LTS: Trong bối cảnh thị trường văn hóa - giải trí nở rộ trong vài năm gần đây, bên cạnh những người được đào tạo bài bản chuyên môn, không hiếm trường hợp là "tay ngang", bước vào làm nghề với nhiều vai trò khác nhau. Họ góp phần chi phối, tác động không nhỏ tới bộ mặt nghệ thuật ở nhiều khía cạnh.

VietNamNet giới thiệu bài viết của nhạc sĩ Quốc Trung xung quanh câu chuyện này. 

Ngày xưa, học Nhạc viện muốn tốt nghiệp hệ đại học mất 16 năm, bây giờ thời gian ngắn hơn. Nhưng nhiều người chẳng cần học giờ nào cũng vẫn làm được “nghệ thuật”. Họ đang từ mọi ngành nghề khác nhảy sang nghệ thuật và nhiều nhất là âm nhạc

Nhạc sĩ Quốc Trung.

Từ những ngành gần và liên quan như nhà thơ, nhà văn, nhà báo, hoạ sĩ đến những ngành không liên quan như luật sư, bác sĩ… đều có thể ”làm nghệ thuật” từ chỉ đạo, đạo diễn đến thậm chí làm hẳn một đêm nhạc như ai. 

Nó cũng giống như một vài nhạc sĩ vẽ tranh vậy. Triển lãm hay đấu giá hình như chưa có ai lên sâu khấu, việc đàn hát cũng không nhiều người làm được. Nhưng sáng tác hay phổ thơ vài bài hát khá phổ biến, sau đó có thể thuê hoà âm phối khí làm album để tặng nếu gia đình có điều kiện. 

Hay liều hơn có thể làm hẳn một đêm nhạc. Chả ai cấm được, dễ hơn triển lãm tranh nhiều. Đó thường là kiểu “kiến trúc sư yêu nhạc” ghé qua cho vui đời thôi!

Nhưng cũng có nhiều người chuyển sang và ở lại với âm nhạc với các vai trò lớn hơn hẳn. Họ định hướng, dẫn lối, chỉ đạo hay sai bảo dân “chuyên văn Nhạc viện” mới ghê.

Có một mẫu số chung cho những người này là chê mọi thứ, mắng các loại nghệ sĩ, coi tất cả những gì đang có trong đời sống nghệ thuật là sến súa rẻ tiền.

Ý tưởng dựa trên những kiến thức văn hoá nền tảng là rất quan trọng. Những triết lý sâu sắc là điều không phải dân nhạc nào cũng nắm được, nhất là khi họ chỉ tập trung vào những nốt nhạc. Vậy nhưng, nhạc là nhạc, là những nốt nhạc, là giai điệu, hoà thanh, tiết tấu chứ không phải chữ. Hát và đàn khác với đọc thơ và diễn thuyết, thế nên nếu những ý tưởng đó không được chuyển tải bằng nhạc, nó có thể là “nghệ” chứ không phải nhạc. 

Nếu bạn không được học hoặc tự học về thiết kế hay đạo diễn sân khấu thì khó có thể hình dung về những quy tắc và tỷ lệ. Nếu không có kinh nghiệm và kiến thức về ánh sáng hay đơn giản là tính năng của đèn, thậm chí còn không có tiết tấu trong người thì cũng không thể trở thành “phù thuỷ” ánh sáng hay nháy đèn cho đúng nhịp. 

Nếu không phải là người có kiến thức âm nhạc tổng hợp thì đơn giản không thể sắp xếp một setlist cho một đêm nhạc một cách hợp lý vì có thể ý tưởng, chỉ đạo một đằng nhưng lại phối khí một nẻo. Cuối cùng, việc chuyển tải những ý tưởng tới ê-kíp cũng “tam sao thất bản” vì không hiểu những ngôn ngữ, đặc thù chuyên môn của từng bộ phận. Quan trọng nhất là không huy động được khả năng của nghệ sĩ và các cộng sự. 

Quốc Trung từng mời Dàn nhạc Giao hưởng London về Việt Nam biểu diễn. 

Khi mời Dàn nhạc Giao hưởng London (London Symphony Orchestra) sang Việt Nam biểu diễn, tôi hay được nghe tư vấn là sao không bảo họ chơi Beethoven No5 hay Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ cho khán giả trong nước biết.

Trước tiên, về mặt khán giả, việc đến nghe một dàn nhạc nổi tiếng nhất thế giới chơi một bản nhạc quen thay vì được lần đầu và có thể duy nhất nghe live Mahler No6 - một bản giao hưởng đồ sộ không phải dàn nhạc và chỉ huy nào cũng dám chơi và chơi thành công thì điều nào giá trị hơn?

Trên hết, về nguyên tắc, ban tổ chức hay nhà sản xuất không thể can thiệp vào repertoire nằm trong tour diễn của dàn nhạc. Chúng tôi cũng không thể nói với nhạc trưởng Simon Rattle những điều như vậy. Nó thật sự là điều thô lỗ mà những người không có chuyên môn trong ngành không hiểu.

Nhạc sĩ Quốc Trung trăn trở câu chuyện người ngoài ngành làm nghệ thuật. 

Tôi hoàn toàn cảm thông cho việc này nhưng không thể thoả hiệp xu hướng ngày càng có nhiều người từ các ngành khác tham gia vào âm nhạc và nghệ thuật. Nhu cầu đa dạng nhưng để thành công và mang lại những điều mới mẻ, sáng tạo và bền vững, cần thận trọng và thời gian. 

Tôi không dám phản đối nhưng đặt ra một giả thuyết, nếu các nhạc sĩ chúng tôi nhảy vào lĩnh vực của các quý vị đó đang làm thì liệu họ có im lặng lịch sự như chúng tôi đang làm hay không? Hay quyền biểu đạt trong âm nhạc và nghệ thuật là của tất cả mọi người?

Nhạc sĩ Quốc Trung

Độc giả có thể gửi ý kiến về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm bài viết đã đăng trên VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!