Quảng Ninh hiện đang tăng tốc phát triển hạ tầng với rất nhiều dự án tầm cỡ huy động từ nguồn vốn tư nhân.

Đột phá hạ tầng

Nhiều “cái nhất” của Quảng Ninh trong các sáng kiến cải cách đã được Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nêu ra tại lễ công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương. Chẳng hạn, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên triển khai mô hình hợp tác công tư hiệu quả, là tỉnh đầu tiên có sân bay quốc tế do tư nhân xây dựng...

{keywords}

{keywords}

Thi công cầu Bạch Đằng, thuộc tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng

Sở dĩ có nhận định như vậy bởi Quảng Ninh hiện đang tăng tốc phát triển hạ tầng với rất nhiều dự án tầm cỡ huy động từ nguồn vốn tư nhân. Có thể kể đến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (trên 13.000 tỉ đồng); cao tốc Hạ Long -Vân Đồn (14.000 tỉ đồng); Cảng hàng không Vân Đồn (7.500 tỉ đồng); Dự án nâng cấp mở rộng QL 18, đoạn Uông Bí - Phả Lại (hơn 2.000 tỉ đồng); Dự án nâng cấp mở rộng QL 18, đoạn Hạ Long - Mông Dương (khoảng 2.000 tỉ đồng)…Phần lớn các công trình đi vào hoạt động năm nay. Riêng đối với QL 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương được nâng cấp, cải tạo, mở rộng thêm hai làn xe giúp đường xá thêm thông thoáng hơn.

Không dừng ở đó, trong năm 2018, Quảng Ninh sẽ tiếp tục khởi công xây dựng tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dài trên 80km, để kết nối nhanh với khu vực miền Đông của Quảng Ninh, trong đó có các khu vực biên giới với Trung Quốc hết sức sôi động. Để dự án được tiến hành nhanh, hiệu quả, Quảng Ninh đã đề xuất và được Trung ương đồng ý cho xây dựng theo hình thức PPP, với tổng vốn khoảng 16.000 tỉ đồng, thay vì vay vốn ODA.

Cũng trong năm nay, Quảng Ninh sẽ khởi công xây dựng tuyến đường bao biển, dài 27km, nối TP.Hạ Long với TP.Cẩm Phả, với tổng số vốn khoảng 5.600 tỉ đồng, theo hình thức BT. Dự án này hoàn thành không chỉ góp phần giảm lưu lượng xe trên tuyến QL 18A, mà còn tạo ra quỹ đất lớn cũng như góp phần hình thành một hệ thống cảng biển, dịch vụ du lịch trên tuyến đường này.

Tuyến đường hầm xuyên vịnh Cửa Lục cũng đang được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu sớm đầu tư, vừa nhằm giảm tải cho cầu Bãi Cháy, vừa kết nối nhanh và thông suốt giữa hai khu vực Bãi Cháy - Hòn Gai của TP.Hạ Long trong bất kỳ thời tiết nào.

Dự kiến, đến năm 2020, khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động, Quảng Ninh sẽ có 200km cao tốc trong tổng số 2.000km cao tốc dự kiến của cả nước.

Lộ thông, thêm vận hội

Những tuyến đường huyết mạch được mở rộng mang tới cho Quảng Ninh những cơ hội giao thương lớn. Trước kia, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Quảng Ninh như Texhong, Yazaki, Rent A Port… đã chia sẻ lý do họ chậm trễ không chọn Quảng Ninh những năm trước đó là giao thông không thuận lợi, chi phí vận tải và thời gian quá lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

{keywords}
Thi công phần đường tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng

Còn nay, khi cao tốc Hải Phòng - Hạ Long được đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn tuyến đường từ TP Hải Phòng sang Quảng Ninh còn 25km thay vì 75km trước đây. Từ Hà Nội về Quảng Ninh chỉ mất 90 phút. Đường hàng không sẽ có sân bay Vân Đồn kết nối liên tục giữa sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Thời điểm đó, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cũng hoàn thành, mở ra một tuyến cao tốc hoàn chỉnh chạy một lèo từ Hà Nội tới một trong 3 đặc khu tương lai không xa của cả nước - đặc khu Vân Đồn.

Ở chiều ngược lại, ngay khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (dự kiến chuyến bay đầu tiên vào giữa năm nay), các nhà đầu tư, du khách có thể có mặt tại Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội trong chốc lát.

Dần dà, dọc các tuyến đường là hình hài những khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng lớn, mang đến cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương, cộng đồng dân cư.

“Giao thông thuận lợi sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hút nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào Quảng Ninh. Hơn nữa khách du lịch theo tour đi thẳng tuyến cao tốc sẽ giảm thời gian di chuyển, tăng thời gian lưu trú, từ đó thu được nguồn lợi ngân sách từ dịch vụ du lịch và tạo việc làm nhiều hơn cho người dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Vũ Văn Diện chia sẻ.

Bí quyết “làm nhanh, làm tốc độ” theo lãnh đạo Quảng Ninh đó là nhờ huy động nguồn vốn xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách. “Trước tình trạng ngân sách khó khăn, hình thức đầu tư BOT, BT là cơ hội cho Quảng Ninh triển khai nhanh các hạng mục hạ tầng”, ông Diện khẳng định.

Nói như TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế (Viện KHXH Việt Nam) tại cuộc hội thảo mới đây về cơ hội đầu tư: “Sun Group đã hoàn thành sân bay tư nhân chỉ trong vòng khoảng 18 tháng. Nếu công trình này do Nhà nước đầu tư xây dựng, tôi tin là phải mất 15-18 năm”.

Một loạt các tuyến đường cao tốc, sân bay, cảng biển…sắp đi vào hoạt động sẽ giúp Quảng Ninh mở toang những “cánh cửa” kết nối giao thương với các địa phương trong nước cũng như khu vực và thế giới.

Nguyễn Lê