Khoảng 6, 7 năm về trước, những cửa hàng net là điểm đến lý tưởng, được đông đảo người trẻ lựa chọn, nhất là đối với tầng lớp học sinh, sinh viên. Thời ấy, điện thoại đa phần còn khá đơn giản, chưa kết nối Internet phổ biến như bây giờ. Vì vậy, để có thể trò chuyện với bạn bè, thoải mái đọc những thông tin trên báo chí hay chơi những trò game yêu thích... người ta lại nghĩ ngay đến quán net bởi không mất quá nhiều tiền nhưng thực sự tiện dụng. Quán net những ngày đó, lúc nào cũng đông đúc, thậm chí cung không đủ cầu, nhiều khách phải đứng xếp hàng chờ có máy trống, đến lượt mình vào ngồi.
Năm 2008, lượng khách vào các quán net lúc nào cũng đông đúc, có người phải đứng đợi một lúc mới có máy trống - (Ảnh: Người lao động).
Thế nhưng, khi công nghệ phát triển, điện thoại smatphone hầu như ai cũng có, những hàng net ấy rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách.
Số phận chênh vênh của quán net
2 năm trước, anh Tuấn Anh đầu tư mở hai quán net liền nhau trên phố Đặng Văn Ngữ (quận Đông Đa, Hà Nội) với hy vọng "kinh doanh trên "đất vàng", trước sau gì cũng giàu". Hai quán net của anh khá rộng lại không mất tiền thuê mặt bằng do phòng ốc sẵn có của gia đình. Tiền vốn chủ yếu được anh dùng để đầu tư 88 chiếc máy tính PC cấu hình cao, lắp đặt các đường dây mạng, điều hòa, mua bàn ghế... để phục vụ khách.
Phố Đặng Văn Ngữ vốn nổi tiếng là nơi hội tụ nhiều hàng game lớn nhất nhì ở Hà Nội, nơi gần với nhiều trường Đại học, THPT nên có lực lượng khách hàng tiềm năng khá đông đảo. Nhờ vậy, thời gian đầu hoạt động, quán net của anh Tuấn Anh rất đông khách, thu nhập ổn. Tuy nhiên, gần đây, quán của anh liên tục lâm vào tình trạng thất thu vì vắng khách dù đã áp dụng đủ chiêu bài khuyến mại, giảm giá.
Anh Bùi Ngọc Anh (SN 1979, quản lý một quán net trên phố Trần Bình) chán nản chia sẻ, sau vài năm đầu kinh doanh khá tốt, lượng khách tới quán ngày một giảm dần. Doanh thu sụt giảm lại phải đối mặt với chi phí thuê mặt bằng, bảo dưỡng, thay mới máy tính lên tới vài chục triệu đồng/tháng khiến chủ quán thật sự đau đầu.
Vì sao cơn sốt quán net đã chỉ còn là dĩ vãng?
Nhớ lại quãng đường kinh doanh của mình, anh Ngọc Anh khẳng định, khoảng thời gian 6-7 năm về trước là giai đoạn "hoàng kim" của các chủ quán net. Theo lời anh kể thì 6 năm trước, dọc khu phố Trần Bình gần trường Đại học Thương mại (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có tới gần 20 quán net hoạt động nhưng các cửa hàng lúc nào cũng đông khách. Thời đó, khi công nghệ số chưa thực sự "phủ sóng" rộng rãi, việc sở hữu điện thoại smartphone để có thể vào kết nối Internet, chơi game, liên lạc với bạn bè... vẫn còn là mơ ước của nhiều người. Và tìm đến quán net lúc đó là lựa chọn tối ưu, vừa không mất quá nhiều chi phí, vừa được chuyện trò hay chơi game thỏa thích.
Tuy nhiên, hiện nay nay, cả tuyến phố này chỉ còn 2 hộ gia đình trụ vững với cửa hàng net nhưng doanh thu cũng chỉ ở dạng tạm đủ sống qua ngày.
Anh Ngọc Anh phân tích, điều đầu tiên phải kể đến là thời gian gần đây, công nghệ số phát triển với tốc độ chóng mặt, giá các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại ngày càng giảm mạnh. Chỉ mất từ 3 đến 4 triệu đồng, nhiều người đã có thể trang bị cho mình một chiếc máy tính, điện thoại tầm trung để lướt web, chơi game, trò chuyện với bạn bè... Nhu cầu ra tận hàng net để sử dụng dịch vụ mạng Internet vì thế cùng giảm mạnh, mà nếu có phải ra hàng net, người ta cũng không còn ngồi hàng tiếng đồng hồ mà có khi chỉ 5 - 10 phút rồi đi ra.
Nguyên nhân thứ hai là việc nhiều người kinh doanh tự phát khi chưa tìm hiểu kỹ cũng như tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh. Kinh doanh quán net cần sở hữu lượng vốn khá "dày". Trước hết là đầu tư cho hệ thống máy tính cấu hình cao. Đối với gia đình anh Ngọc Anh hiện nay, trung bình một chiếc máy mới đầu tư mất 16 triệu đồng. Hơn nữa, sau một năm, chủ quán sẽ phải đầu tư thay mới những chiếc máy hoạt động chậm. Như vậy, mỗi năm, chi phí thay máy mới, bảo dưỡng máy tính có thể lên tới khoảng 600 triệu, chưa kể tiền lắp đặt mạng Internet tốc độ cao và trang bị các điều kiện cơ sở vật chất khác.
Bên cạnh đó, nhiều người đầu tư mở quán net nhưng lại không có đủ hiểu biết về các loại game và kiến thức cơ bản về mạng máy tính khiến việc quản lý kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Chưa kể là nhiều người đầu tư kinh doanh theo trào lưu, không phân tích, tìm hiểu kỹ thị trường.
Tương tự, anh Tuấn Anh cũng khẳng định, thị trường kinh doanh quán net ngày càng khốc liệt chủ yếu do "nạn mở quán tràn lan". "Trong khi mạng Internet ngày càng phổ cập, nhu cầu của người dân thành phố đang có xu hướng giảm thì nhiều tiểu thương lại ồ ạt đầu tư kinh doanh quán net. Điều đó vô tình đã phá vỡ thế cân bằng giữa cung và cầu, khiều quán net phải phá sản hoặc đứng bên bờ vực phá sản", anh Tuấn Anh nói.
Chủ quán tìm đủ cách để cứu quán
Chi quá nhiều tiền để đầu tư kinh doanh nhưng lại không thể cân bằng thu chi, nhiều chủ quán chán nản đăng tin thanh lý quán, trong khi số khác thì nghĩ đủ mọi "chiều trò" hòng gỡ gạc. Chiêu thức đầu tiên được nhiều chủ quán áp dụng là giảm giá giờ ngồi chơi. Theo nhiều tiểu thương, tại khu vực Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội) giá mỗi giờ ngồi chơi tại quán net đã có lúc giảm chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì rất ít nơi giảm giá sâu như thế. Một chủ quán net ở khu vực Hà Đông có xác nhận từng giảm giá như vậy, nhưng đó là trò phá giá nên ngay lập tức đã bị các tiểu thương khác lên tiếng, đấu tranh đòi tăng giá trở lại, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng.
Nhiều chủ quán net khác coi việc phá giá là "không chơi đẹp" và về lâu dài, cũng không thể bền được. Vì vậy, "sau một thời gian đấu tranh, để đảm bảo cạnh tranh công bằng, hiện các quán net đã tăng giá lên 3.000 đồng/giờ. Dù vẫn vắng khách nhưng chúng tôi sẽ cố gắng chú trọng mảng chất lượng để hy vọng sớm ổn định kinh doanh" - một chủ quan net tại Triều Khúc tâm sự.
Trong khi đó, để cứu quán net thoát khỏi nguy cơ phá sản, từ hai năm nay, anh Lưu Tùy Phong, chủ một quán net trên đường Hoàng Quốc Việt liên tục nâng cấp chất lượng phòng máy. Mỗi năm anh thay mới hệ thống máy tính một lần và cố gắng nắm bắt mọi xu hướng mới của khách hàng. "Ví dụ như năm ngoái, khách thích ngồi ghế lông chuột nhưng năm nay, họ lại mốt loại ghế da mềm, giá khoảng 2.000.000 đồng/chiếc, mình lại phải thay ghế theo thị hiếu thôi chứ biết làm sao (cười)".
Ngoài ra, một số chủ quán khác lại tìm cách cải thiện chất lượng dịch vụ. Anh Tuấn Anh cho biết, mấy năm trước, nhiều quán net còn không trang bị điều hòa nhưng đến nay thì gần như 100% đều phải lắp điều hòa cây với sức tiêu thụ điện khá lớn. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của khách, quán của anh còn đầu tư kinh doanh thêm dịch vụ nước uống, đồ ăn, sẵn sàng phục vụ khách bất cứ lúc nào.
Hầu hết các tiểu thương đều thừa nhận, kinh doanh quán net trong thời đại bùng nổ công nghệ số đang gặp nhiều khó khăn. Một khi nhu cầu thị trường đã giảm mạnh thì tất cả mọi biện pháp cứu vớt doanh thu chỉ mang tính tạm thời.
"Hiện nay, quán net sống dựa vào thói quen ngồi chơi game tại quán để tạo không khí hứng khởi, giống như thay vì xem phim ở nhà, nhiều người vẫn thích ra rạp xem. Tuy nhiên, chính tôi cũng không biết nó sẽ kéo dài đến bao giờ" - anh Ngọc Anh lo lắng.
Theo Trí Thức Trẻ