Ngày 22/7, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho biết, vừa phối hợp liên chuyên khoa giữa Trung tâm Tim mạch và Khoa Phụ sản để hội chẩn và phẫu thuật thành công cho một sản phụ bị bóc tách động mạch chủ cấp và tình trạng cấp cứu có thể gây tử vong bất cứ lúc nào. Lúc phát hiện sản phụ bị bóc tách động mạch chủ, thai kỳ mới chỉ ở tuần thứ 33.
Ê- kíp phẫu thuật Sản khoa mổ bắt thai ngay phòng phẫu thuật tim mạch. Ảnh: Nam Phương
Bệnh nhân là chị N.T.Đ (33 tuổi, quê Tiền Giang) được người nhà đưa đến cấp cứu tại BV Đại học Y dược TP.HCM. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị Đ. bị bóc tách động mạch chủ ngực type A, phình gốc động mạch chủ - Hở van động mạch chủ nặng – Hội chứng Marfan – Thai 33 tuần 5 ngày chậm tăng trưởng. Các bác sĩ yêu cầu người bệnh nhập viện gấp vì tình trạng bệnh rất nguy hiểm.
Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng khó thở, thường ngất xỉu, sau khi khám thai định kỳ ở BV Từ Dũ, nghi ngờ thai phụ bị bệnh lý động mạch chủ cấp tính nên đề nghị chuyển bệnh nhân sang BV Đại học Y dược.
Khi tiếp nhận, Khoa cấp cứu BV ĐH Y dược nhận định là ca bệnh phức tạp nên đã họp khẩn liên chuyên khoa. Một bài toán nan giải đặt ra cho ê-kíp là mổ tim trước hay mổ lấy thai trước. Khó khăn trước mắt là thai non 33 tuần và thai trong tình trạng suy dinh dưỡng từ tuần 20, nếu mổ bắt con sẽ khó thích nghi với môi trường bên ngoài. Chưa hết, trong lúc mổ lấy thai có thể xảy ra nhiều rủi ro cho người mẹ.
PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám Đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch chia sẻ : “Động mạch chủ được ví như một xa lộ Bắc-Nam mang máu chia ra từng nhánh nhỏ để đi nuôi cơ thể. Tình trạng chị Đ. rất nguy cấp nếu vỡ động mạch sẽ không có máu nuôi não và nuôi thai. Vì vậy, nguy cơ có thể mất cả mẹ lẫn con”.
Ê-kíp bác sĩ phẫu thuật tim mạch bóc tách động mạch và đặt stent graft cho bệnh nhân. Ảnh: Nam Phương
Bác sĩ Định cho biết thêm, bóc tách động mạch chủ là một cấp cứu ngoại khoa, nếu không xử trí kịp chỗ bóc tách sẽ bị vỡ vào khoang màng tim, gây chảy máu, mất máu, gây chèn ép tim làm tim không co bóp được nữa và người bệnh sẽ tử vong. Riêng trong trường hợp này, vì người bệnh mang thai nên bệnh lý của người mẹ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả hai mẹ con. Vấn đề đặt ra là làm sao để cứu cả mẹ và con là lý tưởng nhất.
Về mặt sản khoa, TS BS. Trần Nhật Thăng, Trưởng khoa Phụ sản cho biết: “Đây là trường hợp thai kỳ vừa non tháng vừa chậm tăng trưởng mạn tính kéo dài, vì vậy khi em bé sinh ra sẽ có những khó khăn trong thích nghi với cuộc sống sau sinh. Nhưng xét về tình trạng của người mẹ tại thời điểm đó, nếu không mổ lấy thai thì những biến chứng của bóc tách động mạch chủ có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng người mẹ, như vậy cũng không thể an toàn cho thai nhi được”.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, bác sĩ quyết định mổ lấy thai ngay trong phòng mổ tim. Ưu tiên mổ lấy thai trước, song khi có sự cố gì về tim bác sĩ tim mạch sẽ vào cuộc can thiệp. Bởi, khi mổ lấy thai nhi, có nhiểu tác động đến người mẹ, động mạch chủ có thể vỡ ra ngay, nên bác ê-kíp tim mạch luôn trong tình thế sẵn sang phẫu thuật cho người mẹ.
Rất may ca mổ bắt con diễn ra thuận lợi, bé gái chào đời với cân nặng 1,8 kg được đưa đến phòng dưỡng nhi. Người mẹ được nghỉ ngơi 24 tiếng dưỡng sức cho ca mổ thứ 2.
Người mẹ ngày xuất viện trong niềm hạnh phúc mong chờ trở về quê để gặp con gái. Ảnh: Phan Nhơn
Sau 1 ngày, người mẹ được PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định cùng ê-kíp Trung tâm Tim mạch thực hiện thay gốc động mạch chủ, đặt stent graft động mạch chủ ngực xuống thành công tốt đẹp.
Đại diện bệnh viện cho biết, chi phí ca mổ bắt con và đặt stent graft lên đến 400 triệu đồng. Riêng phần chi phí stent graft 280 triệu đã được bệnh viện vận động đơn vị cung cấp giảm cho bệnh nhân 200 triệu, còn lại 80 triệu BHYT thanh toán một nửa và bệnh nhân chi trả một nửa. Phần còn lại số tiền cho chi mổ bắt con được vận động từ Phòng công tác xã hội hỗ trợ, tổng chi phí bệnh nhân chi trả toàn bộ ca mổ là 140 triệu đồng.
“Lúc vào viện tôi chỉ có 9 triệu đồng, tôi tính buông xuôi mặc kệ bệnh tới đâu hay tới đó, bác sĩ động viên phẫu thuật gấp còn tiền bạc tính sau không thì nguy hiểm cả mẹ lẫn con. Đến giờ tôi chỉ gặp được con có 2 lần sau khi sanh, vì phải nằm viện điều trị còn cháu thì đã xuất viện về quê”, chị Đ nói trong niềm hạnh phúc.
Được biết chị Đ. làm công nhân trong một khu công nghiệp ở quận 7, TP.HCM, để vượt qua ca mổ này chị phải vay mượn bạn bè đến 140 triệu để phẫu thuật. Đây là đứa con đầu của chị Đ., ngày xuất viện chị không giấu đi niềm hạnh phúc khi sắp trở về với con sau bao ngày xa cách.
Phan Nhơn