có các phao thủy âm - có thể được thả xuống biển từ các máy bay tuần tiễu chống ngầm Boeing P-8 Poseidon. Nhưng câu hỏi còn để ngỏ là làm thế nào để tiêu diệt Poseidon - khi nó cơ động với tốc độ nhanh ở độ sâu 1.000 m?

Sutton - chuyên gia hải quân Mỹ cho rằng, việc đối phó với Poseidon không hề khó như Moscow và cả phương Tây vẫn nói. Các ngư lôi của Nga phần lớn đơn giản, chúng sẽ phụ thuộc vào tốc độ và độ sâu để đảm bảo sự tồn tại. Vì vậy có thể tiêu diệt chúng bằng cách bố trí dưới đáy biển một mạng lưới mìn cảm biến có thể phát hiện và phá hủy siêu ngư lôi của Nga. Các lưới mìn cảm biến có khả năng nhận biết và phân loại mục tiêu khác nhau, với mỗi loại mục tiêu sẽ xác định phương pháp đánh chặn khác nhau. Poseidon của Nga có thể bị phá hủy bởi các ngư lôi hạng nhẹ thế hệ mới - đầu đạn siêu thanh được phóng từ các tàu ngầm Mỹ để tiêu diệt mục tiêu ngoài phạm vi của lưới mìn cảm biến.

Mới đây nhà phân tích Peck trên tạp chí National Interest đã bày tỏ nghi ngờ về mục đích thực sự của Nga khi chế tạo thứ vũ khí đặc biệt này. Theo Peck, với tốc độ tối đa khoảng 180 km/h đến 200 km/h, Poseidon phải mất tới vài ngày thậm chí vài tuần để tiếp cận mục tiêu, trong khi đó tên lửa đạn đạo liên lục địa chỉ yêu cầu không quá 30 phút. Một hành trình quá dài dưới đáy đại dương sẽ khiến cho đối phương gia tăng đáng kể khả năng đánh chặn thứ vũ khí này, thậm chí khoảng thời gian đó đủ để gây thiệt hại nghiêm trọng cho nước Nga.

Một điều nữa là theo quảng cáo của Nga, công nghệ lò phản ứng hạt nhân áp dụng trên Poseidon vượt trội mọi đối thủ trên thế giới, dẫn tới nghi ngờ rằng nếu năng lực khoa học công nghệ của Nga siêu việt như vậy tại sao các tàu ngầm hạt nhân thông thường của họ vẫn phải vượt quãng đường khá dài để đuổi kịp người Mỹ. Thậm chí khi đã chế tạo thành công lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ thì Nga có thể lắp thiết bị này cho mọi tàu ngầm diesel-điện thông thường như lớp Kilo hay Lada để nâng cao khả năng tác chiến của chúng.

Thêm vào đó, với tầm bắn gần như không giới hạn thì tại sao chiếc Poseidon không được phóng đi từ ngay trong lãnh hải nước Nga, ví dụ như từ một căn cứ hải quân bí mật mà lại phải tích hợp vào chiếc Belgorod. Phải chăng mục đích thực sự của Nga khi chế tạo tàu ngầm hạt nhân không người lái Poseidon chẳng phải để tấn công vào lãnh thổ Mỹ mà nó đơn giản chỉ là một thứ vũ khí đối kháng mà thôi?

Trước sự vượt trội của hạm đội tàu sân bay Mỹ, Hải quân Liên Xô trước kia và Hải quân Nga ngày nay đã lên kế hoạch trang bị cho tàu ngầm tấn công các loại ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân, nếu âm thầm tiếp cận được biên đội tàu sân bay đối phương thông qua tàu ngầm mẹ thì chỉ cần duy nhất một phát bắn cũng hoàn thành nhiệm vụ và gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề. Có lẽ đây mới là mục đích thực sự của Nga khi thiết kế Poseidon, vì nó là vũ khí khó nhận biết hơn nhiều so với tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo diệt hạm vốn rất khó vượt qua chiếc ô phòng không Aegis của các chiến hạm Mỹ.

Tướng Romanhenko cho rằng, Poseidon không phải là ngư lôi, mà là thiết bị ngầm không người lái. Nếu các nhận định trên của chuyên gia Peck đều chính xác, thì tên gọi ban đầu là ngư lôi hạt nhân phản ánh đúng hơn bản chất loại vũ khí có một không hai này của Nga. Thông tin về vũ khí mới nhất của Nga rộ ra vào thời điểm Nga - Mỹ và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh và cả hai bên đều đang có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế quan ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.

Theo Vov