- "Hiến pháp sửa đổi lần này phải đưa được nội dung quyền phúc quyết của dân với Hiến pháp và với những vấn đề liên quan vận mệnh quốc gia. Dứt khoát, quyền phúc quyết, quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân", ông Phạm Đức Bảo (ĐH Luật Hà Nội) nói.
Sáng 28/2, Trung ương Đoàn phối hợp với trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến trí thức trẻ, giảng viên, sinh viên trẻ của các trường đại học về dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Chịu trách nhiệm trước lịch sử
Một trong những vấn đề được tập trung thảo luận là bổ sung và hoàn thiện điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng.
Ông Phạm Đức Bảo, khoa Luật Hành chính ĐH Luật Hà Nội phân tích, đây đang là một nội dung được nhiều người quan tâm thảo luận, do đó cần phải có một cách tiếp cận hợp lý.
Đại diện các giảng viên, sinh viên của các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội tham gia góp ý Hiến pháp |
Theo ông, các nội dung của điều 4 trong dự thảo hiện nay cần khái quát hơn, mặt khác vẫn nên bổ sung thêm nhiều nội hàm mới.
"Theo tôi, ngoài việc chịu trách nhiệm trước nhân dân thì Đảng cũng phải chịu trách nhiệm với các quyết định của mình trước lịch sử. Bởi nhiều vấn đề chưa thể đánh giá được ngay trong hiện tại mà cần có thời gian kiểm nghiệm", ông Bảo nói.
Một số đại biểu khác cũng cho rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng phải đi đôi với việc chịu trách nhiệm của Đảng trước nhân dân, đồng thời phải nói rõ nhân dân có quyền và có vai trò gì đối với Đảng. Đảng lãnh đạo thì đường lối, chủ trương của Đảng phải được nhân dân phản biện xem có hợp lòng dân không. Đảng lãnh đạo thì tổ chức Đảng, đảng viên phải chịu sự giám sát của nhân dân.
TS Mai Văn Thắng, khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội bình luận, một trong những điểm sáng của bản dự thảo lần này khi viết về điều 4, đó là đã thay đổi tư duy từ quyền của Đảng sang nghĩa vụ của Đảng (bổ sung khoản 2).
Tuy nhiên, như nhiều ý kiến đã phân tích, Hiến pháp nên đề cập rõ ràng hơn đến việc tổ chức đảng và đảng viên chịu sự giám sát của nhân dân theo các quy định của pháp luật. Yêu cầu soạn thảo một dự luật về sự lãnh đạo của Đảng cần phải được ghi rõ.
Quyền lập hiến thuộc về nhân dân
Nhiều ý kiến tán thành với quan điểm Hiến pháp phải do nhân dân phúc quyết bởi đây là quyền đã được thừa nhận rộng rãi ở các nước tiên tiến trên thế giới.
"Hiến pháp sửa đổi lần này phải đưa được nội dung quyền phúc quyết của dân với Hiến pháp và với những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia. Dứt khoát, quyền phúc quyết, quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân", ông Phạm Đức Bảo nói. Chỉ cần hiến định tư tưởng này thì sau đó các nội dung liên quan sẽ được làm rõ trong một luật riêng về trưng cầu dân ý.
Bà Thái Thị Thu Trang (ĐH Luật Hà Nội) góp ý, điều 30 nên quy định, giới hạn lại phạm vi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Về lâu dài, cần ban hành văn bản luật để điều chỉnh các nội dung và các vấn đề cần đưa ra trưng cầu.
TS Mai Văn Thắng bình luận, dự thảo sửa đổi thể hiện một tư duy chưa mấy rõ ràng về chuyện trao quyền lập hiến cho dân. Các quy định về việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của dân cũng chưa rõ ràng. "Các vấn đề như quyền biểu tình, quyền lập hội cũng cần phải được luật hóa thì mới thực thi được", ông Thắng nói.
Về cơ chế bảo hiến, các đại biểu tham gia đều không đồng ý với việc Hội đồng Hiến pháp chỉ có chức năng kiến nghị và nếu trực thuộc QH thì cũng không khác gì một ủy ban của QH.
Như TS Mai Văn Thắng phân tích, nếu chỉ là tham mưu, kiến nghị mà không được quyền ra phán quyết thì e hiệu lực không cao. "Chẳng hạn Hội đồng kiến nghị một số vấn đề nhưng các cơ quan chức năng cứ bảo lưu quan điểm của mình thì Hội đồng cũng không thể làm được gì", ông Thắng nói.
Với chức năng là một cơ quan được lập ra để phán quyết các hành vi vi hiến, ông Thắng đề xuất phải gọi tên cơ quan này là Hội đồng bảo hiến.
Ông Phạm Đức Bảo cũng góp thêm, trong lúc chưa thể áp dụng mô hình Tòa án Hiến pháp thì tên Hội đồng bảo hiến sẽ phù hợp hơn. Tuy nhiên, hội đồng này phải có chức năng kiểm soát quyền lực và phán quyết với các hành vi vi hiến.
Lê Nhung