Hiện Quảng Ninh đã xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực đến năm 2020 với những mục tiêu, giải pháp phù hợp, thiết thực.

Xây dựng nguồn nhân lực “hội nhập”

Với tầm nhìn chiến lược tạo bước phát triển đột phá, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại vào năm 2020, Quảng Ninh luôn chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong đó, Quảng Ninh đặc biệt tập trung vào các chương trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên sâu, tham mưu trực tiếp trong các ngành, lĩnh vực. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng luôn bám sát chủ đề công tác năm của tỉnh, các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm và yêu cầu thực tiễn, như: Phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao chất lượng quản trị hành chính công, xây dựng nông thôn mới, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...

Điểm nổi bật ở Quảng Ninh chính là hoạt động bồi dưỡng kỹ năng sử dụng ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Quảng Ninh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề… trong đó chú trọng mở rộng mô hình các cơ sở giáo dục - đào tạo, dạy nghề chất lượng cao theo hướng đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng các lĩnh vực tỉnh đang thiếu và yếu; triển khai thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học trong nước và nước ngoài đã ký kết để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng của tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ sinh viên mới ra trường có nguyện vọng về làm việc tại Quảng Ninh.

{keywords}
 

Đầu tư mạnh cho nhân lực KH&CN

Hiện nay, quy mô lực lượng lao động của tỉnh là 733.500 người với tỷ trọng lao động các khu vực kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, tăng dần ở khu vực công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2017 đạt 71% (tăng 9% so với năm 2014), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ, bằng cấp là 41%, số công nhân kỹ thuật không có bằng, chứng chỉ nhưng được tính là lao động qua đào tạo 30%...

Đây là kết quả của những cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN). Trong đó phải kể đến sự thành lập và hoạt động ngày càng hiệu quả của trường Đại học Hạ Long.

Hiện ĐH Hạ Long đã mở 9 chuyên ngành, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Văn hóa, du lịch, ngoại ngữ, môi trường... Nhà trường đồng thời bồi dưỡng, đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp về kỹ năng hướng nghiệp, ngành nghề phục vụ du lịch.

Việc cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng, dịch vụ đồng bộ đạt đẳng cấp quốc tế cũng góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại Quảng Ninh.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực, Quảng Ninh đã ban hành một số cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại Đại học Hạ Long; chính sách hỗ trợ, khuyến khích học tập đối với sinh viên học tại Đại học Hạ Long, ban hành một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, khu vực quốc tế, quốc tế từ năm học 2016-2017 đến hết năm học 2020-2021.

Quảng Ninh còn hỗ trợ và tạo điều kiện đưa vào hoạt động Trường Quốc tế Singapore, ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với một số trường đại học hàng đầu Việt Nam và quốc tế như: ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghệ Auckland New Zealand,... nhằm liên kết đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

D. An