Xem clip:

Mùa nước nổi trở thành nét đặc trưng của miền Tây sông nước. 

Muôn kiểu kiếm tiền, đủ mọi vất vả, song vượt lên tất cả vẫn là niềm vui đón lũ, đón đặc sản về đồng ruộng.
Trên những cánh đồng đầu nguồn thuộc huyện An Phú (tỉnh An Giang), khoảng 1 tuần nay bắt đầu đón những con nước tràn đồng. 
Năm nay, lũ đến thấp và muộn kéo theo sản lượng thuỷ sản đầu nguồn giảm. Thế nhưng, mỗi ngày, ở vùng biên, hàng chục tấn sản vật mùa nước nổi được người dân mua bán, vẫn tạo nên không khí nhộn nhịp.
Ghi nhận tại một cơ sở thu mua thuỷ sản tại ấp Bắc Đai (xã Nhơn Hội, huyện An Phú), hàng chục nhân công đang khuôn vác, phân loại, đóng thùng cua, ốc. Dưới sông, thuyền, vỏ lái (một loại thuyền máy hoặc xuồng, ghe nhỏ - PV) chất đầy thuỷ sản đậu san sát chờ đưa lên bờ.
Ông Trần Anh Tuấn (71 tuổi), chủ một cơ sở thu mua cho biết, trung bình mỗi ngày ông thu mua khoảng 50 tấn cua, ốc của người dân, trong đó chủ yếu từ Campuchia sang. Sau đó, ông bán cho các mối ở Hà Nội, TP.HCM. Hiện, ốc lác, ốc bươu giá 30.000 đồng/kg, cua đồng giá 15.000 đồng/kg.
“Những năm trước tầm tháng 9 nước về cao 2-3m. Năm nay con nước chỉ mới chỉ ngang ngực mà lại lên nhanh nhưng rút cũng nhanh. Chính vì vậy, bà con cũng đánh bắt được ít hơn rất nhiều”, ông Tuấn cho hay.
Tại chợ Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) cách biên giới Campuchia hơn 1km, hàng chục vỏ lãi của người dân bên kia biên giới tấp nập cập bờ. Phiên chợ họp nhanh chóng trong vài tiếng đồng hồ lúc tờ mờ sáng và đầu giờ chiều.
Đặc sản sông nước cá linh, lươn, cá lóc, rắn... tươi rói vừa cập bờ đã được thương lái thu mua.
Đôi vợ chồng làm sạch cá linh ngay trên sông.