Mỗi ngày có gần 300 đơn hàng nông sản Hải Dương trên sàn Postmart

Trong suốt hơn 1 năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các doanh nghiệp bưu chính, nhất là những doanh nghiệp bưu chính lớn đã có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo duy trì dòng chảy vật chất không ngừng nghỉ, giao thương thông suốt hàng hóa.

Đặc biệt, những ngày gần đây, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã dẫn đến nông sản ở các vùng dịch bị ùn ứ, trong đó nhiều nhất là nông sản của các hộ nông dân Hải Dương. Với hạ tầng mạng lưới đã được đầu tư trong nhiều năm, các doanh nghiệp bưu chính lớn đã tích cực triển khai các hoạt động để giúp nông dân Hải Dương không những tiêu thụ nhanh chóng sản phẩm mà còn được tiếp cận với kênh phân phối mới – qua sàn thương mại điện tử, từ đó góp phần chuyển đổi số khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) – doanh nghiệp “anh cả” trong lĩnh vực bưu chính, trao đổi với ICTnews, Tổng giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào cho biết, nhận thức được sứ mệnh phục vụ cộng đồng, đặc biệt là những người nông dân nơi vùng dịch đang gặp khó khăn, từ cuối tháng 2, đơn vị đã khẩn trương xây dựng các chương trình đồng hành cùng bà con nông dân.

Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ và đồng hành cùng bà con Hải Dương trong giai đoạn khó khăn này, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa, tháo gỡ ách tắc trong giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để giúp bà con nông dân thay đổi về nhận thức trong kinh doanh, chuyển đổi số trong phương thức kinh doanh nhằm tăng trưởng sản lượng.

{keywords}
Sau gần 10 ngày triển khai chương trình "Chung tay cùng nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản", tổng số đơn hàng trên sàn Postmart đã đạt gần 3.000 đơn, trung bình gần 300 đơn/ngày.

Cụ thể, Vietnam Post đã xây dựng một quy trình đầy đủ giúp bà con nông dân Hải Dương dễ dàng trong việc lựa chọn sản phẩm, xác định phương thức kinh doanh, hiểu và ứng dụng quy trình đóng gói, vận chuyển sản phẩm, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong cả hệ thống, đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch với các sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Để hỗ trợ bà con nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản một cách nhanh nhất, cũng như đưa các mặt hàng nông sản đến gần và dễ dàng hơn với người tiêu dùng, Vietnam Post đã áp dụng chuyển đổi số, từ đó bà con có thể bán nông sản trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử Postmart (https://postmart.vn/).

Đội ngũ vận hành sàn Postmart đã ngay lập tức xây dựng và thiết kế một trang landing page riêng dành cho chương trình trong thời gian rất ngắn, đồng thời thiết lập và đảm bảo hệ thống hạ tầng vững chắc, đảm bảo quá trình mua hàng trên sàn diễn ra thông suốt và thuận lợi, không gặp trở ngại.

Cùng với đó, Vietnam Post cũng đã thành lập khẩn trương tổ công tác trực tiếp đi khảo sát và làm việc với các hộ sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn Hải Dương để lựa chọn các hộ phù hợp và có khả năng cung ứng tốt với số lượng lớn nông sản đảm bảo chất lượng, đồng thời triển khai đào tạo trực tiếp cho bà con nông dân về cách thức bán sản phẩm trên sàn, cách thức đóng gói đảm bảo an toàn phòng dịch với các sản phẩm và quy trình tiếp nhận vận chuyển.

Thực tế, ngay sau khi chuyên trang “Chung tay cùng nông dân Hải Dương tiêu thụ nông sản” được xây dựng vào ngày đầu tiên của tháng 3, từ ngày 3/3 các gian hàng giải cứu nông sản đã có mặt trên sàn Postmart. Các sản phẩm nông sản Hải Dương đều được Vietnam Post miễn, giảm phí vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Theo thống kê, sau gần 10 ngày triển khai chương trình, tổng số đơn hàng trên sàn Postmart đã đạt gần 3000 đơn, trung bình có gần 300 đơn/ngày, tăng trưởng gấp 5 lần so với giai đoạn trước đó.

Lập Tổ công tác giúp bà con nông dân chuyển đổi số

Chia sẻ về kế hoạch thời gian tới, Tổng giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào cho biết, tiếp nối thành công của chiến dịch hỗ trợ bà con nông dân Hải Dương, trên sàn thương mại điện tử Postmart, Tổng công ty sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình thúc đẩy nông sản nói riêng và các sản phẩm nói chung của các địa phương khác.

Cụ thể, cách thức đã áp dụng với Hải Dương sẽ được Vietnam Post tiếp tục sử dụng để triển khai ở các địa phương khác, tuy nhiên sẽ có điều chỉnh để phù hợp với đặc thù nông sản ở mỗi tỉnh, thành phố.

{keywords}
Vietnam Post sẽ tiếp tục sử dụng cách thức đã áp dụng với Hải Dương để triển khai ở các địa phương khác, tuy nhiên sẽ có điều chỉnh để phù hợp với đặc thù nông sản ở mỗi tỉnh, thành.

Một thách thức không nhỏ để chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn là nhiều người nông dân chưa nhận thức được giá trị của việc đưa hàng lên bán trên sàn thương mại điện tử cũng như chưa có kỹ năng ứng dụng công nghệ số.

Với mong muốn góp phần giải quyết khó khăn, thách thức trên, thời gian qua, trong quá trình hỗ trợ chuyển đổi số cho bà con nông dân, Vietnam Post đã thành lập Tổ công tác trực tiếp làm việc với bà con nông dân. Các thành viên của Tổ công tác là cán bộ, nhân viên của Tổng công ty tại địa phương, để có thể nắm rõ tình hình cũng như thói quen, hành vi của bà con trong việc kinh doanh.

“Tổ công tác có nhiệm vụ tư vấn, đào tạo và thực hiện hỗ trợ 100% về công nghệ, nội dung cho bà con nông dân trong thời gian ban đầu. Sau khi bà con nông dân đã quen thuộc và thành thạo hơn, Tổ công tác sẽ chỉ hỗ trợ chính trong việc tư vấn lựa chọn sản phẩm và hỗ trợ đơn hàng cho bà con, với mục tiêu đặt ra là đảm bảo sản lượng đơn hàng thành công nhiều nhất cho bà con nông dân”, Tổng giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào cho hay. 

Trong Chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2021, với lĩnh vực Bưu chính, Bộ TT&TT đã nêu rõ mục tiêu chuyển dịch từ dịch vụ bưu chính truyền thống sang dịch vụ bưu chính số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, của thương mại điện tử; góp phần thúc đẩy Chính phủ số, xã hội số.

Vân Anh

Sàn TMĐT Postmart giúp nông dân Hải Dương tiếp cận phương thức kinh doanh mới

Sàn TMĐT Postmart giúp nông dân Hải Dương tiếp cận phương thức kinh doanh mới

Đại dịch covid-19 đã thúc đẩy sự thay đổi ngoạn mục của nhiều ngành nghề, cũng như nếp nghĩ, cách làm của người dân nhằm thích ứng nhanh chóng, ổn định cuộc sống trong “tình hình mới”.