- "Ngày xưa những vai diễn thời mì ăn liền là đã sợ lắm rồi. Bây giờ còn hơn cả mì ăn liền nữa. Hình như là họ không có nấu, họ ăn sống luôn", diễn viên Quyền Linh ví von thực trạng làm phim truyền hình hiện nay.

Rùng hết cả mình vì phim Việt
Nhức mắt với quảng cáo trong phim Việt
Phim Việt mất giá

Tiếp tục mạch bài mổ xẻ chất lượng phim truyền hình hiện nay, VietNamNet tìm gặp Quyền Linh, một diễn viên tâm huyết với nghề và đã để lại dấu ấn trong lòng nhiều khán giả qua những vai diễn đáng nhớ trong Người Hà Nội, Đồng tiền xương máu... Những thông tin anh đưa ra trong cuộc trò chuyện với chúng tôi có thể nói đã phản ánh chân thực thực trạng của diễn viên truyền hình nói riêng và đời sống sản xuất phim truyền hình nói chung hiện nay. Những thông tin khiến nhiều người quan tâm đến lĩnh vực này vừa giật mình lại vừa đau đớn.


Diễn xuất của các diễn viên tay ngang trong "Xin thề anh nói thật" bị khán giả chê tơi tả.


Có cảm giác diễn viên bây giờ như rau quả ngoài chợ!

Anh có quan tâm tới dư luận rất nóng gần đây về phim truyền hình, đặc biệt là diễn xuất của các diễn viên tay ngang không? Cảm giác của anh thế nào?

Có! Thực sự trong bối cảnh thế này, toàn phim đặt hàng, phim giao khoán thì phải nói là không chỉ là các nhà sản xuất muốn làm phim cho nhanh để đừng có lỗ mà ngay cả đạo diễn và diễn viên cũng muốn làm phim cho nhanh. Nhiều diễn viên có tâm huyết với nghề nhưng nếu cảm thấy diễn chưa tốt, họ xin thêm 1 đúp hoặc diễn lại cũng không đuợc. Ai cũng phải đi theo đường dây như vậy. Nếu đi ngược lại sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi này.

Diễn viên VN có nhiều người tâm huyết, nhiều người diễn rất tốt chứ không phải không có đâu nhưng trong tình hình này thì họ cũng đành phải theo thôi. Và hình như là từ từ sẽ quen, sẽ buông xuôi luôn, cứ mặc kệ, có vai đóng là được rồi. Không có kịch bản cũng đóng. Đến trường quay không biết kịch bản là gì, mình đóng vai gì. Đạo diễn bảo gì làm đó, cứ thế sáng tác tại trường quay. Như thế thì không cách nào phim hay được, không làm cách nào để vai diễn hoàn thiện được hết.


Trước đây người ta nhận kịch bản trước khi bấm máy vài tháng, nghiên cứu, đi tìm tư liệu cho vai diễn. Khi đóng Đồng tiền xương máu hay Người Hà Nội tôi đã phải đến tận nơi tham khảo, thậm chí sống trong hoàn cảnh đó, không gian đó để mình hiểu và nhập vai thì đóng mới tốt. Còn bây giờ sáng đọc kịch bản chiều quay, thậm chí chưa nhìn kịch bản thì làm sao phim hay được. Có thần thánh đóng cũng không thể hay được. 

Một điều nữa tôi thấy phim truyền hình hiện nay rất nhạt là ở chỗ ai cũng có thể đóng phim được. Nói thật là chỉ cần con, cháu, thậm chí bạn bè thân quen gì đó của đạo diễn, phó đạo diễn hay trợ lý đạo diễn cũng có thể đóng phim. Có cảm giác diễn viên bây giờ như rau quả ngoài chợ. Nhiều khi xem phim, là người trong nghề mà tôi không biết diễn viên đó ở đâu ra, không xuất thân từ bất cứ một nơi dạy diễn xuất nào cả. Có bạn nói là: Em bán hàng ngoài chợ, cậu trợ lý đi ngang qua thấy dễ thương nên kêu em đóng rồi lại thuyết phục đóng thêm 1-2 phim nữa. Vì vậy trên màn ảnh tràn ngập những diễn viên không có nghề.


Anh có thời gian xem phim truyền hình thường xuyên không?

Cũng có nhưng tôi không xem nhiều lắm. Thời gian qua tôi có để ý đến phim truyền hình nhiều hơn vì khán giả phản ứng dữ dội quá. Thực sự tôi cảm thấy rất buồn. Là một thành viên của Hội Điện ảnh Việt Nam, tôi thấy buồn cho điện ảnh VN hiện nay, nhất là phim truyền hình. Không lẽ không có một nỗ lực nào, cố gắng nào sao? Cứ thế này thì nó sẽ giết chết cái tâm của những người yêu nghề. Ngày xưa phim truyền hình đâu đến mức tệ đến mức sáng quay chiều phát sóng, hôm nay quay ngày mai phát sóng.


Đi đâu khán giả cũng phản ánh: Quyền Linh ơi ngày xưa diễn viên đóng phim được quá, giờ bây giờ coi phim tôi không hiểu. Thậm chí cùng một bối cảnh mà có 5-6 đoàn cùng quay, cùng một diễn viên mà chạy hết từ đoàn này sang đoàn kia quay. Thế thì làm sao diễn viên đóng tốt được, làm sao phim không trùng lắp được. Nhiều diễn viên tâm huyết bây giờ thực sự họ buồn lắm. Có người không tham gia đóng phim nữa nhưng cũng có người buộc phải chạy theo dòng chảy này. Là diễn viên chuyên nghiệp mà phải diễn chung với những người chưa đóng phim lần nào thì thực sự quá mệt mỏi nhưng biết là chết cũng phải lao theo.

Đóng phim chỉ để khoe là chính


Diễn viên Quyền Linh: Quyết tâm không đóng nữa!


Nói đến chuyện diễn viên, NSND Thế Anh có tâm sự rằng bây giờ ông không đóng phim nữa và xem phim truyền hình bây giờ ông thực sự rùng mình vì phim thì dở mà diễn viên chỉ quan tâm đến hình thức nhiều hơn là sống với nhân vật. Anh nghĩ sao về nhận xét này và theo anh, vì sao phim truyền hình hiện nay lại bị khán giả phản ứng dữ dội như vậy?


Tôi đồng cảm với nhận xét của bác Thế Anh. Tôi là diễn viên đã đóng không biết bao nhiêu là phim rồi, cũng đi lên từ điện ảnh và cũng có tên từ những vai diễn. Cũng rất nhớ nghề, có nhiều người mời đóng phim nhưng tôi nghĩ trong bối cảnh như thế này thì cũng không nên hoà vào nó. Nó giống như những dòng kênh nước đen mà không biết làm thế nào để trong xanh lại như ngày xưa. Nhiều diễn viên trẻ bây giờ họ chỉ nghĩ lên phim là để khoe trang phục, khoe sự phóng khoáng, hở này hở nọ... Tóm lại chỉ để khoe là chính chứ không phải để tập trung vào vai diễn.

Nhưng cũng không thể trách hoàn toàn diễn viên mà phải trách người tổ chức sản xuất ra những bộ phim đó. Nếu họ khắt khe, họ biết sàng lọc thì người diễn viên đó sẽ tôi luyện bản thân. Còn khi chúng ta quá dễ dãi thì không ai dại gì mà không nhảy vào, vừa có tiếng, lại vừa có tiền. 


Không chỉ có người trong nghề than phiền mà những khán giả trung thành với phim truyền hình cũng kêu gào rất nhiều. Thậm chí có thời gian họ còn tảy chay, ít xem phim truyền hình. Bây giờ nhiều người chủ yếu làm phim là để quảng cáo, làm phim để kiếm lời. Cái này thì cũng không trách được họ. Phim ảnh cũng là một loại hình kinh doanh nhưng kinh doanh thế nào để đúng cái tâm. Mà hình như bây giờ các nhà sản xuất chạy theo đồng tiền và lợi nhuận hơi nhiều khiến cho những người tâm huyết với phim truyền hình và điện ảnh rất đau.


Bộ phim gần đây nhất anh tham gia là gì? và từ khi nào?


Tôi cũng đóng khá lâu rồi. Phim gần đây nhất tôi tham gia là Đại gia đình. Bộ phim ấy cũng theo dòng chảy đó nhưng lâu không đóng phim, nhớ nghề. Thấy các bạn lên phim cũng muốn tham gia. Nhưng khi tham gia rồi thì về cũng trăn trở, cũng buồn và quyết tâm không đóng nữa.

Ai cũng có thể trở thành diễn viên?!


Ít đóng phim, Quyền Linh chủ yếu làm MC.


Thời của anh, nhiều diễn viên sống hết mình vì vai diễn và mỗi vai diễn của họ đều được khán giả nhớ. Thời điểm hiện tại, khi điều kiện làm phim tốt hơn, diễn viên được ưu đãi tốt hơn nhưng lại xuất hiện nhiều vai diễn thảm hoạ trên màn ảnh mà đến cả những khán giả bình thường nhất cũng không thể nhớ nổi. Nhiều phim xem xong mà không nhớ nổi tên. Theo anh thì nguyên nhân do đâu: diễn viên mải chạy sô kiếm tiền, không có thời gian để đầu tư cho vai diễn hay làm phim thời mì ăn liền thì cái gì cũng phải nhanh?

Ngày xưa những vai diễn thời mì ăn liền là đã sợ lắm rồi. Bây giờ còn hơn cả mì ăn liền nữa. Hình như là họ không có nấu, họ ăn sống luôn. Trách diễn viên chỉ trách phần nào. Nếu người sản xuất không dễ dãi, không chạy theo lợi nhuận và làm phim như ngày xưa thì làm diễn viên không dễ đâu. Để có được một vai diễn đâu có đơn giản vì phải thi tuyển, phải học vai.


Ngày trước để chọn được một vai diễn thì đạo diễn kỳ công lắm còn diễn viên khi nhận được vai thì trằn trọc, đau khổ vì vai diễn đó. Tôi nhớ khi nhận được vai diễn trong Người Hà Nội tôi vừa lo, vừa sợ. Thậm chí tôi ra Hà Nội lang thang trên phố Lý Nam Đế, thâm nhập vào cuộc sống thực sự ở đó. Vậy mà khi đóng phim vẫn còn run. Nếu nhà sản xuất bây giờ khi giao vai diễn cho diễn viên, họ nói rằng Khi nhận phim này, anh không được nhận phim khác và phải nghiên cứu kỹ kịch bản trước 3 tháng, nếu đóng không được thì tôi mời người khác thì diễn viên họ đâu có dám làm ẩu.


Hiện tại có quá nhiều diễn viên. Là người đã gần 20 năm lăn lộn trong nghề, không còn lạ một gương mặt nào trong trường sân khấu điện ảnh nhưng đến khi xem phim tôi chẳng biết ai vào ai. Hỏi họ học trường nào ra, họ nói Không, em đang bán sạp quần áo, anh trợ lý đi ngang qua mời em đóng. Em bỏ bán quần áo đóng phim. Thiếu diễn viên, gặp ai người ta cũng kéo đại vào đóng để cho xong một phân đoạn. Đã đến lúc phải báo động về diễn viên. Đâu phải ai cũng đóng được phim và đóng phim đâu có dễ dàng như vậy. 

Hai bộ phim được nhắc đến nhiều thời gian qua là Anh chàng vượt thời gianXin thề anh nói thật tôi chưa được xem nhưng đi đến đâu tôi cũng nghe thấy người ta nói: Trời ơi, phim gì mà vậy cũng chiếu? Đã đến lúc phải gióng hồi chuông cảnh báo, các nhà làm phim, nhà sản xuất phải ngồi lại với nhau và nhà nước phải ra ngay một cơ chế để cứu lấy những giá trị tốt đẹp của phim truyền hình trước đây. Nếu cứ thế này thì phim truyền hình sẽ đi về đâu và những diễn viên thực sự nằm trong lòng khán giả cũng không còn nữa. Những công nghệ lăng xê, scandal đã làm khán giả quá mệt mỏi rồi.

Anh nói bây giờ dường như ai cũng có thể đóng phim và làm diễn viên dường như quá dễ dàng. Đồng nghĩa với những bộ phim xuống dốc về chất lượng là những vai diễn "thảm hoạ" trên màn ảnh. Xem những "đồng nghiệp" của mình diễn xuất, anh có thấy xấu hổ thay họ không? Và là một diễn viên chuyên nghiệp, anh có cảm thấy bị xúc phạm không?

Rất nhiều người nói với tôi rằng bây giờ khi được hỏi có phải là diễn viên không họ cũng không dám nhận nữa. Diễn viên bây giờ sao mà đóng kỳ quá. Từ diễn viên bị lạm dụng quá và dường như không còn được tôn trọng nữa. Vì ai cũng có thể trở thành diễn viên. Người được đào tạo chuyên nghiệp từ trường lớp tử tế ra thì không được mời. Còn người chưa bao giờ đóng phim lại được mời làm diễn viên. Tôi không xấu hổ nhưng buồn vì diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên bây giờ đều bị cào bằng. Có diễn viên chuyên nghiệp cũng được, còn không thì mời người khác. Nhiều diễn viên tự ái, xấu hổ nên bây giờ họ không đóng phim nữa.

Hạnh Phương