Lý do uống rượu: Có một số đông người tìm đến rượu là vì muốn giải quyết một vấn đề gì đó về mặt tâm lý như những áp lực, xung đột nội tâm, những buồn chán, thất bại trong cuộc sống, công việc, tình cảm... thay vì phải đến bác sĩ, nhà tâm lý học.
Uống rượu thường xuyên dần dần sẽ trở thành thói quen: Lâu ngày sẽ bị lệ thuộc rượu cả về mặt cơ thể và tâm lý. Nhưng nếu ngưng uống rượu đột ngột cũng sẽ gây ra triệu chứng vật vã, co giật, toát mồ hôi... và nếu nặng có thể dẫn đến tử vong.
Thói quen uống rượu khi ăn cơm: Một số người có thói quen đến bữa cơm, phải uống một ly rượu nhỏ, một lon bia... thì ăn cơm mới ngon miệng, đó cũng là nghiện nhưng ở mức độ nhẹ. Tốt nhất là không nên uống liên tục, thường xuyên vì rượu là chất độc.
Uống rượu bổ, rượu thuốc hay rượu chát... cũng chỉ nên uống một thời gian, trong lúc bị bệnh, uống để trị liệu. Nếu uống thường xuyên có thể tạo thành thói quen nghiện rượu rất khó bỏ.
Hủy hoại tế bào não: Lâu nay người ta thường nghĩ rượu chỉ gây hại cho gan, phổi, thận. Nhưng thực chất rượu còn rất độc đối với hệ thần kinh trung ương, não, làm hủy hoại tế bào não.
Bệnh loạn thần: Khi nghiện rượu nặng, kéo dài sẽ gây ra bệnh loạn thần do rượu là có những hành vi gây nguy hiểm, gây thương tích, đánh đập... người thân, người xung quanh, hoặc đập phá đồ đạc... Họ có thể có hoang tưởng, ảo giác.
Thay đổi con người: Uống rượu càng nhiều, liều càng cao thì não càng bị hủy hoại nặng. Rượu hủy hoại tế bào não nên mới có hiện tượng say rượu (không còn ý thức được hành vi), dẫn đến suy thoái về suy nghĩ, thay đổi con người.
Bất ổn trong gia đình: Người nghiện rượu gây hại về mặt thể chất (bị đánh đập...) cho những người thân xung quanh và gây ảnh hưởng nặng nề về mặt tinh thần, tâm lý (bị căng thẳng tâm lý, lo âu, sợ sệt).
Tạo bạo hành "dây chuyền": Hành vi bạo hành do uống rượu còn gây bạo hành "dây chuyền" trong gia đình, bố bạo hành với con, anh bạo hành đối với em, em bạo hành với em nhỏ hơn.
Hủy hoại nhân cách: Người uống rượu quá nhiều và thường xuyên gây hủy hoại thần kinh kéo theo hủy hoại nhân cách. Nhất là khi người nghiện lại có vị trí cao trong xã hội, có mối quan hệ rộng trong làm ăn, là người có ảnh hưởng tới nhiều người.
Rượu biến người uống thành con người không còn giá trị: Dù khi say rượu người ta không còn ý thức được hành vi của mình, nhưng khi đã gây ra nguy hiểm cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.
Cai rượu: Cũng như nghiện thuốc lá, ma túy... nếu có quyết tâm, ý chí thì người nghiện rượu cũng có thể bỏ được. Tuy nhiên, muốn ngưng uống rượu cũng phải qua một thời gian để điều trị, cai nghiện.
(Theo VTCNews)