- Ngay chiều nay, Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức họp báo về vụ sập cầu Ghềnh ở Biên Hoà.
Tại cuộc họp báo, Phó giám đốc Sở PCCC tỉnh Đồng Nai, Đại tá Trần Tuấn Triệu cho hay: Sau khi điều khiển đầu kéo để sà lan chở cát đâm sập cầu Ghềnh, 2 tài công nhảy khỏi đầu kéo, bơi vào bờ rồi xin tiền người dân trốn khỏi hiện trường.
XEM CLIP HỌP BÁO:
Nguyên nhân ban đầu vụ sập được xác định là do tài công điều khiển sà lan đã vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi đi qua cầu Ghềnh.
Với câu hỏi về vấn đề khắc phục đối với việc đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt sau sự cố vừa xảy ra, ông Trung cho biết: "Theo thông báo của Tổng cục Đường sắt, lịch chạy tàu rất dày và sau khi xảy ra sự việc chúng tôi đã bắt tay ngay vào việc khắc phục.Cụ thể, biện pháp trung chuyển hành khách từ ga Biên Hoà về ga Sóng Thần trước khi di chuyển tiếp về ga cuối Hoà Hưng. Và từ ga Hoà Hưng ra Bắc cũng như thế".
Đối với lo ngại về việc ga Biên Hoà là ga nhỏ, không đủ sức đáp ứng nhu cầu, ông Trung cho hay: "Đây là vấn đề mà chúng tôi lo ngại nhất hiện nay. Nhưng phương châm của Tỉnh ủy Đồng Nai là sẽ làm tốt nhất có thể để không ảnh hưởng đến vấn đề đi lại của người dân.
Các tuyến đường xung quanh ga cũng khá nhỏ, tuy nhiên chúng tôi sẽ phối hợp với Công an để không xảy ra kẹt xe, ảnh hưởng đến công việc của nhân dân".
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Nai Đặng Mạnh Trung |
"Riêng về hàng hoá, chúng tôi đã bàn với bên đường sắt phương án trung chuyển ở 3 ga Hố Nai, Trảng Bom, Long Khánh" ông Trung cho biết thêm.
Tại buổi họp báo, Phó GĐ Sở Cảnh sát PCCC - đại tá Trần Tuấn Triệu - cho biết thêm, theo những thông tin có được cho đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện được thương vong về người.
Người dân cung cấp thêm thông tin về 2 tài công đã tự bơi vào bãi cát phía Bửu Hoà, và xin tiền về quê. Hiện cả hai đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Tuy nhiên, đến lúc này cũng đã xác định được BKS của xà lan lẫn đầu kéo.
Hiện trường vụ việc |
Đối với công tác cứu hộ, đại tá Triệu cho biết, tại hiện trường có khoảng 200 cán bộ chiến sỹ của CA, Sở PCCC Đồng Nai, TP.HCM và từ C54, C66 Bộ Công an đã có mặt.
Cũng theo thông tin của Đại tá Triệu, sà lan có tải trọng khoảng 800 tấn và chở vật liệu xây dựng được cho là cát.
"Theo báo cáo của đội lặn, sà lan đã lật úp và chưa xác định rõ hàng hoá chở trên đó là gì, nhưng có thể là cát. Hiện tại phương án trục vớt hay khắc phục hậu quả là do bên Bộ GTVT, chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ hiện trường đợi Bộ cho ý kiến".
Công tác cứu hộ cứu nạn chiều nay |
Với câu hỏi, tính toán thế nào để đền bù thiệt hại cho người dân trong việc di chuyển bằng đường sắt trưa, chiều ngày 20/3, đại diện Tỉnh ủy Đồng Nai cho hay: "Chúng tôi đang chờ Thứ trưởng Bộ GTVT vào họp, còn tạm thời phía Tỉnh ủy đã yêu cầu hỗ trợ hết sức bằng các phương tiện có thể để người dân không bị thiệt thòi".
Sà lan lật úp |
Trước thông tin mố cầu Ghềnh trước đây có vành đai sắt bảo vệ, nhưng nay không còn khiến vụ tai nạn đường thủy xảy ra khá nghiêm trọng, ông Đặng Mạnh Trung chia sẻ: "Trước đây cũng đã có ý kiến về việc làm vành đai sắt bảo vệ mố cầu, chúng tôi cũng đã đề nghị Ban ATGT xử lý, nhưng chưa thực hiện được thì xảy ra sự cố.
Điều quan trọng là ý thức tham gia giao thông, chứ nếu có vành đai bảo vệ với sà lan tải trọng như thế cũng khó".
Sà lan đâm sập cầu đang trôi xa hiện trường Thông tin từ PV VietNamNet tại hiện trường, lúc 17h30 chiếc sà lan đâm va làm gãy, sập cầu Ghềnh có dấu hiệu tự trôi khi nước thủy triều dâng. Chiếc sà lan đã trôi hàng chục mét so với ví trí bị lật ban đầu. Các lực lượng đang vừa tìm người mất tích, vừa lập phương án kéo chiếc sà lan ở lại vị trí cố định.
Tại hiện trường có 1 lữ đoàn công binh đóng tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thuộc Quân khu 7 đang khảo sát. Đơn vị này có thể sẽ dựng cầu tạm để người dân qua lại. Bước đầu cơ quan chức năng xác định, tàu kéo mang BKS SG 3745 do tài công Nguyễn Văn Thưởng điều khiển kéo theo sà lan mang số hiệu SG - 5984 đã gây tai nạn đâm va, làm gãy, sập cầu Ghềnh lúc 11h50 trưa nay khi lưu thông phía dưới cầu này, lúc thủy triều lên. |
Đàm Đệ - Duy Linh - Như Sỹ - Đinh Tuấn - Hồng Nhì