- Xuyên suốt hơn 5 thập kỷ từ khi bán đảo Cao Ly bị chia cắt, mối quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và các cường quốc luôn bị chi phối bởi hai nhân tố chủ yếu là địa chính trị và vấn đề hạt nhân.

Các cường quốc nằm trong mối quan hệ hoặc vướng mắc này với Bình Nhưỡng là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Với mỗi cường quốc, tính chất của mối quan hệ này cũng như vai trò và quyền lợi của mỗi bên đều khác nhau. Trong đó, Nga và Trung Quốc được xếp vào phe "ủng hộ", "đồng minh chiến lược"; còn bộ ba Mỹ - Nhật - Hàn lại ở phe "chống". Lâu nay, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như tìm ra một giải pháp nhất quán đối với Triều Tiên luôn ở tình trạng “bất khả thi” vì các cường quốc này không tìm ra “mẫu số chung” cho lợi ích của từng bên.

Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân 6 bên rơi vào thế bế tắc, Trung Quốc trỗi dậy và chiến lược rõ ràng trở lại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và nóng nhất là khoảng trống mơ hồ tạo ra trong quá trình chuyển giao quyền lực sau sự ra đi của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il, việc xem xét lại các mối quan hệ rối rắm này sẽ giúp phần nào phác thảo ra những chiều hướng phát triển trong tương lai.

Đôi bên có lợi


Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đón tiếp Chủ tịch Kim Jong-il trong chuyến thăm tới Nga hồi tháng 8 vừa qua. Ảnh: CSmonitor
Moscow muốn các mối quan hệ suốt hơn 60 năm qua với Bình Nhưỡng sâu sắc hơn nhằm đảm bảo hòa bình tại khu vực Đông Bắc Á. Ngay sau khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền, quan hệ Nga – Triều đã đạt tới một cấp độ chưa từng có trong lịch sử. Moscow có đặc quyền đối thoại đặc biệt với Bình Nhưỡng, dựa trên sự phát triển của lòng tin giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai quốc gia. Hay nói cách khác, quan hệ Nga – Triều định hình bởi “quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo của hai nhà nước”.

Ngay cả khi Triều Tiên có sự chuyển giao về mặt quyền lực sau khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời, phía Nga vẫn thể hiện sự “chào đón” vị tân lãnh đạo bằng việc đưa ra tuyên bố củng cố quan hệ đối tác lâu năm này. Câu hỏi đặt ra là, liệu kiểu quan hệ “cá nhân giữa lãnh đạo của hai nước” sẽ tiếp tục được duy trì như thế nào trong bối cảnh Đại tướng Kim Jong-un lên nắm quyền.

Còn trước nay, quan điểm nhất quán của Nga đối với vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên cũng như đối với Bình Nhưỡng nói riêng là luôn duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, tránh mọi khuấy động “binh đao” tại đây. Bởi bất cứ một sự can thiệp vũ trang hoặc nổ súng trong khu vực này đều ảnh hưởng trực tiếp lên địa chính trị, hợp tác kinh tế, an ninh hạt nhân và cả vấn đề di dân mà Nga sẽ không thể tránh khỏi tác động nặng nề, đặc biệt là vùng lãnh thổ của Nga ở Viễn Đông.

Chính vì vậy, Nga xác định đối sách với Triều Tiên luôn là một thành phần quan trọng trong chiến lược của họ hướng tới khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Trong các chính sách này đều thể hiện một cách thức tiếp cận có tính toán kỹ lưỡng và linh hoạt của Moscow đối với Bình Nhưỡng, chứ không đơn thuần là nhu cầu tương thuộc lẫn nhau về ý thức hệ cũng như chính trị, kinh tế. Do đó, mọi nỗ lực của Nga nhằm duy trì hòa bình và tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đều hướng tới các biện pháp như đàm phán hoặc ngoại giao nhằm bảo toàn lợi ích chiến lược và thiết thực của họ tại khu vực này.

Tuy nhiên về bản chất, cả Nga và Triều Tiên đều không hoàn toàn coi đối tác quan trọng tới mức sống còn đối với quyền lợi quốc gia, mà họ đều chia sẻ các mối lo ngại cũng như lợi ích chung. Triều Tiên muốn có một giải pháp khả dĩ cho cuộc khủng hoảng hạt nhân, thông qua đó sẽ có viện trợ nhiều hơn và phần nào cải thiện quan hệ với Mỹ. Nga thì muốn hòa bình và đồng thời nâng cao vị thế của mình nếu như quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra êm đẹp.

Đối tác bền chặt

Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Moscow là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Bình Nhưỡng. Các mối quan hệ này duy trì bền vững trong suốt quãng thời gian bất hòa về chính trị. Hợp tác kinh tế giữa đôi bên đặc biệt phát triển vào thời kỳ Xô Viết. Ngay cả khi Nga không còn là đối tác nước ngoài lớn nhất của Triều Tiên, Moscow vẫn là một nhà cung cấp các nguyên vật liệu và công nghệ chiến lược cho Bình Nhưỡng.

Khi thương mại song phương giảm sút, Nga vẫn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Triều Tiên, với dòng vốn luân chuyển hàng năm vào khoảng 100 triệu USD.

Khu vực Viễn Đông của Nga là nơi mà doanh nghiệp của Triều Tiên hiện diện nhiều nhất. Một trong những lĩnh vực hợp tác kinh tế đôi bên lâu đời có thể kể đến là sản xuất gỗ, nông nghiệp và đánh bắt cá. Theo một thống kê, con số chuyên gia của Triều Tiên làm việc tại Nga ước tính vào khoảng 15 ngàn người và nhu cầu nhân công dường như đang có xu hướng tăng lên do dân số Nga đang giảm sút đáng kể.

Các chuyên gia tại Moscow tin rằng, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên kế tục thay Chủ tịch Kim Jong-il vừa qua đời không ảnh hưởng gì tới các dự án mà hai quốc gia đang tiến hành. Dự án lớn nhất giữa đôi bên hiện nay là đường ống dẫn khí Xuyên Triều, và đường tàu lửa Khasan-Raijan nhằm khôi phục lại kết nối giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên.

Nhà phân tích Sergey Glushkov nói rằng các thị trường hầu như không bị suy chuyển. “Chúng ta sẽ hầu như không thấy có nhiều thay đổi lớn lao trong chính sách của Triều Tiên sau khi chuyển đổi lãnh đạo, do đó, các tin tức ở Triều Tiên sẽ không có tác động lâu dài lên các thị trường”.

Thỏa thuận về đường ống dẫn khí này vẫn đang được đàm phán và Hãng Đường sắt của Nga đã hoàn thành bước đầu tiên trong dự án Khasan-Rajin hồi tháng 10 vừa qua. Mọi công việc đều triển khai như lịch trình.

Tuy nhiên, theo Bộ Phát triển Kinh tế của Nga, rào cản lớn nhất hiện nay về hợp tác kinh tế đôi bên chính là khoản nợ khó đòi trị giá 8,8 tỉ USD của Triều Tiên.

Nga trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên

Mỹ vẫn hay phàn nàn rằng Nga luôn nương tay trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi bộ ba Mỹ-Nhật-Hàn lại muốn có biện pháp cứng rắn hơn để gây sức ép lên Bình Nhưỡng. Nhưng tất nhiên, Nga luôn tìm mọi cách để kịch bản sử dụng lực lượng quân sự không bao giờ xảy ra.

Thứ nhất, an ninh của cả khu vực Viễn Đông của Nga chắc chắn là sẽ bị tác động nặng nề từ việc đối đầu quân sự ở bán đảo Triều Tiên. Việc Mỹ tập trung hiện diện quân sự tại biên giới Nga – Trung chỉ có thể khiến cho tình hình khu vực này thêm căng thẳng, nhiều khả năng dẫn tới xung đột vũ trang trên quy mô lớn hơn. Chưa kể, cả Mỹ - Nga và Trung Quốc đều là cường quốc hạt nhân.

Mặc khác, kịch bản một nhà nước Hàn Quốc thống nhất sau khi Triều Tiên sụp đổ là điều không hề nằm trong mong đợi của Nga. Bởi Hàn Quốc là đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực này, nên viễn cảnh Mỹ mở rộng ảnh hưởng tại bán đảo Triều Tiên cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của Nga bị thu hẹp lại. 

Thứ hai, dù Triều Tiên không được công nhận là cường quốc hạt nhân, nhưng họ được cho là sở hữu tối thiểu 10 quả bom hạt nhân và chừng 50kg plutonium (chỉ cần 7kg là có thể thổi bay cả thành phố lớn như Berlin). Trong trường hợp Mỹ và Triều Tiên mang hạt nhân ra đọ sức thì Nga sẽ phải hít đủ phóng xạ từ các đám mây bụi hạt nhân. Chưa kể, làn sóng tị nạn vào Nga nếu chiến tranh nổ ra sẽ khiến Nga đối mặt với một thảm họa về sinh thái cũng như nhân đạo. Trên lãnh thổ Nga cũng sẽ xảy ra tình trạng di dân từ miền Đông sang miền Tây để lánh nạn, khiến cho tình trạng phân bổ dân cư bị rối loạn. Cũng có thể vì không muốn hít thêm bụi phóng xạ sau thảm họa Chernobyl nên Nga phải đảm bảo cho nhà máy hạt nhân tại Triều Tiên không được kém về chất lượng.

Thứ ba, hiện giờ các dự án của Nga là đường ống dẫn khí và đường sắt kể trên có vai trò quan trọng trong việc hồi sinh về mặt kinh tế cho khu vực Viễn Đông của Nga. Và không cần nói gì thêm, chiến tranh sẽ khiến cho các dự án này và lợi ích kinh tế của Nga thiệt hại nặng nề.

Cuối cùng là vì nếu xung đột vũ trang nổ ra tại Triều Tiên sẽ chỉ khiến cho mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, Nhật trở nên phức tạp hơn theo chiều hướng bất lợi cho các bên. Vai trò của Nga trong vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên – theo kỳ vọng của Kim Jong-il – còn nhằm đối trọng lại với Mỹ. Tuy nhiên, chìa khóa của cuộc khủng hoảng này lại đang nằm trong tay của Bắc Kinh, chứ không phải của Moscow.

  • Lê Thu