Chiều 11/7, Giám đốc sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị Lê Nguyên Hồng cho biết, tỉnh đang rà soát và triển khai thay đổi thông tin trên bia mộ liệt sĩ theo quy định.
Toàn tỉnh này có gần 21.000 bia mộ đang ghi “Mộ liệt sĩ chưa biết tên” hoặc “Mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính”.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ LĐTB&XH và Bộ Tài chính quy định chuẩn hoá các bia mộ nói trên thành “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, trong năm 2021-2022, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện chuẩn hóa thông tin 6.892 bia mộ liệt sĩ với tổng kinh phí là 4,515 tỉ đồng.
“Ở địa phương có gần 21.000 ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên, trước đây khắc như thế nhưng giờ theo Nghị định của Chính phủ thì phải thống nhất khắc “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.
Những việc này mình thực hiện theo Nghị định Chính phủ. Không thể nói lãng phí hay không lãng phí, nhưng theo tôi là cần thiết để thống nhất trong toàn quốc”, ông Hồng nói.
Cũng theo Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị, trong thời gian tới, trên bia của hơn 13.000 liệt sĩ ngôi mộ này sẽ được điều chỉnh thông tin theo Nghị định Chính phủ.
Để hoàn thành bia mộ, tỉnh Quảng Trị mới đây có văn bản đề nghị Bộ LĐTB&XH tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh trong năm 2023 để hoàn thành việc khắc lại và điều chỉnh thông tin trên hơn 13.000 bia mộ liệt sĩ còn lại với tổng kinh phí là 8,85 tỉ đồng.
Trước đó, tại cuộc làm việc với đoàn công tác tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện việc đổi tên bia mộ.
“Không liệt sĩ nào là vô danh. Các liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán, vì thế, việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện. Với những liệt sĩ chưa xác định được danh tính, cần thống nhất tên trên những tấm bia này là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.
Bia mộ nên làm với cùng một loại đá, làm đẹp, dày dặn, chữ khắc sâu, rõ ràng”, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Trước thông tin này, một số ý kiến trên các trang mạng xã hội cho rằng việc thay đổi nội dung bia mộ liệt sĩ là không cần thiết và tốn kém.
Đặc biệt, việc thay đổi thông tin nói trên không khác nhiều so với bia mộ cũ. Chưa kể, thay vì chi số tiền nói trên để khắc lại bia mộ thì chi hỗ trợ thêm cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, có công với cách mạng sẽ thiết thực hơn.
Ông Lê Nguyên Hồng cho rằng, việc thay đổi thông tin không phải là bỏ cái cũ, làm cái mới mà vẫn trên nền tảng của các bia cũ để thay đổi thông tin.
“Khi có nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, địa phương sẽ bắt tay vào thực hiện với phương thức đánh nhẵn những nội dung trên bia cũ để khắc mới và chuẩn hoá thông tin theo Nghị định Chính phủ.
Việc thi công sẽ được thực hiện trực tiếp ở nghĩa trang, trên từng bia mộ và không làm thay đổi kết cấu, hình dáng của các phần mộ liệt sĩ”, ông Hồng nói.