Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên của cả nước
Tại lễ ra mắt Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam ngày 15/5, bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết, công trình này là kết quả của Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam, được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2021.
Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, bao gồm: điều tra, đánh giá, tổng hợp xây dựng Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh, xây dựng Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh. Đến năm 2021, bảo tàng cơ bản hoàn thành và trở thành bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước.
Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh (nằm trong khuôn viên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, số 100 Hùng Vương, TP. Tam Kỳ) là nơi nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, trưng bày, xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu, tư liệu, mẫu vật về tài nguyên đa dạng sinh học của tỉnh; phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học.
Đến nay, bảo tàng đã sưu tập, lưu giữ hơn 3.700 bức ảnh; hơn 1.200 mẫu vật, tiêu bản động, thực vật cùng bộ dữ liệu, tài liệu, bản đồ số, phim ảnh về đa dạng sinh học tỉnh.
Bảo tàng đã tiếp nhận các sản phẩm, mẫu vật từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (đề tài “Xây dựng Cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông minh đa dạng sinh học hệ thực vật các khu rừng đặc dụng tỉnh Quảng Nam”); Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (tiêu bản đồi mồi dứa); UBND xã Tam Mỹ Tây (bộ xương con vọoc chà vá chân xám).
Hướng đến xây dựng bảo tàng số về đa dạng sinh học
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh nói, xây dựng các nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ vận hành và phát triển bảo tàng; xây dựng “Bảo tàng số về đa dạng sinh học” là một nhiệm vụ mà tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực thực hiện.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao chất lượng, đổi mới, đa dạng hóa về nội dung, hình thức, hiện đại hoá công tác trưng bày... phấn đấu đến năm 2035, phát triển, nâng tầm Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam thành Bảo tàng thiên nhiên khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trực thuộc hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, sở đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy; từng bước bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực bảo tàng đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, người đủ năng lực thực hiện phát triển toàn diện các hoạt động của bảo tàng.
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu quản lý ngành phù hợp với chuyên môn của bảo tàng, cơ chế phối hợp, trao đổi, chia sẻ trong hoạt động thu thập mẫu vật.
Thứ ba, xây dựng bộ nhận diện bảo tàng nhằm tạo các điểm nhấn, ấn tượng thu hút các nhà khoa học, khách tham quan nghiên cứu; nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững.
Thứ 4, đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong công tác thu thập, xử lí, chế tác, bảo quản mẫu vật đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn; thiết kế, tổ chức trưng bày các bộ mẫu vật; xây dựng các nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ vận hành và phát triển bảo tàng: cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam; xây dựng “Bảo tàng số về đa dạng sinh học”.
Thứ 5, tiếp tục phát triển các mối quan hệ đã được xác lập; tăng cường tìm kiếm và hợp tác với Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và khu vực; xây dựng, hình thành các nhóm chuyên gia; năng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ viên chức…
An Nhiên