Thị trường nhiều tiềm năng

Nhu cầu chứng thực chữ ký số ở Việt Nam ngày càng lớn, nhất là khi bùng nổ các giao dịch thương mại điện tử của các doanh nghiệp và cá nhân. Cùng với đó, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số (gồm cả chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dụng), thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành. Đáng chú ý là: Nghị định số 130/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số 119/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Nghị định số 165/2019 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Nghị quyết số 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 274 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia...

Đây là những văn bản có tính “kim chỉ nam” cho việc xây dựng và phát triển Chính phủ diện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số; xác định rõ chữ ký số là một thành tố quan trọng đảm bảo tính pháp lý, bảo mật cho giao dịch điện tử của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức.

Nắm bắt cơ hội từ thị trường, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư cho mảng dịch vụ đầy tiềm năng này. Trong khoảng 3 năm gần đây, Bộ TT&TT đã liên tục nhận được hồ sơ xin cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, an toàn thông tin.

“Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng còn rất lớn”, ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) – Bộ TT&TT nhận định.

{keywords}
Cần quy hoạch để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường chữ ký số. (Ảnh minh họa: Internet)

Nảy sinh nhiều vấn đề

Tính đến hết tháng 7/2020, cả nước đã có 16 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động.

Tuy nhiên, theo đánh giá của NEAC, hiệu năng của các CA Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Tính đến hết quý I/2020, cả nước có 15 CA nhưng tổng số chứng thư số đang hoạt động trên thị trường mới đạt hơn 1,4 triệu.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc hiện chỉ có 5 CA phục vụ 37 triệu khách hàng, tương đương mỗi CA sở hữu 7,4 triệu khách hàng, các giao dịch chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ngân hàng điện tử, giao dịch thị trường trực tuyến, mua sắm trực tuyến dịch vụ công. Tại Đài Loan có 4 CA cung cấp dịch vụ cho 10 triệu khách hàng, tương đương 1 CA phục vụ 2,5 triệu khách hàng.

Có ý kiến cho rằng yếu tố đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sử dụng chứng thư số, chữ ký số là niềm tin. Đa số các nước chỉ có vài CA để cơ quan nhà nước có thể tập trung quản lý chất lượng, các CA được cấp phép đều là những CA có đủ nguồn lực để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Còn nhìn vào hiện trạng Việt Nam, khả năng cung cấp dịch vụ lớn hơn nhu cầu dẫn đến việc chạy đua để có lợi, bỏ qua một số thủ tục cần thiết như hồ sơ, giấy tờ theo quy định, thậm chí xảy ra tình trạng lừa đảo, mạo danh để “cướp khách”.

Sự “đốt cháy giai đoạn” của một số CA còn khiến cho quyền lợi của người sử dụng dịch vụ không được đảm bảo. Ví dụ, CKCA bị ngừng cấp phép do không đảm bảo duy trì hệ thống, MISA cung cấp dịch vụ trước khi được thẩm định giải pháp kỹ thuật dẫn tới thu hồi 3.000 chứng thư số...

“Những vấn đề trên khiến cho uy tín của hệ thống chứng thực điện tử quốc gia của Việt Nam bị ảnh hưởng, không được tin tưởng trên thị trường quốc tế”, đại diện Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cảnh báo.

Cần quy hoạch để phát triển bền vững

Mới đây, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC) đã công bố Báo cáo nghiên cứu quy hoạch thị trường chứng thực chữ ký số công cộng, trong đó nhấn mạnh: “Việc quy hoạch là rất cần thiết và cấp bách để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường”.

Khảo sát của VCDC cho thấy, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt với rất nhiều chiêu trò, mánh lới, mỗi CA mới thành lập cần hoạt động ít nhất 5 năm mới bắt đầu có lợi nhuận, trong khi chi phí ban đầu bỏ ra rất lớn, khoảng 15 – 20 tỷ đồng.

Đối với các CA đã tham gia thị trường đủ lâu, trung bình mỗi năm, CA phải tốn khoảng 5 tỷ đồng chi phí duy trì dịch vụ cho khách hàng. Lấy tổng thu trừ chi phí thì lợi nhuận thu về mỗi tháng chỉ khoảng 100 triệu đồng cho một đơn vị có quy mô hàng trăm nhân sự. Con số này quá khiêm tốn so với mức đầu tư ban đầu khoảng 20 – 30 tỷ đồng.

Có thể thấy sự mất cân đối và cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đang khiến cho các CA khó có thể đạt được mức doanh thu và lợi nhuận như kỳ vọng, do đó khó phát triển bền vững.

Đại diện một số CA như BKAV CA, Trust Savis CA cũng đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần có chiến lược quy hoạch phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng. Do thị trường chữ ký số cho doanh nghiệp đã bão hòa nên chỉ cấp phép triển khai mảng chữ ký số cá nhân, khi thị trường đủ lớn mới tiếp tục cấp phép thêm cho mảng chữ ký số doanh nghiệp.

Phản hồi những ý kiến, đề xuất từ phía các doanh nghiệp, hiệp hội, Phó Giám đốc NEAC Phạm Quốc Hoàn cho biết, năm 2019, lãnh đạo Bộ TT&TT đã giao Trung tâm triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá để đề xuất quy hoạch thị trường dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Trung tâm đã tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, và hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, xem xét kỹ hơn vấn đề này.

“Các doanh nghiệp, hiệp hội mới chỉ phân tích góc độ thị trường và so sánh với một số nước có liên quan. Chúng tôi cũng đang xem xét kỹ hơn ở một số góc độ khác, kể cả vấn đề về pháp lý, bản chất dịch vụ, hoạt động thanh - kiểm tra năng lực và chất lượng của các CA để đảm bảo chất lượng dịch vụ...”, ông Phạm Quốc Hoàn nói thêm.

Xuân Bách

Việt Nam có nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng thứ 16

Việt Nam có nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng thứ 16

Ngày 30/7, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia vừa trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng do Bộ TT&TT cấp cho Công ty Cổ phần chữ ký số FastCA.