- Sớm mồ côi cha, mẹ đi bước nữa, thiếu nữ sống nương nhờ vào ông bà ngoại từ thời thơ ấu. 15 tuổi gặp được người thanh niên yêu thương đưa về nhà chung sống, cô không ngờ mình chính là nguyên nhân đẩy “chồng” vào vòng lao lý. Hai đứa trẻ con mình rơi vào cảnh bơ vơ…
Một buổi sáng, cặp vợ chồng trẻ bồng theo hai đứa nhỏ đến trước cổng tòa. Chồng là bị cáo trong vụ án, vợ là bị hại, hai đứa trẻ là “sản phẩm tình yêu” của họ.
Chuyện tình của cô bé mồ côi Nguyễn Thị Thanh
Huyền khiến nhiều người không khỏi xót xa. Vì thế, những người hàng xóm của họ
cũng lật đật kéo đến tòa để theo dõi vụ việc.
Tình yêu lạc lối
Trước giờ xử án, vợ chồng bị cáo Lê Đức Thiên Tân (SN 1991, TP.HCM) và Nguyễn
Thị Thanh Huyền (SN 1994) rụt rè nhìn vào phòng xử.
Một lát sau, dúi tay đứa lớn cho một người quen, bồng đứa nhỏ giao cho một người hàng xóm, Tân cùng vợ bước vào. Tân ngồi ở băng ghế dành cho bị cáo trước vành móng ngựa, Huyền dừng lại, ngập ngừng ngồi ở hàng ghế trên cùng – vị trí dành cho người bị hại.
Nhìn gương mặt trẻ măng, non nớt của Huyền, không ai nghĩ cô đã là mẹ của hai đứa trẻ.
Giờ nghị án, con gái Tân chạy lên ngồi cạnh cha trước vành móng ngựa. |
Huyền con nhà nghèo, cha mất sớm, mẹ đi bước nữa, từ nhỏ hai chị em sống nhờ ông bà ngoại. Ông bà nghèo, chị em Huyền không được đi học.
Lúc đã hơn mười tuổi, muốn biết mặt con chữ, cô
bé theo học lớp bổ túc một thời gian rồi nghỉ, bươn trải đi làm thuê, làm mướn
phụ ông bà lấy tiền nuôi em.
Rồi Huyền tình cờ quen biết Lê Đức Thiên Tân. Cùng cảnh nghèo, cả hai nhanh
chóng thành bạn bè rồi nảy sinh tình cảm.
Đầu năm 2010, Huyền thường xuyên lui tới nhà Tân chơi. Thấy đôi trẻ quấn quýt lại nghe Tân kể về hoàn cảnh của cô bé mồ côi, cha mẹ Tân coi Huyền như con cái trong nhà.
Họ nghĩ rằng hai đứa trẻ thương nhau thì chấp
nhận cho chúng thành vợ thành chồng, nhà nghèo cũng chẳng có tiền mà làm đám
cưới.
Ngày giỗ cha Huyền năm ấy là ngày hai bên gia đình làm mâm cơm cho con trẻ thắp
nén hương, ra mắt tổ tiên, họ hàng. Huyền theo “chồng” về làm dâu, ngày ngày
theo mẹ Tân ra chợ bán cá còn Tân phụ cha chạy xe ba gác, thỉnh thoảng có chỗ
gọi thì đi làm thuê.
Căn nhà cũ kỹ, chật chội của bà ngoại Tân là nơi cư ngụ của cả gia đình, nghèo
nàn nhưng đầm ấm. Rồi đột nhiên, bà ngoại Tân đổ bệnh, căn nhà ấy cũng phải bán
đi.
Bà may mắn qua cơn bạo bệnh nhưng cũng từ đó, cả
gia đình phải bồng tống nhau đi ở nhà thuê, hàng tháng ki cóp từng đồng trả tiền
thuê nhà.
Về nhà chồng, cuối tháng 10/2010, Huyền sinh con. Đứa con là niềm vui nhưng
cũng là mối lo toan cho cả gia đình.
Từ khi cấn bầu rồi đến lúc sinh con xong, Huyền chẳng còn phụ được mẹ việc chợ búa. Chuyện Tân lấy vợ trẻ em bị vỡ lở sau một lần chính quyền mời lên làm việc, cả gia đình lo nơm nớp.
Thời gian này, đứa nhỏ lại chào đời. Ngày Tân ra
tòa là ngày Huyền vừa tròn 18 tuổi. 18 tuổi, Huyền đã là mẹ của hai đứa con, đứa
lớn lên hai, đứa con nhỏ mới tròn 2 tháng.
Giờ xử án, hai đứa bé phải ở bên ngoài. Đứa nhỏ khát sữa cứ khóc ngằn ngặt trên
tay người hàng xóm, tiếng khóc vọng vào bên trong rõ mồn một.
Đứa lớn thì tỏ ra tò mò, háo hức, thỉnh thoảng tranh thủ người lớn không để mắt, nó chạy vụt lại gần cửa phòng xử gọi “ba” rồi cười vui vẻ.
Giờ nghị án, Hội đồng xét xử vừa bước ra, nhanh
như chớp nọ chạy thẳng đến, vô tư ngồi cạnh cha trước vành móng ngựa. Nhìn cảnh
tượng ấy nhiều người không cầm được nước mắt.
Tương lai?
Tại tòa, Tân thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết. Ngày Huyền thành “vợ” Tân,
cô mới được 15 tuổi 2 tháng, có đủ cơ sở kết luận Tân đã phạm vào tội “giao cấu
với trẻ em” với hai tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, làm nạn nhân có
thai. Tân bị TAND quận 8 xử phạt 3 năm 6 tháng tù.
Tìm đến gia đình Tân sau khi tòa tuyên án, không khí ảm đạm bao trùm cả căn nhà
cũ kỹ. Chuyện Tân phải ra tòa, nhận án về tội “giao cấu với trẻ em” trở thành
câu chuyện râm ran ở xóm nghèo. Pháp luật quy định rất rõ: người nào đã thành
niên mà có hành vi giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là phạm
tội giao cấu với trẻ em, mức án thấp nhất từ 1 năm tù đến năm năm tù…
Thế nhưng, với những người dân lao động quanh năm chạy ăn từng bữa những kiến thức pháp luật sao quá mông lung.
“Thương nhau thì lấy chớ sao phải vô tù?”, nhiều người hàng xóm của gia đình Tân ngơ ngác không tin đó là sự thật.
Huyền và hai con tại căn nhà trọ. |
“Tôi bán cá ngày lời được vài chục bạc, phải bữa mua phải cá xấu có khi còn lỗ vốn. Xe ba gác của ông ấy thì bữa được bữa ế, lo bằng đấy miệng ăn nên cuộc sống gia đình lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Có lẽ số mình nghèo thế rồi, tôi chỉ không ngờ con tôi nó lại phải ra tòa. Nó mà phải ở tù thì tôi không biết làm sao? Hai đứa em nó còn nhỏ, nhà 9 miệng ăn vợ chồng tôi không biết tính sao?”, mẹ Tân rưng rưng nước mắt.
Mặc những tâm sự nặng nề của người lớn, hai đứa trẻ hồn nhiên nằm dưới nền nhà. Con chị cởi trần nằm cạnh đứa em kháu khỉnh. Nụ cười của chúng làm lòng cha mẹ, ông bà thêm se sắt. Mọi hi vọng của gia đình Tân chờ vào phiên phúc thẩm.
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, nếu Tân phải vào tù không biết gia đình ấy sẽ ra sao? Hai đứa trẻ sẽ rơi vào cảnh bơ vơ, thiếu bóng cha trong suốt thời gian dài. Đặc biệt, cha mẹ Tân không biết sẽ phải làm gì để lo trả tiền thuê nhà, lo cho tám miệng ăn còn lại?
M.Phượng