- Cha mẹ nào cũng mong nuôi dạy con ngoan, trở thành những công dân mẫu mực. Tuy nhiên, có không ít những hành xử hàng ngày của các bậc phụ huynh đã vô tình gieo vào đầu trẻ suy nghĩ tiêu cực, khó điều chỉnh…
Hàng ngày, bạn dễ dàng gặp ở đâu đó những lời dạy bảo kiểu như: Con đừng làm thế, hư lắm; Trẻ con không được nói dối; Con phải vứt rác vào đúng nơi quy định chứ… Thế nhưng vẫn có những phụ huynh nói vậy nhưng làm khác?
Mỗi ngày đón con từ trường mẫu giáo về, anh Hưởng (Nguyễn Trãi, Hà Nội) không khỏi bức xúc: Cái sân trường bé tí mà bố mẹ đón con thì chẳng có ý thức gì. Tiện đâu là đỗ xịch cái xe xuống rồi chạy lên lớp. Anh thường đón con sớm nên nhiều hôm xuống đến nơi chiếc xe máy của mình đã bị chắn hết lối ra. Lúc vắng xe thì có thể di chuyển xe của họ để tìm lối ra, nhưng lúc xe khóa cổ hoặc hết chỗ rồi thì hai bố con chỉ biết đứng chờ.
Cho con vượt rào...vào Công viên nước Hồ Tây năm 2015 (Ảnh: VietNamNet) |
Có lần anh gặp một ông bố dựng xe kiểu chướng mắt đó nhưng lại cho con chơi cầu trượt mãi mới ra về đã nhẹ nhàng nhắc: Lần sau anh dựng xe thì phải để ý cho người đến trước có lối ra chứ. Vị phụ huynh đó thản nhiên đáp: Sân nhà anh đâu mà ý kiến.
Chuyện dựng xe kiểu “mạnh ai nấy làm” cũng thường xảy ra mỗi khi họp phụ huynh. Rất nhiều người chỉ nghĩ tiện cho mình mà quên mất người khác sẽ thế nào, đi muộn nhưng ngại tìm chỗ trống nên cứ tùy tiện chặn luôn đường ra của xe khác. Trẻ mẫu giáo chưa hiểu gì nhưng học sinh tiểu học, trung học mà thấy bố mẹ dựng xe tùy tiện như thế liệu có bị ảnh hưởng không - anh băn khoăn.
Trường mầm non của con có tủ đựng đồ (ba lô) cho học sinh, hai bạn dùng chung một ngăn, có ghi tên rõ ràng. Thế nhưng anh Hưởng thường xuyên phải đi tìm ba lô của con dù buổi sáng anh đã để đúng ngăn quy định. Có hôm anh phải mở tất cả các ngăn đồ ra để tìm mới thấy, có hôm thì thấy vứt lăn lóc bên ngoài.
Lúc đầu anh còn tưởng con tự ra lấy đồ rồi để không đúng chỗ, nhưng con không phải thay quần áo, không sử dụng thứ gì dự phòng trong đó và cũng không đủ cao để với tới ngăn để đồ. Anh thắc mắc với giáo viên và được các cô nhận lời sẽ nhắc nhở phụ huynh của bé cùng dùng ngăn đồ đó. Thế nhưng chuyện đó thỉnh thoảng vẫn diễn ra. Anh tự hỏi, có lẽ phải dành riêng cho họ một ngăn để đồ mới đủ dùng. Người lớn còn như thế thì con trẻ sẽ được huấn luyện thành thế nào?
Cấm nhưng vẫn sờ
Ở các bảo tàng thường có biển “Không sờ vào hiện vật” nhưng nhiều phụ huynh vẫn làm ngơ để con thoải mái khám phá và chụp ảnh kỷ niệm. Chị Hằng kể: Lần đầu tiên đưa con đến bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, cả mẹ và con đều cảm thấy rất ngạc nhiên trước những bộ sưu tập vô cùng phong phú. Bọn trẻ ngay lập tức lao vào nhìn, ngắm, với những vật không trưng bày trong tủ kính thì cố gắng chạm vào bằng được.
Ngay trong sân bảo tàng là hình ảnh mô phỏng chú khủng long rất lớn, đó cũng là điểm nhấn của bảo tàng. Vì có biển “không sờ vào hiện vật” nên các bố mẹ bảo con xếp hàng phía dưới để chụp ảnh. Trời nắng, ai cũng muốn chụp thật nhanh nên nhóm này chưa chụp xong bố mẹ khác đã lôi con vào xếp hàng tạo thành khung cảnh nhốn nháo. Bản thân chị đã rất cố gắng chờ đợi để có bức ảnh chỉ có các con thôi nhưng không được. Nhiều bé còn được bố mẹ khuyến khích trèo lên cao để có thể chạm tay vào chú khủng long chụp ảnh cho hoành tráng dù trời nắng chang chang và chú bảo vệ thì yêu cầu xuống ngay.
Ảnh minh họa (Ảnh: Người đưa tin) |
Bên trong bảo tàng, có mẹ còn bế con lên để có thể dễ dàng chạm vào những hiện vật hay bảo con đặt tay vào hiện vật để chụp ảnh kỷ niệm… Nhân viên bảo tàng cầm loa liên tục nhắc nhở khách tham quan không sờ vào hiện vật, không bật đèn flash khi chụp hình… Người nghe được thì nhắc nhở con, còn người không để ý thì vẫn cứ vô tư để con, sờ, chạm, vuốt ve cho thỏa chí tò mò rồi chụp ảnh. Chỉ có nhân viên bảo tàng vẫn liên tục phải nhắc nhở.
Sân nhà bà đâu mà cấm…
Khu phố nhà chị Quỳnh có rất đông trẻ con. Hà Nội vốn thiếu những điểm vui chơi công cộng nên con chị Quỳnh và những đứa trẻ khác thường tụ tập chơi đùa, đá bóng ngay trong ngõ. Trẻ con hiếu động và ồn ào, chỉ cần một nhóm từ ba đứa trở lên là đã đủ náo loại cả khu rồi.
Khu vực ngõ rộng nhất là nhà một bà khá lớn tuổi, luôn tỏ ra khó chịu khi thấy bọn trẻ đá bóng bình bịch, hò hét ngay trước cửa nhà mình. Mỗi lần như thế bà và cả cô con gái lại quát mắng bọn trẻ không được đá bóng ở đây, đuổi chúng ra chỗ khác chơi vì “ồn ào, đau đầu không chịu nổi”.
Mẹ của một cậu bé không đồng ý với thái độ đó đã “bật” lại: Sân nhà bà đâu mà bà cấm, bao giờ chúng nó đá bóng vào nhà bà thì hãy kêu chứ. Bà không cho chơi ở đây thì chúng đi đâu chơi bây giờ?
Cách nói chuyện của chị đã được con học theo và lần sau khi bị “đuổi” cậu bé cũng lặp lại y chang: Cháu chơi ngoài đường có liên quan gì đến nhà bà đâu!
Con trai chị Quỳnh thì thắc mắc với mẹ: Bọn con chơi đá bóng vui thế sao bà lại cấm hả mẹ? Vì ngại va chạm với hàng xóm, sợ mất lòng nhau nên chị dặn con không đá bóng cùng các bạn nữa… Chị cũng không biết giải thích thế nào để con hiểu được lý lẽ của người lớn. Dù biết con không được đá bóng sẽ buồn nhưng chị tuyệt đối không muốn con cãi lại người lớn tuổi như cậu bé kia.
Trong cuộc sống có vô vàn tình huống tuy nhỏ nhặt nhưng nếu cha mẹ không để ý hoặc giải quyết không đúng đắn sẽ làm ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ và hành động của con trẻ - chị Quỳnh chia sẻ.
Bạn đã gặp những tình huống tương tự hoặc cách hành xử đẹp trước mặt con trẻ - hãy chia sẻ với Góc phụ huynh tại địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn Bài viết phù hợp được đăng tải trên Góc phụ huynh. |
- Quyên Đỗ