- Theo thống kê của sở Văn Hóa thể thao và Du lịch Quảng Bình, tính đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 30% khách du lịch hủy tour tuyến, phòng khách sạn đã đặt trước đó.

Khách hủy tour, chuyến tăng mạnh

Tình trạng cá chết gần một tháng qua kéo dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế không chỉ ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống của người dân mà ngành du lịch hiện cũng đang phải chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Ông Hồ An Phong, Giám đốc sở Văn Hóa thể thao và Du Lịch Quảng Bình cho biết: Tình trạng cá chết chưa rõ nguyên nhân đã lây lan sang rất nhiều vấn đề, gây hậu quả lớn và kéo dài. Ngành du lịch Quảng Bình hiện nay đang đứng trước nguy cơ rất lớn và tình trạng này ngày càng rất xấu”.

{keywords}

Ông Hồ An Phong, Giám đốc sở VHTT&DL cho biết, hiện nay số khách hủy chuyến tại Quảng Bình đã tăng lên 30%

Dịp lễ 30/4 – 1/5 đang đến rất gần, so với những năm trước thì năm nay lượng khách du lịch giảm mạnh. Cách đây khoảng 3 ngày, số khách hủy chuyến, đặt phòng đang ở mức 20% nhưng đến giờ đã tăng lên 30%.

Còn những khách có ý định đến du lịch chưa đặt thì hỏi thăm tình hình để…chuyển sang địa điểm khác.

Ngoài thế mạnh về hang động, tâm linh thì nguồn hải sản tươi ngon và bãi biển đẹp là lợi thế của du lịch Quảng Bình. Nhưng hiện nay, khách du lịch và cả người dân không dám ăn hải sản và tắm biển vì sợ nguồn nước nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chị Nguyễn Thị Mai, chủ khách sạn Ban Mai nằm trên đường Trương Pháp nói: “Tôi kinh doanh khách sạn ven biển đã bước sang năm thứ 10 nhưng chưa có năm nào “kinh khủng” như năm nay. Trước khi đại nạn cá chết xảy ra, khách sạn chúng tôi đã nhận đơn đặt phòng sang cả tháng 6 tháng 7. Lễ chật kín phòng nhưng hiện nay có nhiều tua mặc dù đã đặt cọc nhưng vẫn gọi điện hủy”.

Bãi biển Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh với các nhà hàng khách sạn san sát nổi tiếng với những món đặc sản biển tươi sống nhưng hiện nay đều phải đổi thực đơn sang gà, vịt, lươn, ếch… nhưng vẫn vắng bóng thực khách.

Nhà hàng đã thay đổi thực đơn nhưng vẫn vắng bóng khách

Chị Hà Thị Hiền, chủ nhà hàng Sơn Hạnh, một nhà hàng nổi tiếng với các món hải sản tươi sống nằm bên bờ biển Nhật Lệ chia sẻ: “Từ khi xảy ra tình trạng cá chết đã có 7 đoàn khách lớn hủy ăn ở nhà hàng hải sản chúng tôi. Thời điểm này mọi năm, mỗi ngày chúng tôi phục vụ gần 400 khách. Cách đây 4 ngày còn có mỗi ngày 5 đến 7 bàn ăn khách đến cũng không dám ăn hải sản mặc dù nhà hàng đã đổi thực đơn.

{keywords}

Một dãy nhà hàng ven biển vắng bóng thực khách

Khoảng 4 ngày trở lại đây, chúng tôi không có khách mặc dù đã giảm giá 15%”.

“Khách chỉ đến ăn vào món nhẹ, như rau củ quả luộc, lạc rang… uống dăm bảy cốc bia, ngồi ngắm biển rồi về”, một chủ nhà hàng khác rầu rĩ nói.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Bình, sở VHTT&DL, sở NN&PTNT đã có những giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt cho ngành du lịch tỉnh nhà.

Sở VHTT&DL khẩn trương chỉ đạo các nhà hàng, khách sạn liên kết với các tàu đánh bắt xa bờ, đảm bảo nguồn cung cấp hải sản đảm bảo phục vụ người dân và du khách.

Thay đổi thực đơn từ đặc sản biển sang các loại đặc sản khác. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch không được để xảy ra bất kì một sơ suất nào trong việc lựa chọn và chế biến món ăn.

{keywords}

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị sở NT&PTNT kiểm tra, xác nhận bằng văn bản đối với các loại hải sản được nuôi dự trữ.

Tuyên truyền mạnh về các sản phẩm du lịch khác như hang động khám phá, trải nghiệm, tâm linh.

“Để tạo niềm tin cho người dân và du khách, UBND tỉnh cũng đề nghị Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, sở NT&PTNT kiểm tra, xác nhận bằng văn bản đối với các loại hải sản được nuôi dự trữ tại các nhà hàng khách sạn để thực khách có thể yên tâm khi thưởng thức”, ông Nguyễn Hữu Hoài, chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Sở VHTT&DL cũng khuyến cáo người dân không nên tắm biển, đợi khi có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng.

Hải Sâm