Sparta mặc dù nổi tiếng sở hữu quân đoàn hùng mạnh và đáng sợ nhất thế giới cổ đại, nhưng cái giá phải trả cũng là không hề nhỏ, đến mức cái tên “Sparta” đã trở thành một từ để chỉ lối sống đầy khắc nghiệt.
Xã hội Sparta được xây dựng cẩn thận bởi những luật lệ nghiêm khắc và các nghĩa vụ gian nan, và để hoàn toàn được chấp thuận, bạn bắt buộc phải vượt qua một cuộc sống vô cùng khổ cực. Họ thậm chí không được coi hay đối xử như một con người thực sự. Từ sự đầu tư khủng khiếp của nhà nước Sparta vào hệ thống huấn luyện quân đội Sparta, hãy cùng tìm hiểu những lý do tạo nên con đường đầy gian nan trở thành những chiến binh Sparta dũng mãnh của thời Hy Lạp cổ đại
Người Sparta phải chứng minh thể lực của mình từ khi còn là đứa trẻ sơ sinh.
Tục giết trẻ sơ sinh là một tập tục mà thế giới cổ đại phản đối vô cùng. Nhưng ở Sparta, hành động này còn có tổ chức riêng và được điều hành bởi nhà nước. Tất cả những đứa trẻ được sinh ra dưới thời đại Sparta đều bị đưa ra trước một hội đồng đánh giá thể lực. Những đứa trẻ không đủ tiêu chuẩn sẽ bị bỏ mặc đến chết.
Nhà sử học cổ đại Plutarch xác nhận rằng những đứa trẻ xấu số này bị ném xuống vực thẳm dưới chân núi Taygetus. Nhưng hầu hết các nhà sử học cổ đại khác đều cho rằng đó chỉ là truyền thuyết phù phiếm không có thật. Theo họ, một đứa trẻ được đánh giá là thiếu tiêu chuẩn trở thành chiến binh tương lai sẽ bị bỏ rơi ở sườn ngọn đồi nào đó. Đứa trẻ đó có thể chết vì nhiễm trùng, hoặc cũng có thể được giải cứu và chăm nuôi.
Và số phận những đứa trẻ vượt qua bài kiểm tra này cũng không hề dễ dàng chút nào. Để thách thức sức chịu đựng, chúng được tắm bằng rượu thay vì nước. Không ai quan tâm nếu chúng khóc. Và chúng được huấn luyện trở nên không sợ bóng tối hay đơn độc.
Trẻ em được giáo dục bằng hệ thống giáo dục quân đội
Một bé trai bước vào tuổi thứ 7 tại Sparta sẽ phải rời xa bố mẹ và bắt đầu hành trình “agoge”, một chương trình đào tạo do chính quyền tổ chức, nhằm tạo ra các chiến binh thiện chiến và kỷ luật. Rời xa gia đình, mái ấm còn lại của các cậu bé 7 tuổi chính là doanh trại chung. Trong quãng thời gian “dự bị”, chúng được dạy về học thuật, về chiến tranh, về kỹ năng cải trang, săn bắn và điền kinh. Đến năm 12 tuổi, những đứa trẻ Sparta bị bắt ngủ ngoài trời, không được mặc quần áo trừ 1 cái áo choàng đỏ mỏng, và phải tự chế tạo giường của mình từ cây sậy.
Để làm quen với cuộc sống ngoài chiến trường, chúng được dạy tìm thức ăn bằng mọi cách, thậm chí là nhặt rác hay cướp bóc. Mặc dù vậy, nếu bị phát hiện chúng sẽ bị trừng phạt.
Chiến đấu và phản kháng được khuyến khích
Quy trình huấn luyện các chiến binh Sparta cũng bao gồm các môn học thông thường như đọc, viết, thi ca, văn chương, tuy nhiên, môi trường huấn luyện này cũng có cả những khía cạnh rất bạo lực. Để rèn luyện đứa trẻ trở nên cứng cáp, và khuyến khích bản năng chiến binh phát triển, những người huấn luyện luôn khơi ra mâu thuẫn và khuyến khích giải quyết những mâu thuẫn ấy bằng nắm đấm.
Trong khung cảnh đầy khắc nghiệt ấy, giữa cái lạnh giá và đói rét, những ai tỏ ra yếu đuối và thiếu can đảm sẽ ngay lập tức bị khiêu khích và chế nhạo bởi các bạn học và những người thầy của mình.
Các chiến binh Sparta phải phụng sự trong một quãng thời gian rất dài
Tuy là một quá trình huấn luyện khắc nghiệt và gian khổ, nhưng đây gần như là con đường duy nhất để những cậu bé Sparta trở thành tầng lớp công dân cấp cao trong xã hội. Và một khi đã bước chân vào hàng ngũ này, họ phải phụng sự cho tới tận khi 60 tuổi. Với một xã hội coi trọng con đường binh nghiệp như Sparta, những ngành nghề khác, như thợ thủ công hay thương nhân trở thành tầng lớp cấp thấp. Nông dân là tầng lớp thấp kém nhất, nhưng lại chiếm tỉ lệ cao nhất trong xã hội Sparta.
Lễ nghi vô cùng tàn nhẫn
Một trong những nghi thức rùng rợn nhất của người Sparta là việc đánh đập những đứa trẻ vô cùng tàn tệ trước mặt các vị thần. Đây vừa là nghi lễ mang tính chất tôn giáo, nhưng cũng là phép thử sự can đảm và khả năng chịu đựng của mỗi đứa trẻ. Nghi lễ này chính là nguồn gốc của những võ đài đẫm máu sau đó, khi đế chế Sparta sụp đổ và đế chế Roman lên ngôi.
Chế độ ăn hà khắc và sự nghiêm ngặt về thể hình
Đói khát đã trở thành điều thường xuyên trong quy trình huấn luyện một chiến binh Sparta, nhưng ngay cả khi đã tốt nghiệp khóa đào tạo này, họ vẫn phải giữ một chế độ ăn rất nghiêm ngặt và vô cùng nhạt nhẽo. Ngay cả trong những bữa tiệc mừng chiến thắng, hay trong một sự kiện nào đó, người ta cũng hiếm khi thấy các chiến binh Sparta ăn uống vô độ. Thực tế là, trong hầu hết những buổi yến tiệc này, họ đều được dọn riêng một khẩu phần ăn đặc biệt nhằm duy trì đủ năng lượng và tránh tình trạng quá cân.
Rất ít khi họ say xỉn, và họ cũng trở nên hà khắc với gia đình mình về vấn đề rượu bia.
Các chiến binh Sparta không được phép sống với vợ cho đến khi đủ 30 tuổi
Xã hội Sparta không cấm đoán chuyện yêu đương tình ái, nhưng hôn nhân lại là một vấn đề khác. Chính quyền Sparta quy định độ tuổi kết hôn ở nam giới là 30, và nữ giới là 20. Bởi tất cả nam giới đều phải sinh hoạt tại trại lính cho tới năm 30 tuổi, nên những ai kết hôn sớm hơn đều buộc phải sống ly thân cho tới khi hoàn thành nghĩa vụ của mình.
"Đầu hàng" không có trong từ điển của người Sparta
Các chiến binh Sparta chiến đấu cho tới người cuối cùng, với một tinh thần không sợ hãi. Những ai quăng vũ khí chạy trốn, hay đầu hàng quân địch sẽ bị xã hội Sparta đay nghiến và ruồng bỏ cho tới lúc người đó không thể chịu được và buộc phải tự tử. Trong lịch sử Sparta, chỉ ghi nhận một trường hợp duy nhất với hai người linh biến mất sau trận chiến Thermopylae. Hai người này sau đó trở về quê hương trong sự tủi nhục tột độ. Một người đã phải treo cổ tự tử, còn một người chỉ được chuộc tội sau khi chiến đấu tới chết trong một trận đánh sau đó.
Với nữ giới Sparta, chuyện sinh ly tử biệt cũng là một điều họ phải khắc cốt ghi tâm. Nếu một chiến binh Sparta tử trận, người đó được coi là đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình. Trên thực tế, với xã hội Sparta, chỉ có hai đối tượng được phép khắc tên mình lên bia mộ khi chết: người phụ nữ chết khi sinh con và người đàn ông chết khi chiến đấu.
Theo GenK