- Ngày 10/9 kết thúc đợt I xét tuyển bổ sung của các trường ĐH, CĐ. Đa số các trường ĐH công lập đều ung dung vì lượng hồ sơ nhận thừa chỉ tiêu cần tuyển. Trong khi đó, các trường ngoài công lập vẫn "dài cổ" chờ thí sinh.

Trường công ung dung

Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, năm nay số lượng thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên cao hơn mọi năm khiến các trường khó tuyển phần nào yên tâm hơn khi bước vào xét tuyển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đợt xét tuyển đầu tiên này vẫn là “sân chơi” chủ yếu của các trường công lập.

{keywords}
Ảnh Lê Anh Dũng

Ở các trường ĐH công lập có xét tuyển nguyện vọng bổ sung, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nhận được tăng từ gấp đôi, thậm chí là gấp 10 lần, so với chỉ tiêu. như trường ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng, Học viện Ngân hàng, ĐH Điện lực, ĐH Công nghiệp Hà Nội, trường ĐH Kinh tế kỹ thuật và công nghiệp, trường ĐH Công đoàn… Ở những trường này, điểm trúng tuyển sẽ cao hơn điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, ông Lê Văn Thành cho biết, trường có chỉ tiêu xét tuyển là 760, từ 17 đến 22 điểm. Tuy nhiên, số hồ sơ đã lên tới con số hơn 2.500.

Học viện Báo chí và tuyên truyền đã nhận được gần 600 hồ sơ trong khi chỉ tiêu xét tuyển là hơn 100. Riêng Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã thu được ít nhất là 3.800 hồ sơ, gấp hơn 20 lần so với chỉ tiêu xét tuyển.

Trường ĐH Cần Thơ là trường đầu tiên công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung với mức điểm khá cao, hầu hết các ngành đều tăng từ 3 - 5 điểm so với điểm sàn xét tuyển.

Trong khi đó nhiều trường ngoài công lập đã xác định thời gian kết thúc tuyển sinh chính là ngày theo hạn cuối cùng của Bộ - ngày 31/10 – bởi số lượng hồ sơ nhận được rất ít, chỉ vài chục bộ đến vài trăm bộ, chưa đủ 50% chỉ tiêu….

Trường tư nơm nớp

Một trong những trường ngoài công lập nhận được nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển nhất là Trường ĐH dân lập Phương Đông. Trường đã nhận được gần 3.000 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu của trường là 2.300.

Theo ông Bùi Thiện Dụ - hiệu trưởng nhà trường cho biết, số lượng hồ sơ nhiều hơn so với tổng chỉ tiêu nhưng không đồng đều mà nhiều nhất là vào ngành Kiến trúc. Tuy nhiên, trường chưa hẳn đã “yên tâm” vì theo kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, sẽ có khoảng 30 - 40% là hồ sơ ảo trong tổng số hồ sơ gửi đến. Con số này của năm 2012 lên tới tới 50%...

Trường ĐH Lương Thế Vinh tuyển 1.000 chỉ tiêu nhưng số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển gửi về trường tới thời điểm này vẫn rất ít. Ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng nhà trường nhận định hiện nay thí sinh còn đang tập trung xét tuyển ở các trường công lập. Phải đến sau khi các trường công lập thông báo điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung, những thí sinh chưa trúng tuyển mới quay ra tìm cơ hội ở các trường ngoài công lập. “Tôi hy vọng với thời gian xét tuyển kéo dài đến cuối tháng 10, năm nay trường sẽ tuyển được nhiều hơn năm trước”.

Theo quy định của Bộ, các trường có thể xét tuyển nhiều đợt khác nhau, thời gian mỗi đợt xét tuyển là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển. Nguyên tắc xét tuyển nguyện vọng bổ sung là lấy điểm từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu. Nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng bổ sung, hoặc không được tuyển vào trường, ngành đã đăng ký nguyện vọng bổ sung thì được quyền rút hồ sơ (trong đó có giấy chứng nhận kết quả thi) để nộp vào trường, ngành khác.

Các trường được kéo dài thời hạn xét tuyển đến ngày 31/10/2013.

  • Chi Mai