Quảng Trạch là huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp thị xã Ba Đồn, phía Tây giáp huyện Tuyên Hóa, phía Đông giáp biển Đông, phía Bắc giáp với huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), với diện tích tự nhiên 450,70 ha, dân số trên 10 vạn người phân bố ở 18 xã; trong đó có 05 xã đặc biệt khó khăn, 07 xã vùng biển và cồn bãi, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông, ngư nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Đồng bào công giáo chiếm 1/5 dân số toàn huyện, được phân bố trên địa bàn 10 xã; có 07 giáo xứ, 21 giáo họ, 08 linh mục và 01 tu viện mến thánh giá Hướng Phương với gần 100 nữ tu.

Từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn Quảng Trạch đã có 4 họ giáo được UBND tỉnh cho phép thành lập, lập thêm 1 giáo xứ mới, 4 nhà thờ được xây dựng, 7 nhà thờ được trùng tu. Lãnh đạo các ban, ngành các cấp thường xuyên tăng cường tiếp xúc với các chức sắc, chức việc và giáo dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, tạo quan hệ mật thiết để vận động những người theo đạo thực hiện tốt nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

Ở các vùng có đạo, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã thường xuyên chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp, các giải pháp quản lý địa bàn, phát động phong trào quần chúng phát hiện, tố giác tội phạm và tham gia quản lý trật tự an ninh tại địa bàn. Nhờ đó, tình hình an ninh trên địa bàn vùng giáo huyện Quảng Trạch đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính quyền các cấp đã giải quyết tốt các nhu cầu tín ngưỡng, nguyện vọng chính đáng của giáo dân các xứ, họ theo đúng chính sách pháp luật quy định; khuôn viên nhà thờ được mở rộng, cơ sở vật chất nơi thờ tự khang trang, tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng đảm bảo.

Quảng Trạch: Xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo” trong quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành

Để hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường thuận lợi nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngày 20/12/2022, Uỷ ban nhân dân huyện Quảng Trạch đã có Kế hoạch số 153/KH-UBND về việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2022.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân  huyện yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và tầng lớp Nhân dân về công tác tôn giáo; phổ biến đến cán bộ, công chức và Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh và tầng lớp Nhân dân vùng có đồng bào theo tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của huyện; phát huy vai trò của chức sắc, nhà tu hành tiêu biểu trong tổ chức tôn giáo tham gia tuyên truyền, vận động và có trách nhiệm thường xuyên giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật; chú trọng nêu gương điển hình tiêu biểu có đóng góp tích cực trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào tôn giáo.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo” trong quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành; vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện; thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”; tôn trọng, lắng nghe những đề xuất, nguyện vọng chính đáng của các chức sắc, nhà tu hành và giải quyết những vấn đề bức xúc chính đáng của giáo dân; phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, tự giác, đấu tranh, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu của thế lực lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở tôn giáo và bà con giáo dân sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật; tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân theo quy định của pháp luật…

Mặt khác, các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao chất lượng hoạt động, tập hợp, đoàn kết đoàn viên, hội viên và Nhân dân; chú trọng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là địa bàn vùng giáo khó khăn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của giáo dân; khuyến khích tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế, trong đó có tín đồ tôn giáo; chủ động tạo mối quan hệ gần gũi giữa chính quyền với chức sắc tôn giáo bằng các hoạt động như tổ chức đoàn đến chúc mừng, thăm hỏi, động viên chức sắc, nhà tu hành đứng đầu giáo xứ, cơ sở thờ tự tiêu biểu trong các ngày lễ trọng...

Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn huyện; tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo; ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín, dị đoan, hoạt động trái pháp luật, kích động, chia rẽ Nhân dân, dân tộc, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nguyễn Thảo
Ảnh: Khánh Hòa