- Chiều nay 11/6, Quốc hội dành một phiên họp riêng để nghe Bộ Ngoại giao báo cáo tình hình, diễn biến mới trên Biển Đông.
Đây là một điều chỉnh trong chương trình của kỳ họp này. Trước đó, sau khi có nhiều ý kiến ĐB cho rằng trong báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, phần tình hình Biển Đông còn mờ nhạt, chưa đủ thông tin như cử tri trông đợi, Chính phủ đã được yêu cầu báo cáo bổ sung.
Ảnh: Minh Thăng |
Thời gian gần đây, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp với các động thái vi phạm chủ quyền Việt Nam gia tăng từ phía Trung Quốc, đặc biệt nghiêm trọng là sự việc hôm 20/5, tàu cá Quảng Ngãi với 15 ngư dân đang hoạt động nghề cá bình thường tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, bị các tàu của Trung Quốc ngăn cản, đâm và gây hỏng, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam.
Trước các diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, các cơ quan ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối cũng như trao công hàm phản đối đến phía Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Qua phản ánh của các ĐB sau các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân mong muốn Nhà nước có thái độ quyết đoán hơn, biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Trao đổi với báo chí bên hành lang QH, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ đang dùng biện pháp ngoại giao và tất cả các biện pháp hòa bình có thể để bảo vệ ngư dân và chủ quyền biển đảo.
Đến thời điểm này, Việt Nam cũng đã thi hành luật Biển Việt Nam được hơn 6 tháng. Luật Biển được QH thông qua ngày 21/6 tại kỳ họp thứ ba QH khóa XIII và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
Chung Hoàng