- Sau 4 năm thực hiện, việc cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi lại tiếp tục gây tranh cãi giữa các cơ quan làm chính sách trong nước và tổ chức quốc tế. VCCI khẳng định, UNICEF không khách quan và không đưa ra được bằng chứng quảng cáo sữa khiến các bà mẹ VN không cho con bú.

Sữa có trẻ dưới 3 tuổi cũng sẽ bị cấm quảng cáo?

Như VietNamNet đã phản ánh, Bộ Kế hoạch và đầu tư thay mặt Chính phủ đã trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh. Đây là văn bản "siêu luật" khi sửa cùng lúc 12 luật với hàng trăm điều kiện kinh doanh bất hợp lý được xoá bỏ hoặc điều chỉnh lại.

Trong đó, việc giảm giới hạn quảng cáo sữa, từ quy định cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng theo Luật Quảng cáo hiện nay xuống chỉ cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 12 tháng đang gây tranh cãi lớn với các tổ chức quốc tế.

Tổ chức UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) đã có thư gửi hôm 23/9 tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, đề xuất trên "không phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đã khẳng định với quốc tế, hơn nữa, lại rất bất lợi cho sức khoẻ của trẻ em".

UNICEF lập luận rằng, để thực hiện quyền đối với sức khoẻ của trẻ em theo Công ước quốc tế, công chúng phải được tiếp cận các thông tin chính xác, không bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch tiếp thị vì mục đích lợi nhuận kinh doanh hơn là sức khoẻ trẻ em, hay vì mục đích thuyết phục các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ mà chuyển dùng các sản phẩm sữa công nghiệp.

{keywords}
Cấm quảng cáo sữa sẽ hạn chế
quyền tiếp cận thông tin của người tiêu dùng (ảnh: theo phunuonline

Theo tổ chức này, việc giới hạn hoạt động quảng cáo, tiếp thị sữa chính là nhằm bảo vệ việc nuôi con bằng sữa mẹ, là việc tuân thủ các cam kết của Việt Nam với quốc tế về chính sách bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, góp phần cải thiện dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.

Tóm lại, UNICEF đã lưu ý Chính phủ Việt Nam về việc cần ưu tiên bảo vệ sức khoẻ trẻ em hơn là các lơi ích thương mại của các bên liên quan.

UNICEF cũng dẫn lại Nghị quyết 69.9 của Hội đồng Y tế Thế giới quy định từ tháng 5/2016 là chấm dứt mọi hoạt động quảng cáo thực phẩm cho trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Lá thư trên của UNICEF cũng được đồng gửi tới 4 bộ trưởng các Bộ Y tế, Tư pháp, Văn hoá- Thể thao và du lịch, Kế hoạch và đầu tư và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. 

Liên quan gì đến việc bú sữa mẹ?

Tuy nhiên, trái với khuyến cáo của UNICEF, các chuyên gia nghiên cứu luật pháp và sức khoẻ trẻ em ở Việt Nam lại cho rằng, chính việc cấm quảng cáo sữa như hiện nay mới là gây bất lợi cho trẻ em, làm cho các bà mẹ Việt Nam mù mờ thông tin khoa học về dinh dưỡng nuôi con nhỏ.

Trong một văn bản gửi tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại tời điểm soạn thảo Luật Quảng cáo 2012 trước đây, VCCI đã nhận định: "Việc cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi có thể được xem là một hình thức tước đoạt quyền tiếp cận thông tin đối với hàng trăm ngàn bà mẹ Việt Nam đang phải sử dụng sữa và các nguồn dinh dưỡng bổ sung khác để nuôi con sau 6 tháng tuổi". 

Đồng thời, "việc cấm đoán như vậy đã khiến cho người tiêu dùng hoàn toàn không có thông tin rõ ràng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các vi chất của các loại sữa đã được Bộ Y tế kiểm định", văn bản của VCCI nêu.

Thậm chí, phản hồi tới Chủ tịch Quốc hội về các kiến nghị của UNICEF, VCCI khẳng định, việc giải thích Công ước quốc tế về quyền trẻ em của UNICEF là không khách quan. Đặc biệt là khi tổ chức này "không đưa ra được bằng chứng về việc quảng cáo sữa có thể dẫn tới quyết định không cho con bú của các bà mẹ Việt Nam". Ngược lại, chính điều tra của Tổng liên đoàn Lao động VN do UNICEF tài trợ đã kết luận, phần lớn lao động nữ Việt Nam có hiểu biết tốt về nuôi con bằng sữa mẹ.

VCCI cho rằng, khi tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở VN thấp thì phải tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ để giải quyết, chứ không thể đổ lỗi cho việc do quảng cáo rồi cấm đoán. Để phù hợp với tinh thần cải cách kinh doanh, Chsnh phủ chỉ cần yêu cầu quảng cáo sữa đúng chất lượng, đúng công dụng của sản phẩm chứ không cần cấm như hiện nay.

Nói về điều này, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng khẳng định, việc giảm giới hạn quảng cáo sữa thực ra không hề vi phạm Công ước Quyền trẻ em.

Ông An cho biết, Điều 24 của Công ước này quy định về nghĩa vụ của các nước thành viên phải đảm bảo việc cung cấp thông tin, giáo dục truyền thông về ý nghĩa của việc nuôi con bằng sữa mẹ, chứ không hề cấm đoán việc quảng cáo.

Ông An cũng phân tích, Nghị quyết 69.9 của Hội đồng Y tế thế giới cần được hiểu là, khuyến nghị các quốc gia áp dụng các biện pháp cần thiết để chấm dứt việc tiếp thị không phù hợp các loại thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cải thiện môi trường pháp lý để cha mẹ và người nuôi trẻ có được thông tin đầy đủ, từ đó, ra quyết định đúng đắn về nuôi dưỡng trẻ. Như vậy, các biện pháp cần thiết này không nên hiểu là cấm đoán quảng cáo.

Theo ông An, đối với trẻ sau 6 tháng tuổi, việc ăn bổ sung là rất quan trọng, mà sữa là một loại thức ăn bổ sung giàu dinh dưỡng và phù hợp nhất.

"Khi mà nguồn thông tin bị cấm đoán trên các phương tiện truyền thông chính thống, các bà mẹ sẽ nhận được thông tin thiếu khoa học từ các diễn đàn, các mạng xã hội như Facebook..., từ các câu lạc bộ hoặc thông tin truyền miệng thì càng nguy hiểm hơn. Việc thiếu thông tin chính thức còn có thể tạo điều kiện cho các sản phẩm không được đăng ký về chất lượng xâm nhập thị trường, ví dụ, hàng sữa giả, hàng xách tay, không rõ nguồn gốc", ông An cảnh báo.

Phạm Huyền