Đa số các đại biểu đồng tình với với tờ trình Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, Nghị quyết Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biết khó khăn.
Chiều 22/10, tại thảo luận tổ, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến với Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. |
Theo đại biểu Sần Sín Sỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai thì nghị quyết của đề án, trong khoản 4 điều 1 điểm a, giải pháp thực hiện, phân định chưa rõ ràng, nhiều cụm từ vùng dân tộc, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn… Chính phủ cần tách bạch những vùng này, xác định rõ đâu là vùng có kinh tế khó khăn, vậy mới xác định các nguồn đầu tư, xây dựng chính sách phù hợp.
Đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khẳng định, đây là đề án rất quan trọng, có ý nghĩa nhân văn và rất thiết thực mà cử tri và nhân dân đang mong đợi; điều đó cũng thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và người dân sống ở các khu vực khó khăn trên cả nước nói chung.
Tuy nhiên, đại biểu Phan Thái Bình cũng bày tỏ băn khoăn về sự hiệu quả của chính sách và tính khả thi của đề án. Theo đại biểu, trước khi bàn về đề án này, Chính phủ phải rà soát, tổng hợp, đánh giá đầy đủ những tác động từ vấn đề biến đổi khí hậu, kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; nhất là đánh giá lại 118 văn bản và 54 đề án đã ban hành liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn trước đây.
Đồng thời chỉ rõ nguồn lực thực hiện đề án này, khắc phục tình trạng nợ chính sách, gây mất lòng tin cho người dân. Mặt khác, đề án cần phải nghiên cứu đặc điểm địa hình, đặc thù vùng miền, phong tục tập quán sản xuất, sinh hoạt của mỗi dân tộc để có chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đủ mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vượt lên khó khăn, tập trung đầu tư vào khu vực này.
Về khung chính sách, đại biểu Phan Thái Bình đề xuất 4 nhóm chính sách: nhóm chính sách phát triển kinh tế; nhóm chính sách phát triển văn hóa - xã hội; nhóm chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng; nhóm chính sách phát triển nguồn nhân lực. Và trong từng nhóm vấn đề cần xây dựng các dự án thành phần; trong mỗi dự án xây dựng các tiểu dự án, phân định rạch ròi không chồng lấn chính sách lên nhau, nâng cao tính khả thi của đề án. Về mục tiêu đề án nêu đến 2025 thu nhập đầu người tăng gấp 2 lần hiện nay, đến năm 2030 tăng gấp 2,5 lần là không khả thi, bởi sau khi đầu tư khoảng 3 - 4 năm mới bắt đầu phát huy hiệu quả và trên thực tế khó có khả năng thực hiện được mục tiêu đề ra với nguồn lực mà đề án đề xuất (335.421 tỷ đồng).
Đại biểu Phan Việt Cường, đoàn Quảng Nam nhấn mạnh, ngoài những vấn đề đại biểu thảo luận sẽ được Quốc hội chọn lọc, tiếp thu, các thành viên trong tổ thống nhất cao đề xuất Quốc hội quan tâm chỉ đạo, nghiên cứu sâu các yếu tố tác động và điều kiện thực tiễn hiện nay nhằm đảm bảo tính khả thi trước khi thông qua để triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư, quyết không để nợ chính sách làm mất lòng tin của người dân.
Và “để bảo vệ rừng, cải thiện mức sống của người dân khu vực miền núi, Chính phủ sớm trình Quốc hội nâng mức khoán bảo vệ và phát triển rừng từ 400.000 đồng/ha hiện nay lên 600.000 đồng/ha; Chính phủ cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào khu vực miền núi”, ông Phan Việt Cường đề xuất.
Bài: Bạch Thị Hân - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Quyết Thắng - Nhóm PV