Thay đổi toàn diện với 7 trụ cột của giai đoạn 1
Năm 2021 đã khép lại giai đoạn 3 năm đầu tiên trong quá trình chuyển đổi của Sabeco nhằm củng cố năng lực cạnh tranh bằng việc triển khai các sáng kiến chuyển đổi qua 7 trụ cột chiến lược gồm: Bán hàng (sales), thương hiệu (brand), sản xuất (production), chuỗi cung ứng (supply chain), chi phí (cost), con người (people), và quản trị (board).
Đối với trụ cột bán hàng, trước kia các nhà phân phối của Sabeco chủ yếu thực hiện các giao dịch, họ là những người nhận đơn hàng chứ không tham gia vào việc bán hàng nhiều. Ngoài ra, việc hiển thị hình ảnh cũng như mạng lưới phân phối chưa rộng, chưa đầu tư vào các kênh thương mại điện tử. Do đó, Sabeco đã thành lập đội ngũ chuyên biệt quản lý và đưa ra chương trình hỗ trợ cho nhà phân phối toàn quốc; cải thiện việc thực thi bán hàng thông qua các chương trình đào tạo năng lực bán hàng cho đội ngũ nhân viên; tăng hai hệ thống mới là tự động hóa các điểm bán hàng và hệ thống kênh phân phối nhằm tăng khả năng hiển thị mạng lưới phân phối của mình tại điểm bán; và đặc biệt là tập trung vào kênh thương mại hiện đại và thương mại điện tử.
Với trụ cột thương hiệu, trước khi chuyển đổi không có thương hiệu chính cho bia Sài Gòn, truyền thông còn kém, nhận diện thương hiệu kém và thiếu đổi mới cho sản phẩm bia Sài Gòn. Sau chuyển đổi, Sabeco đã củng cố thương hiệu bia Sài Gòn như hình tượng của hàng Việt Nam bằng cách thay đổi hàng loạt thiết kế và bao bì.
Về trụ cột sản xuất, trước giai đoạn chuyển đổi, kế hoạch sản xuất và mở rộng vẫn chưa tối ưu hoá trên phạm vi toàn quốc, chi phí sử dụng năng lượng, nguyên liệu thô còn cao, hiệu suất hoạt động chi phí chưa được giám sát chặt chẽ. Vì vậy 3 năm qua, Sabeco đã mở rộng 2 nhà máy bia tại Lâm Đồng và Quảng Ngãi, tiết kiệm được chi phí năng lượng và nguyên liệu thô thông qua hoạt động giám sát chặt chẽ....
Về chuỗi cung ứng, năm 2018 việc quản lý kho và vận chuyển vẫn được quản lý một cách thủ công, hiệu suất phân phối vận tải vẫn ở mức dưới mức tối ưu. Cuối năm 2018 Sabeco đã triển khai hàng loạt hệ thống quản lý chuỗi cung ứng trong đó có bao gồm các điều kiện hệ thống quản lý kho hàng, quản lý vận tải giảm lượng nhà kho để tiếp tục hợp lý hóa hiệu quả và chi phí.
Với trụ cột chi phí, Sabeco bắt tay vào thực hiện những sáng kiến để tiết kiệm chi phí, như hợp tác với Thaibev để mua malt và hoa bia; thiết kế lại lon bia, chai bia, thùng bia mỏng nhẹ hơn; giảm phí vận chuyển và phí thuê văn phòng…
Đặc biệt là xác định chuyển đổi về trụ cột con người. Sabeco vốn là doanh nghiệp Nhà nước nên cơ cấu lương được trả theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện Sabeco đang ở giai đoạn cuối của việc triển khai hệ thống cơ cấu tiền lương mới, đánh giá theo kinh nghiệm và hiệu suất làm việc của nhân viên.
Trụ cột thứ bảy là quản trị. HĐQT của Sabeco hiện giờ tập trung nhiều hơn vào các chiến lược dài hạn và họ ủy quyền một phần cho ban điều hành. Gần đây nhất Sabeco đã triển khai chương trình Sổ tay phân quyền để phê duyệt cho các công ty con tự quản lý và điều hành.
Mở rộng nhiều sáng kiến, đẩy mạnh mục tiêu tăng trưởng
Thành công của việc chuyển đổi giai đoạn 1 là điểm khởi đầu giúp Sabeco bước vào giai đoạn 2 của công cuộc chuyển đổi với triển vọng tích cực. Giai đoạn 2 sẽ tập trung vào 6 trụ cột chính gồm: Bán hàng (Sales), Thương hiệu/Tiếp thị (Brand/Marketing), Sản xuất (Production), Chuỗi cung ứng (Supply Chain), Con người (People) và Mở khóa (Unlock) được hỗ trợ bởi dự án Sabeco 4.0 và các sáng kiến quản trị.
Các sáng kiến chuyển đổi sẽ được hỗ trợ bằng dự án Sabeco 4.0. Chính thức khởi động vào năm 2020, Sabeco 4.0 cho phép doanh nghiệp cải thiện cách thức làm việc thông qua việc tối ưu hóa, chuẩn hóa và tự động hóa các quy trình, bắt đầu từ chuỗi cung ứng, vận hành kho bãi, bán hàng và hệ thống kinh doanh thông minh.
Song hành cùng mục tiêu phát triển kinh doanh, Sabeco cũng tiếp tục đẩy mạnh những nỗ lực phát triển bền vững thông qua mô hình quan hệ hợp tác đối tác ba bên giữa Chính phủ, Doanh nghiệp và Các tổ chức xã hội. Công ty sẽ tiếp tục củng cố cam kết phát triển bền vững thông qua các sáng kiến chú trọng vào 4 mục tiêu: Tiêu thụ (Consumption), Bảo tồn (Conservation), Quốc gia (Country) và Văn hóa (Culture).
Ông Bennet Neo - Tổng Giám đốc Sabeco chia sẻ, Sabeco sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các đối tác với mục tiêu chung là mở rộng hoạt động kinh doanh, lấy mục tiêu tăng trưởng hàng đầu, tạo ra giá trị cho người tiêu dùng, lấy khách hàng và cổ đông làm trọng tâm phát triển.
“Bối cảnh kinh doanh năm 2022 đang dần tươi sáng, nhưng vẫn tồn tại những thách thức và biến động bởi sự gia tăng của chi phí đầu vào. Tuy vậy, chúng tôi sẽ duy trì sự cẩn trọng và tập trung vào kết quả kinh doanh, cũng như nỗ lực mang đến những điều tốt đẹp nhất cho Việt Nam và đưa thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế”, ông Bennet Neo nhấn mạnh.
Ngọc Minh