Năm 2010, tỉnh Quảng Ninh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Với cách làm riêng và sáng tạo, chương trình đã mang lại nhiều dấu ấn đậm nét, đưa các vùng nông thôn ngày càng khởi sắc hơn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. 

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 52,5 triệu đồng/người/năm, tăng 25,87 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 17,25% năm 2010 xuống còn 0,1%.

img 20230406 081919.jpg
Xây dựng nông thôn mới mang lại nhiều dấu ấn khởi sắc cho khu vực nông thôn tỉnh Quảng Ninh. 

Nhằm khơi dậy ý chí vươn lên của người dân ở những vùng còn nhiều khó khăn, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.

Ngày 16/1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND phê duyệt đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 (Đề án 196).

Quan điểm xuyên suốt trong quá trình triển khai Đề án 196 là cấp tỉnh chỉ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn; cấp huyện chỉ đạo; cấp xã thực hiện; thôn, bản đồng lòng và người dân là chủ thể tích cực sản xuất, chủ động vươn lên. Đề án cũng dành mức đầu tư vượt trội với trên 2.400 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 - 2020, cao hơn 7 lần so với mức bình quân của Trung ương.

Đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 là tất cả các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, về đích trước 1 năm so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, trong từng chặng đường phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng về an sinh xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế.

Nổi bật là Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, tạo thành động lực mạnh mẽ để các địa bàn khó khăn bứt phá, vươn lên và tỉnh cũng đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trước 3 năm.

Quảng Ninh cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người dân trong việc xây dựng nông thôn mới, lấy người dân làm chủ thể và người dân được hưởng lợi. Từ đó, tạo được sự đồng thuận của cả hệ thông chính trị, các tổ chức, cá nhân và nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, tỉnh theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ và đột xuất về kết quả thực hiện Chương trình ở các huyện, thị xã nhằm đôn đốc, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện và theo dõi việc thực hiện kiến nghị đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý.

Xác định mức độ đạt được theo tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể của các địa phương theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại một thời điểm kiểm tra.

Tăng cường giám sát các công trình đầu tư giao thông, cầu cống, trường học, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp… Giám sát công tác chăm lo đời sống nhân dân trong sử dụng nước sạch, điện, chăm lo cho gia đình chính sách và bảo trợ xã hội. Giám sát lĩnh vực môi trường, giáo dục, y tế; lấy ý kiến của người dân về kết quả xây dựng xã nông thôn mới…

Đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo, triển khai thành công Chương trình OCOP góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của nhân dân, từ sản xuất lạc hậu tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế trên địa bàn tỉnh.

Hành trình xây dựng nông thôn mới của Quảng Ninh là một hành trình thu được nhiều “trái ngọt” với quyết tâm, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị. Vai trò chủ thể của người dân luôn được đặt lên trên hết. Những phong trào, cuộc vận động được người dân hưởng ứng, tham gia sôi nổi. 

Kết quả là hàng trăm nghìn mét vuông đất đã được nhân dân hiến tặng để chỉnh trang diện mạo nông thôn; hàng trăm nghìn ngày công, hàng trăm tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, đơn vị, đoàn thể, cùng nhân dân đóng góp để hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, nâng cấp đường liên thôn, liên xã, tu sửa nhà văn hoá, sân vui chơi trẻ em, trạm y tế...

Quỳnh Nga