Cùng với các ngành IoT, Kỹ thuật dữ liệu và Khoa học máy tính, Báo chí số là 1 trong 4 ngành đào tạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) dự định mở và tuyển sinh trong năm nay để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thông tin từ PTIT cho hay, mới đây Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Báo chí số đã họp. Hội đồng gồm 7 thành viên là các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, với Chủ tịch Hội đồng là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Tại buổi họp, đại diện PTIT đã báo cáo tóm tắt nội dung quá trình xây dựng và nội dung chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Báo chí số cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
Theo đó, chương trình đào tạo ngành Báo chí số của Học viện là sự lai ghép giữa báo chí và công nghệ đa phương tiện (kỹ xảo - thiết kế - dữ liệu), hướng đến việc đào tạo nhân lực được trang bị kỹ năng số, có thể đảm nhiệm các vị trí công việc đa năng, đa nhiệm (All-in-One).
Được thiết kế với 133 tín chỉ (chưa bao gồm khối lượng kiến thức Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và Kỹ năng mềm) trong thời gian đào tạo 4 năm, chương trình đào tạo ngành Báo chí số của Học viện nhằm cung ứng nguồn nhân lực trình độ đại học ngành báo chí, công nghệ số và quản trị dữ liệu nội dung, có năng lực thích ứng nhanh với các môi trường làm việc khác nhau, trong bối cảnh công nghệ số liên tục thay đổi.
PTIT dự định sẽ tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành Báo chí số ngay sau khi đề án mở ngành được thông qua (Ảnh minh họa: Internet) |
Chương trình được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chính gồm: Tận dụng tối đa “chất xám công nghệ”, cân bằng giữa lý thuyết và thực hành - định hướng công nghệ trong lĩnh vực báo chí số; Phát huy lợi thế đi đầu trong đào tạo nhân lực ngành Báo chí số tại Việt Nam theo định hướng công nghệ; Đào tạo nhân lực ngành Báo chí số có năng lực làm việc chủ động với công nghệ, có khả năng học tập suốt đời và bám sát những thay đổi của công nghệ.
Với khung chương trình được thiết kế hợp lý, bám sát quy định của Bộ GD&ĐT cũng như những thay đổi trong ngành báo chí và truyền thông, nhu cầu nguồn nhân lực của nền kinh tế số, sau khi tốt nghiệp ngành Báo chí số của Học viện, sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc.
Đơn cử như phóng viên, biên tập viên tại các tòa soạn, các đài phát thanh truyền hình, nhà xuất bản; bộ phận thiết kế sản phẩm, phân tích dữ liệu báo chí số, quản lý các dự án báo chí thông tấn trong các tòa soạn, quan hệ báo chí của các tập đoàn, công ty; bộ phận quảng cáo, quan hệ công chúng, truyền thông của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ….
Hội đồng thẩm định đánh giá chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Báo chí số của PTIT được chuẩn bị công phu, mang tính khoa học và có ý nghĩa thực tiễn cao trong xu thế chuyển đổi số báo chí. Chương trình đáp ứng yêu cầu về mục tiêu, cấu trúc, thời lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT cho biết, trên cơ sở góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định, nhà trường sẽ hoàn thiện đề án mở ngành đào tạo Báo chí số. Dự kiến, Học viện sẽ tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành mới này ngay sau khi đề án được thông qua.
Vân Anh
Nhân đôi sức mạnh để đưa PTIT thành đại học hàng đầu về đào tạo công nghệ số
Nếu biết cách làm, phân vai rõ để Hội đồng Học viện và Ban Giám đốc hỗ trợ nhau, mô hình 2 lớp sẽ giúp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) nhân đôi sức mạnh, đưa trường thành đại học đào tạo công nghệ số hàng đầu.