- Trả lời tại họp báo trước thềm kỳ họp thứ 2 QH khóa 14 chiều nay, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, QH sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về khắc phục hậu quả do sự cố môi trường.

"Chính phủ thời gian qua đã tập trung chỉ đạo, QH đã có đoàn của UB Khoa học, công nghệ và môi trường vào giám sát từ sớm, có các kiến nghị cụ thể về yêu cầu Formosa đảm bảo mọi điều kiện an toàn trước khi được phép vận hành chính thức", ông Hạnh Phúc nói.

{keywords}
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc

"Hiện Chính phủ cũng đang chỉ đạo việc rà soát, đánh giá, phân loại và phân bổ tiền đền bù cho các địa phương bị thiệt hại".

ĐB giơ biển xin tranh luận

Tổng thư ký QH cũng cho biết tại kỳ họp này sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh việc tranh luận tại hội trường.

"Đại diện các cơ quan trình luật, trực tiếp là các bộ trưởng sẽ trả lời và trao đổi với ĐB. ĐB muốn tranh luận sẽ giơ biển xin tranh luận và được chủ tọa tạo điều kiện", ông Hạnh Phúc cho biết.

Thời gian chất vấn tại kỳ họp này như thường lệ là 2,5 ngày, trong khi thời gian cho thảo luận kinh tế - xã hội là 1,5 ngày.

{keywords}

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh việc tranh luận tại hội trường.

"Với tinh thần cố gắng để ĐB được trao đổi hết ý kiến của mình, thời gian làm việc buổi chiều có thể được kéo dài hơn để ĐB đặt hết câu hỏi. Các thành viên CP nếu không thể trả lời hết thì có thể trả lời bằng văn bản", Tổng thư ký QH cho biết.

Theo chương trình, kỳ họp thứ 2 QH khóa 14 dự kiến xem xét, thông qua 4 dự án luật về Hội, Tín ngưỡng, tôn giáo, Đấu giá tài sản và bộ luật Hình sự sửa đổi.

QH sẽ cho ý kiến về 12 dự án luật khác như Đường sắt sửa đổi, Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước sửa đổi, Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi...

{keywords}

QH cũng dành thời gian xem xét, thảo luận các báo cáo, trong đó có các vấn đề đáng chú ý như công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; tình hình Biển Đông.

Một số nội dung chưa được đưa ra thảo luận tại kỳ họp này là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Khoán xe công phải giảm được đầu xe

Câu hỏi QH có gương mẫu thực hiện việc khoán xe công mà Bộ Tài chính mới đây tiên phong làm không được đặt ra tại họp báo.

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trả lời: "Khoán xe công chúng tôi rất hoan nghênh. VPQH đã thực hiện khá sớm. Cách đây hơn chục năm, đồng chí Thuận [ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH] cũng đã thực hiện khoán xe công".

Ông Phúc cho biết hiện nhiều cán bộ VPQH, như Phó chủ nhiệm VPQH Đỗ Mạnh Hùng, cũng đang thực hiện khoán xe công.

Nhưng theo Tổng thư ký QH, khoán xe công theo cách của Bộ Tài chính "chưa phải hiệu quả lắm": "Phải làm sao bớt được lái xe, đầu xe đi, còn khoán như thế kia chỉ là từ nhà đến cơ quan thôi".

Ông Nguyễn Hạnh Phúc phân tích: "Anh quy định là 15.000 đồng/km đi taxi thì theo tôi cũng xêm xêm bằng giá xe công đổ xăng. Cái chính chúng ta phải giải bài toán chuyển mạnh về việc khoán xe công sang hình thức xã hội hóa, sang các cơ quan sự nghiệp thì mới hiệu quả.

Phải gom thành một xe chung, để ai đi đâu thì đăng ký mới hiệu quả còn chỉ khoán từ nhà đến cơ quan không phải. Bởi vì mỗi thứ trưởng vẫn phải xe như thế, lái xe như thế thì làm sao giảm".

Tổng thư ký QH cam kết sẽ nghiên cứu để khoán xe công hiệu quả hơn.

Chung Hoàng - Ảnh: Phạm Hải