Hợp tác quốc tế về pháp luật là nội dung quan trọng trong công tác đối ngoại, hợp tác quốc phòng thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng ban hành và thực thi pháp luật trong Quân đội, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả ban hành và thực thi pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về hoạt động, quản lý hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật. Điển hình là Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 09/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về hợp tác nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; Nghị định số 113/2014/NĐ-CP, ngày 26/11/2014 của Chính phủ về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật; Kết luận số 73-KL/TW, ngày 20/5/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW, v.v. Theo đó, Quân đội đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nhiều biện pháp phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; đúng chủ trương, đường lối đối ngoại, hợp tác quốc phòng của Đảng, đạt kết quả khá toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng ban hành, thực thi pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội.
Thiếu tướng Bùi Trung Dũng (ngồi ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị những người đứng đầu Cảnh sát biển toàn cầu lần thứ 2. Ảnh: TTXVN |
Nổi bật là, nhận thức của đội ngũ cán bộ pháp chế toàn quân về hợp tác quốc tế về pháp luật có nhiều chuyển biến, tiến bộ; công tác xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án hợp tác pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng được chú trọng, bảo đảm đúng quy trình, nguyên tắc, quy định của Nhà nước, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật nước ngoài và luật pháp quốc tế. Quân đội đã tham mưu với Đảng, Nhà nước ký kết, thực hiện nhiều văn bản, hiệp định, đề án, dự án hợp tác về quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu, đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước có chung đường biên giới. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật thông qua trao đổi đoàn; hợp tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật, ngoại ngữ; tham dự hội nghị, hội thảo, tọa đàm về pháp luật,… nhằm trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin, kinh nghiệm xây dựng, ban hành văn bản và thực thi pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Chủ động nghiên cứu, khảo sát thực tế hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật của các nước tiên tiến, có trình độ pháp luật cao phục vụ công tác xây dựng các dự án luật và các luật, như: Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng; ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia, v.v. Duy trì chặt chẽ, nền nếp công tác giám sát, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật. Nhờ đó, đã thu hút được các nguồn lực bên ngoài vào đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước và năng lực xây dựng, điều chỉnh, thể chế hóa, thực thi pháp luật trong Quân đội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng nội dung hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật so với yêu cầu đặt ra còn chưa phong phú, đa dạng, có mặt chất lượng chưa sâu; tiếp thu kinh nghiệm xây dựng, thực thi pháp luật của các nước chưa nhiều. Một số nội dung trong các thỏa thuận triển khai còn chậm, hiệu quả chưa cao; công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về lĩnh vực này chưa được chú trọng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu hội nhập quốc tế; kiến thức, kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế và trình độ ngoại ngữ của cán bộ còn hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng: “Tiếp tục đổi mới hợp tác quốc tế về pháp luật theo hướng chủ động, tích cực, tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế… nhằm tạo ra thay đổi về chất trong công tác hợp tác quốc tế về pháp luật”1, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ cán bộ pháp chế toàn quân đối với nhiệm vụ hợp tác quốc tế về pháp luật. Đây là vấn đề khó và mới, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng như lý luận, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nên các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng của Bộ cần quán triệt, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết và tính tất yếu phải hợp tác quốc tế về pháp luật trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế về quốc phòng hiện nay. Tổ chức giáo dục, quán triệt nắm chắc các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, trọng tâm là Quyết định số 1624/QĐ-BQP, ngày 02/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 84/QĐ-TTg, ngày 22/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận số 73-KL/TW và Chỉ thị số 39-CT/TW, v.v. Nắm vững mục tiêu, yêu cầu đạt được, nguyên tắc, phương thức hoạt động, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong các kế hoạch, chương trình, dự án, đề án hợp tác quốc tế về pháp luật của Quân đội; hiểu rõ đặc điểm, văn hóa, trình độ pháp luật của từng đối tác; xác định thuận lợi, khó khăn, các yếu tố tác động cả tích cực, tiêu cực trong hợp tác,… làm cơ sở vận dụng, triển khai thực hiện hiệu quả, bảo đảm đúng quy trình, lộ trình đã xác định cho từng năm và cả giai đoạn.
Hai là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật. Hiện nay, hệ thống cơ chế, chính sách, thể chế pháp luật về nội dung này chưa đầy đủ, đồng bộ, trong khi chúng ta đã và đang có quan hệ quốc phòng chính thức với nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế; tham gia một số hoạt động thương mại quân sự trong tổng thể hoạt động thương mại quốc gia, nhất là Hiệp định EVFTA về mua sắm Chính phủ. Do vậy, các cơ quan pháp chế, kế hoạch và đầu tư, đối ngoại, cơ quan chức năng liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần đề cao trách nhiệm, tham mưu với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng các chủ trương, biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác và quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện, điều chỉnh các chính sách, quy chế, quy định hiện hành với đề xuất xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới về ký kết, thực hiện điều ước, thỏa thuận quốc tế, quản lý viện trợ nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật,… bảo đảm yêu cầu đúng cam kết khi thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật có nhận viện trợ của nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, pháp luật nước ngoài, luật pháp quốc tế, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và đồng bộ, thống nhất với các luật của Quốc hội. Mục đích cuối cùng là phải tạo được cơ chế, hành lang pháp lý thuận lợi nhất để hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật diễn ra theo đúng kế hoạch, lộ trình xác định và đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân phải xác định nội dung hợp tác trọng tâm, giải pháp chủ yếu thực hiện hợp tác quốc tế về pháp luật; đề xuất rõ nội dung, phương thức, đối tác hợp tác quốc tế về pháp luật sát với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng và của cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm tính khả thi cao. Chủ động phối hợp cùng các cơ quan chức năng kết nối với các đối tác nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật, chú trọng các đối tác có mối quan hệ truyền thống đặc biệt, đối tác láng giềng, đối tác có nền pháp luật, tư pháp phát triển mà không cần có sự tương đồng về thể chế chính trị. Trước mắt, cần tăng cường hoạt động trao đổi đoàn, tiếp thu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo kinh nghiệm của nước ngoài vào xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các dự án luật, như: Luật Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Luật Công nghiệp quốc phòng, Luật Động viên công nghiệp, Luật bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng không nhân dân và các dự án khác của Quân đội theo chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ (2021 - 2025) của đất nước gắn với Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Trong hợp tác, chú ý công tác khảo sát thực tiễn xây dựng, điều chỉnh, thể chế hóa, thực thi pháp luật của nước ngoài; không rập khuôn máy móc; không để nước ngoài can thiệp vào việc quyết định chính sách, pháp luật về quân sự, quốc phòng của nước ta và phù hợp với điều kiện, đặc thù của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, thi hành pháp luật về quốc phòng, quân sự với các đối tác khi có nhu cầu. Lấy kết quả thể chế hóa pháp luật Nhà nước thành hệ thống điều lệnh, điều lệ, kỷ luật,… xây dựng Quân đội vững mạnh, an toàn, chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, phát huy vai trò nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc và tham gia hiệu quả các hoạt động quốc phòng, quân sự trong khu vực, thế giới làm cơ sở đánh giá kết quả hợp tác quốc tế về pháp luật.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về quốc phòng và hợp tác quốc tế về pháp luật. Để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về pháp luật, cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong lĩnh vực này; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng trong nước với gửi đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ở nước ngoài, chú trọng đào tạo văn bằng thứ hai về pháp luật, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan làm công tác pháp luật quốc tế, chính sách đối ngoại quốc phòng đủ về số lượng, chất lượng ngày càng cao. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế trong Quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về ngoại ngữ, chắc về chuyên môn luật pháp quốc tế thuộc các chuyên ngành: Pháp chế; gìn giữ hòa bình; chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển đảo; hàng không; khoa học - công nghệ, chế tạo; thương mại quân sự,… có kiến thức và kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế theo tiêu chuẩn công dân toàn cầu. Đồng thời, có khả năng cập nhật, phân tích thông tin quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại,… của thế giới, khu vực, trong nước; có tư duy chiến lược sắc sảo; tinh thông về luật pháp quốc gia, quốc tế, nhất là các vấn đề liên quan về biển, đảo, biên giới, chủ quyền lãnh thổ, làm cơ sở khoa học giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nội dung, phương thức hợp tác, soạn thảo, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng; các giải pháp đấu tranh pháp lý, ngoại giao, quốc phòng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, hóa giải nguy cơ chiến tranh, thực hiện bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.
Năm là, phát huy vai trò tham mưu của các tổ chức pháp chế, cán bộ pháp chế chuyên trách, nòng cốt là Vụ Pháp chế trong hợp tác quốc tế về pháp luật. Vụ Pháp chế chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Đối ngoại, Cục Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các giải pháp củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật của cơ quan và đội ngũ cán bộ pháp chế toàn quân; tham mưu biện pháp quản lý và giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý nhà nước, hướng dẫn, triển khai thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, thực thi pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Chú trọng tham mưu nội dung, phạm vi, thời gian, phương thức, đối tác hợp tác; trách nhiệm và cơ chế thực hiện của các đối tác trong từng nội dung hợp tác; phương thức giải quyết bất đồng, tranh chấp và pháp luật áp dụng; tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất nội dung, đàm phán, ký kết, thực hiện thỏa thuận hợp tác quốc tế về pháp luật để nâng cao chất lượng thỏa thuận quốc tế, bảo đảm tính thiết thực và khả thi cao. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 95/2015/TT-BQP, ngày 25/8/2015 quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế; xây dựng, ký kết thực hiện thỏa thuận quốc tế trong Quân đội.
Sáu là, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về pháp luật. Để ngăn chặn, phòng ngừa các đối tượng thù địch lợi dụng quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế trà trộn, móc nối, phá hoại, các cơ quan, đơn vị, lực lượng tham gia hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế về pháp luật cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, bảo đảm bí mật quân sự, bí mật nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn. Phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ an ninh Quân đội xây dựng và thực hiện các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn khi đề xuất, ký kết, thực hiện các cam kết hợp tác quốc tế về pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, tác động, can thiệp vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật trong Quân đội, nhằm từng bước hướng lái, chuyển đổi mục tiêu, phương hướng chính trị, tiến tới “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Cùng với đó, các tổ chức, cán bộ pháp chế, nhất là Vụ Pháp chế căn cứ vào đặc điểm, nhiệm vụ, chương trình hợp tác quốc tế về pháp luật hằng năm, chủ động xây dựng kế hoạch trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt và phối hợp với cơ quan liên quan bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị, tài chính phục vụ hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật theo hướng đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.
Thực hiện tốt các giải pháp trên, không chỉ huy động được các nguồn lực bên ngoài vào hiện đại hóa hệ thống pháp luật, mà còn tạo cơ chế để Quân đội nhân dân Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động quân sự, quốc phòng trong khu vực và thế giới, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh, kỷ luật, kỷ cương, an toàn, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
Thượng tướng VÕ MINH LƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
_________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 154.
Theo tapchiqptd.vn