Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi đưa loại xe giống ô tô này vào quản lý, tạo sự thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc.
Dừng thí điểm, chờ quy định trong luật
Tại khu du lịch Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), tìm hiểu của PV Báo Giao thông có khoảng trăm chiếc xe điện được dùng để chở khách du lịch. Loại xe này dài khoảng trên dưới 2m, gồm 4 hàng ghế chở khách, có vô lăng và bàn đạp chân ga, chân phanh, gương chiếu hậu như xe ô tô, song chỉ có kính chắn gió phía trước. Ghế ngồi không có dây đai an toàn, hai bên sườn và phía sau để hở để hành khách lên xuống dễ dàng. Hầu hết phương tiện không có biển số đăng ký, chứng nhận đăng kiểm.
Tương tự, ở nhiều khu du lịch, thắng cảnh khác như: Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)... loại hình vận tải trên cũng xuất hiện từ vài năm trước. Cùng với khu du lịch, tại các sân golf, khu nghỉ dưỡng, xe điện bốn bánh có sức chở ít 4 - 6 người được đưa vào sử dụng. Không chỉ hoạt động trong phạm vi giao thông nội bộ, một số địa phương (Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng...) xe điện bốn bánh (và cả loại xe chạy bằng xăng kết hợp điện) được hoạt động trên một số tuyến giao thông công cộng để vận chuyển khách tham quan, du lịch.
Ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, loại này không phải xe ô tô mà nằm trong nhóm kiểu loại “xe chở người bốn bánh có gắn động cơ”. Loại phương tiện trên có một số đặc điểm kỹ thuật như: Chạy bằng động cơ, có kết cấu để chở người, hai trục, ít nhất 4 bánh xe, vận tốc thiết kế tối đa 30km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả người lái).
“Về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, loại xe trên phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Thông tư số 86/2014 của Bộ GTVT. Khi tham gia giao thông chỉ được hoạt động trong phạm vi tuyến đường và thời gian nhất định, theo quyết định của UBND cấp tỉnh quy định. Phương tiện phải có đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, người lái phải có GPLX hạng B2 trở lên. Khi tham gia giao thông phải chấp hành quy tắc giao thông như xe ô tô dưới 15 chỗ ngồi”, ông Khanh cho biết.
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, bên cạnh “xe chở người bốn bánh có gắn động cơ”, còn có loại “xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ” được hoạt động thí điểm tại một số địa phương. Đơn cử, tại TP HCM có loại xe nhỏ được cấp biển đăng ký TD+ chữ số.
Loại xe này dùng động cơ xăng, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 15kW, vận tốc thiết kế lớn nhất tối đa 60km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550kg. Phương tiện này phải đăng ký, đăng kiểm, người lái có GPLX hạng B2 trở lên và chỉ được hoạt động theo phạm vi tuyến đường do UBND cấp tỉnh quy định. Cũng như xe 4 bánh chở người, Luật GTĐB chưa quy định đối với loại xe trên. Trong khi gần đây, một số địa phương đề xuất được sử dụng loại xe điện 3 bánh để thu gom rác… đặt ra yêu cầu luật hóa quản lý loại phương tiện trên.
Quản chặt điều kiện an toàn
Theo dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), xe chở người và xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ được xếp vào nhóm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, khi sản xuất, lắp ráp xe phải có thiết kế và được chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật.
Theo đại diện một số đơn vị đăng kiểm và vận tải ô tô, các quy định đối với xe 4 bánh gắn động cơ chở hàng, chở người tại Thông tư 16/2014 và Thông tư 86/2014 của Bộ GTVT mới chủ yếu đề cập đến yêu cầu đối với phương tiện, người lái và phạm vi tuyến đường. Do đó, cần bổ sung quy định về quản lý, tổ chức vận tải, nhất là đối với vận tải hành khách để tạo mô hình vận tải thống nhất.
Đáng lưu ý, loại phương tiện này phải đáp ứng một số tiêu chuẩn của xe ô tô như: Có kết cấu tổng thành đủ độ bền và đảm bảo tính năng vận hành ổn định; đầy đủ hệ thống lái, phanh; vô lăng bên tay trái; có đèn chiếu sáng gần, xa, đèn soi biển số; vành, lốp, gương chiếu hậu; vành, lốp đúng kích cỡ của loại xe; có bộ phận giảm thanh, giảm khói…
Dự thảo cũng quy định UBND cấp tỉnh quy định tuyến đường, thời gian hoạt động cụ thể cho xe chở người, chở hàng bốn bánh có gắn động cơ tại phạm vi địa phương.
“Những đề xuất quản lý xe bốn bánh có gắn động cơ chở người, chở hàng trong dự thảo chủ yếu được kế thừa quy định hiện hành. Việc quy định trong luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, cũng nhằm hạn chế gây xáo trộn về quản lý, hoạt động của loại phương tiện trên”, ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, loại xe chở người, chở hàng bốn bánh có tính chất vận chuyển hành khách, hàng hóa tương tự ô tô, vì vậy dự thảo nên bổ sung quy định điều kiện về quản lý an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện, niên hạn sử dụng đối với xe kinh doanh vận tải khách, chở hàng.
“Xe chở khách du lịch, dù hoạt động trong phạm vi nội bộ của đơn vị, khu du lịch cũng liên quan đến sự an toàn của hành khách. Vì vậy, nên bổ sung quy định quản lý đăng ký, đăng kiểm định kỳ và điều kiện của người điều khiển xe cả với xe chở khách trong phạm vi nội bộ. Kết cấu kỹ thuật chở người, chở hàng có tính chất bền, tuổi thọ nhất định nên cũng cần bổ sung quy định bảo dưỡng xe, niên hạn sử dụng như đối với xe ô tô chở người, ô tô tải hiện nay”, ông Nguyễn Trung Thao, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 35-01D góp ý.
Cũng theo ông Thao, Luật GTĐB cần quy định đăng kiểm lưu động, tại hiện trường đối với xe chở người 4 bánh để tạo thuận lợi cho loại phương tiện trên khi thực hiện đăng kiểm định kỳ.
Cả nước có 36 địa phương thí điểm Theo Bộ GTVT, loại xe điện chở người bốn bánh được thí điểm từ năm 2010 và đến nay toàn quốc có 36 địa phương triển khai. Nguyên tắc thí điểm với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế. Ngoài ra, một số địa phương khác đề xuất đưa xe điện vào hoạt động song phải chờ bổ sung quy định trong Luật GTĐB. Luật GTĐB chưa có quy định quản lý đối với “xe chở người bốn bánh” nên việc triển khai hoạt động ở các địa phương mới chỉ áp dụng thí điểm. Thủ tướng đã giao Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất bổ sung loại phương tiện vào dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi, bổ sung).
|
Theo An toàn giao thông/Báo Giao thông