- Xe máy vừa dừng cách Hón Ván khoảng trăm mét, trước mắt chúng tôi đã thấy những bãi gỗ được bóc vỏ trắng nõn nằm la liệt dưới nước. Những khúc gỗ to bằng một vòng tay người ôm không hết có chiều dài 5-7m.

Cảnh rừng phòng hộ bị ‘xẻ thịt’ ngang nhiên

Gỗ được lâm tặc để ngổn ngang bên bờ suối. Đi sâu vào trong, những khoảnh rừng bị chặt phá còn nguyên nhựa sống, trơ trọi gốc.

Khoảng một tháng trở lại đây, hàng trăm cây gỗ trên rừng phòng hộ thuộc thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) bị lâm tặc đốn hạ. Sự việc được phơi bày ngay trước mắt, song chính quyền địa phương, kiểm lâm dường như “bất lực”.

Gỗ la liệt bên suối

Những ngày qua, phóng viên VietNamNet liên tục nhận được phản ánh của người dân thôn Cụt Ạc về thực trạng lâm tặc khai thác gỗ trên địa bàn.

Sự việc diễn ra ngay trước mắt, thậm chí đã nhiều lần người dân gọi điện báo cáo tới UBND xã và kiểm lâm, song không thấy cơ quan chức năng vào cuộc khiến cho người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

{keywords}
Gỗ được vận chuyển theo đường suối về tới thôn Cụt Ạc

Trú chân tại một quán nước ven đường, chưa kịp hỏi gì thì một bà cụ nhanh nhảu thông tin: Ở đây họ làm gỗ công khai lắm, chú cứ đi thẳng khoảng 1km nữa ra Hón Ván thì bạt ngàn gỗ đã chặt hạ và kéo về.

Quả đúng như lời bà cụ nói, xe máy vừa dừng cách Hón Ván khoảng trăm mét, trước mắt chúng tôi đã thấy những bãi gỗ được bóc vỏ trắng nõn nằm la liệt dưới nước. Những khúc gỗ to bằng một vòng tay người ôm không hết có chiều dài 5-7m.

Để được tận mắt chứng kiến khu rừng phòng hộ đang “tứa máu”, anh T. một người dân không ngần ngại dẫn đường cho chúng tôi. Anh T. bảo, để vào được khu vực khai thác phải đi bộ hết gần một ngày trời.

Từ trung tâm thôn Cụt Ạc, chúng tôi men theo Hón Ván khoảng 10km đường rừng. Dọc đường đi thỉnh thoảng lại thấy vài khúc gỗ nằm ngổn ngang bên suối chưa được kéo về.

Anh T. cho biết, anh cũng chưa vào đây lần nào, song đây là con đường “độc đạo” nên anh khẳng định chắc nịch cứ đi theo con Hón Ván này sẽ nhìn thấy được chỗ lâm tặc đang khai thác.

Theo T., việc khai thác gỗ này mới diễn ra từ đầu tháng 7 đến nay. Bọn chúng chỉ làm ồ ạt vào mùa mưa, khi đó nước có nhiều. Lúc đó, lâm tặc chỉ việc thả gỗ xuống suối cho trôi về điểm tập kết.

Trung bình một tuần người dân Cụt Ạc chứng kiến có ít nhất 3 chuyến xe ô tô đến bốc gỗ, vào khoảng từ 12 giờ đêm tới 2 giờ sáng.

Tan hoang rừng phòng hộ

Cuộc hành trình băng rừng lội suối của chúng tôi khoảng được 10km, dọc hai bên suối dễ dàng nhận biết được chỗ nào lâm tặc đang khai thác.

Cứ chỗ nào có lối mòn thì chỗ đó có gỗ. Bọn lâm tặc không thể đi đường nào khác ngoài vận chuyển xuống suối này. Điểm xa nhất bọn chúng đang khai thác cách suối cũng chỉ vài trăm mét thôi”, anh T. cho biết.

{keywords}
Dọc Hón Ván gỗ khắp nơi.

Men theo Hón Ván, thấy rất nhiều lối mòn lâm tặc chuyển gỗ. Lần theo đường mòn đi ngược lên một khu rừng, đập trước mắt chúng tôi là những gốc cây to vừa được đốn hạ, đang còn nguyên nhựa.

Cây nhỏ nhất đo được đường kính khoảng 50cm, cây to hơn nữa là một người ôm không hết.

Cũng theo con đường mòn đó, đi sâu vào bên trong, bắt gặp nhiều gốc cây khác đã bị đốn hạ. Có bãi dày đặc, đếm được số lượng lên đến 20 gốc.

Trung bình, mỗi cây như vậy lâm tặc chỉ cưa lấy được 2-3 khúc gỗ. Càng đi sâu vào bên trong diện tích rừng bị chặt phá càng nhiều…

Ông Nguyễn Thanh Luyện, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bù Đồn (đóng trên địa bàn xã Vạn Xuân) cho biết, việc lâm tặc chặt phá rừng như phản ánh là có thật. Các khu rừng bị chặt phá trước đây là rừng phòng hộ, sau này chia cho người dân quản lý.

Nguyên nhân dẫn đến việc chặt phá rừng, ông Luyện cho biết, do thời gian này trời mưa, nước suối lên nên lâm tặc lợi dụng vào đó để chặt gỗ và vận chuyển.

Sau khi nhận được tin báo, đầu tháng 8, Trạm kiểm lâm phối hợp với UBND xã Xuân Chinh đã đi kiểm tra, bắt giữ và lập biên bản 3 lần với số lượng gần chục m3 gỗ giàng giàng vô chủ.

Hiện nay chúng tôi cũng đang tích cực điều tra các đối tượng lâm tặc, và chủ gỗ trên, đồng thời kiểm tra ngăn chặn không để lâm tặc tàn phá tiếp. Số lượng, diện tích, tiểu khu bị chặt phá đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể”, ông Luyện cho biết.

Trong khi đó, theo bà Lê Thị Hường, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, việc phá rừng tại thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh huyện cũng vừa nắm bắt được.

Sau khi nghe thông tin, huyện đã lập tức giao trách nhiệm cho Hạt Kiểm lâm điều tra, làm rõ, song đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo.

Quan điểm của huyện, sau khi đã xác minh và có báo cáo cụ thể về việc phá rừng tại thôn Cụt Ạc. Mức độ nghiêm trọng tới đâu sẽ xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”, bà Hường nói rõ.

Lê Anh