- "Viết về tình dục nếu không
sâu, không cảm được rất dễ sa vào sự thô tục. Cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp,
đặc biệt hơn, tại sao cứ phải đưa tình dục vào sách? - cây bút trẻ Ploy Trần Lê
Ngọc Bích băn khoăn.
Sau tập truyện ngắn "Phía sau một cô gái"
gây sốt trong cộng đồng độc giả trẻ, cây bút trẻ Ploy - Trần Lê Ngọc Bích vừa
cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay "Dạ khúc". Cuốn
sách là sự kết hợp giữa văn học với âm nhạc, với hai ca khúc "Hứa" và
Cầu vồng đêm" lồng vào nội dung.
Không chỉ dụng thuyết "nhân chi sơ tính bản ác" để viết văn, chị còn đưa triết lý âm dương vào tác phẩm của mình?
Ploy - Trần Lê Ngọc Bích: - Ngay từ những năm lên 6 - 7 tuổi, vì
không có nhiều sách thiếu nhi dành cho mình, tôi đã đọc nhiều sách triết học,
tâm lý, đời sống xã hội... của ba mẹ, nên thấm dần vào người. Khi viết văn,
những gì đã đọc trở nên nảy nở, sáng lên lại trong đầu mình. Trong sách vở lý
thuyết, thuyết âm dương khá phức tạp, nhưng ở ngoài đời sống, ta có thể thấy nó
ở khắp nơi, vật nhỏ nhất cũng có thuyết này vận vào. Cân bằng âm dương, đủ đầy,
hạnh phúc, với tôi đó là sự cân bằng giữa thời gian dành cho bản thân mình và
gia đình.
Cả hai cuốn sách của chị đều không sử
dụng yếu tố tình dục để gây chú ý như nhiều tác giả trẻ khác hiện nay?
- "Rừng Na uy" là cuốn sách tôi mê, tình
dục trong đó chỉ đóng vai trò một yếu tố chuyển tải. Viết về tình dục nếu không
sâu, không cảm được rất dễ sa vào sự thô tục. Cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp,
đặc biệt hơn, tại sao cứ phải đưa tình dục vào sách?
Chị cũng không dùng những cái tên sách
ấn tượng, thậm chí gây sốc, để tạo sự quan tâm cho độc giả khi họ
đứng giữa một rừng sách?
- Thế nào là một tựa sách gây sốc? Nội
dung sách không gây sốc mà tựa gây sốc thì sẽ trở thành chuyện treo đầu
dê bán
thịt chó. Đặt tên sách không dễ, vừa phải chuyển tải được nội dung, tinh
thần của cuốn sách, vừa phải dễ nhớ. Nếu gây sốc không phù hợp với nội
dung, nó
chỉ có một đời sống ngắn. Còn ngược lại, tựa sách nhẹ nhàng, sẽ sống
lâu, thấm
lâu hơn. Đã từng có nhiều ý kiến nói tựa "Phía sau một cô gái" nhẹ quá,
trơn
tuột, sao không lấy tựa ấn tượng hơn, nhưng tôi vẫn giữ nguyên. Giờ thì
nó đã
trở nên quen thuộc, tôi thấy mình đi đúng đường.
Nhưng chị lại gây sốc kiểu khác khi đưa ca khúc vào tiểu thuyết, trong "Dạ khúc" là hai ca khúc "Hứa" và "Cầu vồng đêm" do tác giả Phạm Toàn Thắng sáng tác?
Nghe ca khúc "Hứa"
- Người ta thường dùng chữ thơ ca. Âm nhạc gắn liền với văn học, chữ nghĩa. Tôi thường viết văn vào buổi tối nên chợt nghĩ nếu ca khúc trong truyện là thật thì sẽ thấm thía hơn. Bởi khi đó, hai giác quan của người đọc sẽ hoạt động cùng một lúc. Tôi đem ý tưởng này nói chuyện với tác giả Toàn Thắng, vậy là ca khúc trong truyện ra đời.
Phân thân vừa viết văn vừa làm nghề
copywriter, hai loại công việc lúc nào cũng cần ý tưởng, có lúc nào chị hết ý
tưởng?
- Tôi gọi trạng thái đó là ý tưởng chưa
đến, chứ không phải hết ý tưởng. Những khi viết nhiều quá, lặp đi lặp lại, tôi
sẽ dừng viết, chạy ra ngoài đường nhìn ngắm cuộc sống, làm mới mình lại. Cơ chế
của não là khi nghĩ nhiều về một điều gì đó sẽ thành ám ảnh, nên mình phải dứt
nó ra.
Tôi sẽ không bỏ nghề nào cả. Nghề quảng cáo
tôi làm buổi sáng, còn viết văn tôi làm vào buổi tối hoặc sáng sớm. Tôi có nhiều
hơn một ước mơ nên phải cố sức. Khi đã chọn, tôi sẽ cố gắng đạt được mục đích,
chứ không bao giờ từ bỏ.
Long Hà