Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường cơ sở pháp lý cho các lực lượng an ninh hàng hải của họ hoạt động tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Hành động này đã làm phức tạp thêm mối quan hệ với các quốc gia trong khu vực và vấp phải sự chỉ trích của Mỹ.


{keywords}
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Reuters

Gần đây, chính quyền tỉnh Hải Nam đã ban hành quy định mới, yêu cầu các tàu cá nước ngoài hoạt động trên phần lớn diện tích Biển Đông phải có sự chấp thuận từ Trung Quốc.

Quy định là động thái mới nhất trong hàng loạt nỗ lực khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng tranh chấp. Hồi cuối tháng 11, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập một vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông bao gồm cả không phận quần đảo tranh chấp với Nhật. Tại Biển Đông, các tàu an ninh hàng hải nước này thường xuyên quấy nhiễu tàu cá, tàu thương mại nước ngoài.

"Áp đặt quy định với hoạt động đánh bắt của các nước khác tại vùng tranh chấp ở Biển Đông là hành động khiêu khích và nguy hiểm", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói.

Yêu cầu mà phía tỉnh Hải Nam đưa ra, có hiệu lực từ 1/1, dường như chưa tác động lập tức với nhiều hoạt động đánh bắt trong vùng biển. Cũng chưa rõ nó sẽ được thực thi như thế nào. Giới phân tích và ngoại giao cho rằng, ít nhất trong ngắn hạn, vùng bị ảnh hưởng có thể giới hạn quanh quần đảo Hoàng Sa - nơi lực lượng hàng hải Trung Quốc có sự hiện diện đáng kể.

Mập mờ

"Quy định mới cung cấp thẩm quyền pháp lý cho những gì mà giới chức Trung Quốc đã và đang làm trong vài năm qua", Carlyle Thayer, giáo sư tại Học viện Quốc phòng Australia nói. Trung Quốc đã tung một lượng lớn tàu tuần tra dân sự và quân sự ở Biển Đông - vùng biển họ đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu như toàn bộ diện tích bất chấp sự chồng lấn với nhiều nước Đông Nam Á khác.

"Trung Quốc đã không cung cấp được bất kỳ lời giải thích hay căn cứ theo luật pháp quốc tế cho tuyên bố chủ quyền hàng hải rộng lớn của mình", bà Psaki nói. Hải Nam là vùng tiên phong cho những nỗ lực của Trung Quốc khi "thôn tính" Biển Đông. Đảo này có một căn cứ hải quân và các đơn vị an ninh hàng hải. Tỉnh đảo này vào cuối năm 2012 đã thông qua những quy định khẳng định lực lượng an ninh của họ có quyền tiếp cận tàu nước ngoài hoạt động trong khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Quy định đánh bắt mới nói rằng, tàu cá nước ngoài cần được sự cho phép của Bắc Kinh để hoạt động trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Hải Nam mà không nói rõ vùng ấy kéo dài bao xa. Hiện Bộ Ngoại giao Philippines đang tìm kiếm nhiều thông tin hơn xung quanh quy định mới.

Mỹ - nước đồng minh thân cận của Philippines tuyên bố không đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tháng trước đã khẳng định, Mỹ phản đối "chiến thuật áp chế và gây hấn để giành lợi thế trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ".

Ở một tin tức liên quan, Nhật báo Quảng Châu hôm 12/1 đưa tin, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động thêm 17 tàu hải quân mới trong năm 2013. Rất nhiều trong số này gia nhập Hạm đội Nam Hải. Theo các chuyên gia quân sự, đây là dấu hiệu cho thấy họ đang đặt trọng tâm nhiều hơn vào vùng tranh chấp.

Lí Tiết, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Hải quân Trung Quốc nói: "Trong thời gian ngắn, Biển Đông sẽ là vùng trọng tâm của Hải quân Trung Quốc để triển khai các tàu mới cũng như bảo vệ các lợi ích quốc gia". Trong năm qua, Trung Quốc đã bổ sung sức mạnh hải quân bằng cách đưa vào hoạt động một tàu chiến đa nhiệm 051A, tàu chiến hạng nhẹ 056, tàu khu trục 052C và một tàu hậu cần 903A.

Thái An (theo Wall Street Journal)