Phải chăng các nhà sản xuất đã bỏ ngỏ một thị phần lớn các sản phẩm chất lượng dành cho thiếu nhi và đây cũng vô tình trở thành cơ hội vàng cho các "đầu nậu" đĩa tung hoành?

Có thực sự vắng bóng các nhà sản xuất đĩa thiếu nhi?

Câu hỏi này có thể tìm được câu trả lời ngay là: Không. Trong Nam, ngoài Bắc, các đơn vị làm đĩa cũng đều dành một góc sản xuất đĩa dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy, thị trường đĩa thiếu nhi miền Nam sôi động hơn miền Bắc rất nhiều.

Tiêu biểu làm đĩa cho thiếu nhi ở miền Nam có thể kể đến các hãng như: Phương Nam Film, Bến Thành Audio... mỗi năm cũng sản xuất trên dưới gần 10 sản phẩm dành cho các "thượng đế nhí", vừa là đĩa nhạc, vừa là đĩa phim hoạt hình, phim cổ tích...

{keywords}

Đĩa của Bến Thành Audio - Video bị làm nhái và chèn thêm quảng cáo sex, khiêu dâm ở bìa đĩa

 

Có thể kể đến một số sản phẩm âm nhạc dành cho thiếu nhi gây được tiếng vang như: Thiên đàng tuổi thơ, Búp bê bằng bông, Liên khúc tuổi thơ, series Tuổi thần tiên, Bàn tay xíu xíu, Nếu em có phép tiên, Giấc mơ của bé...  

Trong khi đó, trái ngược với sự sôi động của miền Nam, ở miền Bắc, các đơn vị sản xuất lại dường như không mấy hồ hởi, mặn mà với thị trường này. Ngoài Thăng Long Audio & Visual là thường xuyên vẫn có sản phẩm dành cho thiếu nhi hàng năm thì khó tìm được trên kệ đĩa ngoài Bắc một gương mặt nào mới lạ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngà, Phó Giám đốc Thăng Long Audio & Visual, đơn vị luôn đặt mục tiêu sản xuất các chương trình ca nhạc, giải trí dành cho thiếu nhi trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, tự hào là nhà sản xuất DVD giải trí dành cho thiếu nhi đứng đầu miền Bắc, góp phần đem đến cho các em những sản phẩm "sạch".

"Chúng tôi đã có những DVD đầu tay như Hát lên họa mi, Búp bê - bay đến ước mơ, Bé đi mẫu giáo, Ước mơ thần tiên và sản phẩm gần đây nhất ra mắt đúng dịp Trung thu 2013 vừa qua là DVD Lợn con mượn áo do công ty sản xuất và phát hành", bà Ngà cho biết.

Cũng theo bà Ngà, bên cạnh đó, đơn vị cũng chủ động liên kết với các nghệ sỹ hài như Xuân Bắc - Tự Long phát hành các chương trình các em yêu thích như Anh Xuân Bắc kể chuyện cổ tích, 5 anh em siêu nhân...

Như vậy, với số lượng chương trình phát hành đều đặn hàng năm, các hãng đĩa tên tuổi cũng là những nhà sản xuất đĩa giải trí dành cho thiếu nhi hàng đầu, không thể đổ lỗi do thiếu các sản phẩm đĩa thiếu nhi có chất lượng nên đĩa lậu, nhất là các đĩa lậu có quảng cáo sex tung hoành được.

... hay là do ý thức người tiêu dùng?

Bà Ngà khẳng định, thực tế đĩa thiếu nhi "xịn" trên thị trường Hà Nội hiện nay không phải là thiếu vắng vì phải có nhà sản xuất chương trình và phát hành đĩa chính thống thì mới có đĩa lậu ra đời. Chỉ cần đĩa thiếu nhi "xịn vừa phát hành, ngay lập tức các sản phẩm này bị làm nhái và để trục lợi, các "đầu nậu" đĩa còn thêm các hình ảnh phản cảm lên bìa nhãn như quảng cáo ảnh sex, hở hang, hay quảng cáo phim khiêu dâm.

{keywords}

Những chiếc đĩa xịn chỉ nằm khiêm tốn ở một góc trong các siêu thị sách

Theo bà Ngà, việc làm này gây mất uy tín và gây thiệt hại kinh tế của nhà sản xuất. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn, người bị ảnh hưởng lâu dài là những em nhỏ được người thân vô tình mua đĩa lậu, "vẽ đường" tìm đến những sản phẩm độc hại.

Hỏi một nhân viên bán hàng đĩa trên phố Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội, người này cho biết, cửa hàng có nhập đĩa thiếu nhi xịn về nhưng khá ế ẩm, đĩa cứ để ngày này qua ngày khác, bụi phủ mờ mà hiếm người hỏi mua. Trong khi đó, tâm lý người mua thì chỉ thích hàng rẻ, vừa tiền vì họ quan niệm, con em họ xem cũng chỉ 1, 2 lần là nghịch, làm xước đĩa, nếu mua đĩa xịn với giá đắt gấp 3, 4 lần thì quả là lãng phí.

Thêm vào đó, các đĩa "xịn" muốn mua cũng chỉ được bày bán ở các siêu thị sách lớn, còn lại đa số các cửa hàng đĩa ở vỉa hè, ở các phố nhỏ trong nội, ngoại thành Hà Nội và các tỉnh vì chỉ đầu tư ít vốn nên để nhanh thu lợi nhuận, họ cũng chỉ thích nhập những đĩa rẻ tiền về bán.

Không phải là vô lý mà bà Ngà cho rằng, sự thiếu vắng đĩa xịn thực chất ở đây là do ý thức người tiêu dùng. Thay vì phải chi khoảng từ 45.000– 60.000 đồng để mua đĩa "xịn" chất lượng cao họ chỉ chi 15.000 để mua đĩa vi phạm bản quyền có chất lượng kém bị kèm các nội dung quảng cáo không lành mạnh về cho con em mình.

Đặt câu hỏi ngược lại về việc có thể giảm giá đĩa chất lượng để phù hợp với số đông người dân và để cạnh tranh về giá với đĩa lậu hay không, một nhà sản xuất đĩa cho biết, chi phí sản xuất đĩa thiếu nhi khá cao vì trẻ em còn phải luyện tập, dàn dựng rồi mới quay hình chưa kể rất nhiều chi phí khác đi kèm. Thế nên nếu không tìm được những "bà đỡ" là các doanh nghiệp tài trợ thì rất khó thu hồi vốn.

Một sản phẩm thiếu nhi được đầu tư chất lượng thực sự hiện nay, các nhà sản xuất cũng chỉ dám "mạnh dạn" in vỏn vẹn từ 3 – 5.000 đĩa, mà cũng phải tìm dịp mới tung ra thị trường để hút người mua như dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Rằm Trung thu...

"Chưa kể, cao hơn nữa là một thị trường đĩa lậu không thể kiểm soát bởi cơ quan chức năng, nạn vi phạm bản quyền đã thành hệ thống. Cũng do nạn băng đĩa lậu hoành hành và vi phạm bản quyền trên môi trường internet, việc sản xuất các chương trình giải trí chất lượng dành cho thiếu nhi của các hãng đĩa đều rơi vào tình trạng gặp khó", bà Ngà bày tỏ.

(Theo Infonet)