Tại hội trường xã A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị), chính quyền địa phương 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị sáng nay đã phối hợp tổ chức bàn giao, tiếp nhận quản lý theo địa giới hành chính tại điểm giáp ranh khu vực phía tây của 2 địa phương.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng và Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đồng chủ trì hội nghị.
Cú bắt tay lịch sử giữa ông Hà Sỹ Đồng (trái) và ông Nguyễn Văn Phương khép lại những mâu thuẫn của người dân vùng giáp ranh |
Năm 1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên.
Đến năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên lại được tách ra như cũ. Tuy nhiên từ đó đến nay, địa giới giữa Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế vẫn nhập nhằng, chưa được phân chia rõ ràng.
Khi vấn đề phân định địa giới hành chính vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, những mâu thuẫn giữa người dân tại các điểm giáp ranh 2 tỉnh tại xã A Bung và Hồng Thủy liên tiếp xảy ra.
Mâu thuẫn của người dân 2 địa phương đã khiến khu vực này là điểm nóng tranh chấp, có sự chồng lấn, xâm chiếm đất xen canh buộc chính quyền phải nhiều lần huy động lực lượng chức năng đến giải quyết.
Bàn giao 2 thôn
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, thực hiện nghị quyết 31/NQ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về việc xác định đường địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, thời gian qua, chính quyền 2 địa phương đã phối hợp với Trung tâm Biên giới, địa giới (Cục Đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam) hoàn thành việc xác định địa giới hành chính, cắm mốc trên thực địa nhằm phân định ranh giới giữa 2 tỉnh.
Lãnh đạo 2 tỉnh thống nhất phương án phân chia địa giới hành chính, chấm dứt những mâu thuẫn âm ỉ tồn tại hàng chục năm |
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế bàn giao để tỉnh Quảng Trị quản lý toàn bộ hiện trạng sử dụng đất đai, tài nguyên gắn liền với đất và nhân khẩu, hộ khẩu của thôn Pire 1 (thôn 6) và thôn Pire 2 (thôn 7, thuộc xã Hồng Thủy).
“Việc bàn giao, tiếp nhận là thực hiện theo nghị quyết của Chính phủ và để thống nhất quản lý theo địa giới hành chính, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tâm tư, lo lắng của người dân trong khu vực.
Tuy nhiên, dù là thuộc địa phận Thừa Thiên - Huế hay Quảng Trị, bà con cũng là cư dân của Việt Nam, được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp”, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị chia sẻ.
Cũng theo ông Hà Sỹ Đồng, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho thôn 6, thôn 7 để bà con yên tâm trong sản xuất, sinh hoạt khi chuyển về tỉnh Quảng Trị quản lý.
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương mong muốn người dân có cuộc sống ổn định, yên tâm phát triển kinh tế dù đang sinh sống ở khu vực đồng bằng hay miền núi.
“Nỗ lực của lãnh đạo 2 địa phương sẽ giúp người dân sống tại các khu vực có tranh chấp địa giới có cuộc sống ổn định.
Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn chính quyền địa phương các cấp tỉnh Quảng Trị sẽ luôn quan tâm, giúp đỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người dân vừa được bàn giao, tiếp nhận, thúc đẩy khối đoàn kết cư dân các vùng giáp ranh”, ông Phương nói.
Quang Thành
Đề nghị miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị
Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh miễn nhiệm chức vụ đối với nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính và Phó Chủ tịch Nguyễn Quân Chính.