Trong hai luồng ý kiến trái chiều gửi về tòa soạn Vietnamnet sau chuyên đề Tiếng nói người trẻ, những suy nghĩ, bàn luận sôi nổi về sự sáng tạo, về niềm tin vào thế hệ trẻ đã được đặt ra. Vậy với giới trẻ, như thế nào là sáng tạo? Thế nào thì nên động viên, tin tưởng, thế nào thì phải hạn chế, chậm chí là “cấm” để không ảnh hưởng đến những nền tảng tốt đẹp?

TIN BÀI KHÁC:

“Cấm là điều hết sức vô lý”

Bất bình trước việc ngưng xuất bản cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ, bạn đọc từ email chauwippro@yahoo.com cho rằng: “Cấm là điều hết sức vô lý. Thậm chí tôi còn nhiều câu "độc" hơn nữa kia, cơ quan tôi là cán bộ nhưng lúc rảnh rỗi thì ai có câu nào "độc độc", "hay hay" lại đem ra dùng để cùng nhau cười xả stress… Xã hội vận động và phát triển mà, không lẽ các vị không cho ngôn ngữ phát triển theo xã hội chăng? Cũng những câu như thế, khi xem chương trình Gala cười, ai ai cũng cười theo, nhưng khi người ta viết thành sách lại cấm? Sao không xem đó là một cuốn truyện cười như bao cuốn truyện cười khác?...”

Người trẻ có thể bị “lạc lối” nếu không được nâng đỡ, chia sẻ và cảm thông


Trong khi đó, độc gia tên Giang nói: “Ngôn ngữ bao giờ cũng có hai dạng tục và thanh. Văn thanh thì xài chính qui trong văn bản, văng tục thì xài dân gian đại trà, mang tính thời đại cao. Thậm chí có viết vào sách hay tiểu thuyết thì đã sao - ngay cả chuyện con chị Út tịch "Ù ọe thằng Mỹ", chẵng lẽ lôi tác giả “Người mẹ cầm súng” ra xử vì tội làm mất tính trong sáng tiếng Việt?”

Với nhiều độc giả, việc tranh cãi đúng sai là không cần thiết. Độc giả Vũ Thị Mi chia sẻ một kỉ niệm vừa bi, vừa hài khi tiếp cận vấn đề: “Chuyện này cũng như thời trang vậy thôi. Bây giờ thích nhưng thời gian sau có khi chả ai dùng đến. Chuyện này làm tôi nhớ lại cách đây 30 năm, dân miền Bắc mà nói từ “hết ý” hay “hết sảy” thì bị cho là “cao bồi”. Thậm chí còn bị công an phạt vi cảnh nữa. Hồi đó tôi còn bị hạ hạnh kiểm vì hay dùng hai từ đó nữa (có ai còn nhớ và bị như tôi không? ). Thế nhưng vài năm sau thì chả thấy ai nói nữa…”

Những dấu hỏi chấm, những trải nghiệm và những chia sẻ của độc giả thể hiện sự quan tâm của họ dành cho giới trẻ. Không đơn giản là bảo vệ hay lên án nữa, đây là những góc nhìn thẳng trong xã hội mà nhiều người trăn trở.

Thời của Tú Xương, Xuân Hương cũng không kém

Không chỉ liên tưởng tới Hỏi xoáy đáp xoay, đuổi hình bắt chữ, gala cười hay thậm chí là “Người mẹ cầm sung”, độc giả còn so sánh những sáng tạo người trẻ với thời đại trước. Độc giả ở địa chỉ …vagrant@yahoo.com cho rằng: “Những sáng tạo như của anh Thanh Phong, không hề vượt ra ngoài quy phạm đạo đức và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nó gần giống những gì mà Tú Xương, Hồ Xuân Hương hay những Tú Mỡ, rồi Lê Văn Nghĩa đã làm, tất nhiên có thể ở một tầm thấp hơn, nhưng đều đáng ghi nhận. Và cũng xin các bạn nhớ lại cho, ở thời của mình, văn thơ của những Hồ Xuân Hương, những Tú Xương cũng bị coi là nằm ngoài luồng chính thống”.

Giá cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” tăng vọt khi có lệnh ngưng xuất bản (Ảnh: Chaobuoisang.net)

Đặt vấn đề sáng tạo hay không sáng tạo, bảo thủ hay tiến bộ giữa các thế hệ, độc giả Lê Khương nhận xét: “Biết tuổi là biết cách nhận xét:…Người lớn tuổi thì phản đối, trẻ tuổi thì ủng hộ hoặc cho rằng nó vui vui, không có hại gì. Cái này là đặc điểm chung hiện nay, người cao tuổi thường níu kéo quá khứ và cho nó tốt đẹp, muốn giữ nguyên 100%. Thử hỏi tổ tiên mình sáng tạo được thì tại sao mình không sáng tạo được, hay sự sáng tạo đã tới mức tận cùng rồi? Nên không cần sáng tạo nữa (cái này biểu hiện ở thái độ thụ động, trì trệ, bảo thủ). Tất nhiên cái mới thì đôi khi khó nghe (nhưng Xã hội sẽ chọn lọc thôi), những người sáng lập Google cũng từng bị cho là bị điên với ý tưởng "không tưởng" đó thôi”.

Từ những điều đó, có độc giả lại quay về vấn đề quản lý với một công thức chung phổ biến mà tai hại đó là “Không quản được thì cấm”.

Độc giả ở địa chỉ nguyenhuyhung@... bình luận: “Việc cấm "Sát thủ đầu mưng mủ" hay nói rộng hơn là cấm người ta nói bằng thứ tiếng bị cho là không chuẩn làm sao mà cấm nổi khi nó thịnh hành ngoài xã hội, đặc biệt là lớp trẻ, cũng như đã từng cấm karaoke vì không quản nổi. Điều quan trọng là nên giáo dục học sinh đừng đưa những "ngất ngây con gà tây", "buồn như con chuồn chuồn", "đơn giản như đan rổ " vào trong bài làm văn của mình ở nhà trường, hay với người lớn. Những ngôn ngữ ấy có tồn tại được trong đời sống hay không thời gian sẽ trả lời”.

Không có câu trả lời đúng hay sai tuyệt đối, song từ những góc nhìn đa chiều này, hi vọng một lần nữa, tiếng nói của người trẻ sẽ được nhìn nhận và đánh giá một cánh thấu đáo hơn, khách quan hơn. Những thế hệ cùng nhìn hướng về nhau, để bớt đi những tiếng thở dài của những thế hệ đi trước cũng như những nỗi buồn người trẻ.

MT (TH)