Văn phòng Chính phủ mới đây đã phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo kết luận của Phó Thủ tướng, thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản VN đã có nhiều cố gắng chỉ đạo đạo triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định. Tuy nhiên, việc triển khai dự án chậm, kéo dài do nhiều nguyên nhân.
Hiện các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án như năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, công nghệ kỹ thuật, bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ, hiệu quả kinh tế dự án.
Vì vậy, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị xem xét quyết định việc dừng, đóng cửa mỏ hay tạm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Sau 10 năm vẫn chưa chốt số phận sắt Thạch Khê |
Để hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch - đầu tư tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan, đề xuất 2 phương án đối với dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.
Phương án 1, dừng thực hiện dự án, đóng cửa mỏ cần phân tích, đánh giá toàn diện các tác động về hậu quả pháp lý, những thiệt hại kinh tế, trong đó có thiệt hại của doanh nghiệp thực hiện dự án và các cổ đông tham gia và ổn định đời sống, sản xuất người dân vùng ảnh hưởng do khai thác mỏ dở dang.
Phương án 2, tạm dừng thực hiện dự án để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các điều kiện về khoa học kỹ thuật, năng lực chủ đầu tư, nguồn vốn, công nghệ, bảo đảm khi triển khai dự án phải an toàn, hiệu quả về môi trường và được chính quyền địa phương ủng hộ.
Như VietNamNet đã phản ánh, nhiều năm nay, dự án phải dừng lại, để lại một “di sản” về khai khoáng mà Hà Tĩnh chưa biết xử lý thế nào. Còn ở Trung ương, văn bản đi văn bản lại, đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Trong khi đó, chủ đầu tư là Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) đã rót vào dự án hơn 1.800 tỷ đồng.
Hà Tĩnh mấy năm gần đây quyết liệt phản đối đầu tư tiếp dự án này. Năm 2017, Bộ KH-ĐT đã có văn bản cho rằng “nên dừng dự án”. Trong khi đó, Bộ Công Thương, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cũng như chủ đầu tư là Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC), không đồng tình.
Bộ KH-ĐT cho rằng TIC thực hiện dự án chưa bảo đảm phát triển bền vững, chưa thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về sử dụng quặng khai thác cho nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm theo giấy phép đầu tư, giấy phép khoáng sản được cấp.
Năng lực, nguồn lực của chủ đầu tư TIC không bảo đảm, nếu tiếp tục triển khai đầu tư sẽ khó có hiệu quả. Cái được của việc dừng dự án lớn hơn rất nhiều so với mất, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh và cho rằng những rủi ro tiềm tàng về môi trường đòi hỏi phải cân nhắc thận trọng.
Trong khi đó, Công ty CP Sắt Thạch Khê khẳng định dự án có hiệu quả về kinh tế và đảm bảo vấn đề môi trường trong quá trình khai thác. “Dự án khi đưa vào khai thác sẽ nộp ngân sách trong giai đoạn I khoảng trên 1.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn II trên 2.800 tỷ đồng/năm, góp phần tăng trưởng GDP cả nước”. TIC cho hay sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho trên 3.500 lao động là người dân trong diện chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án.
Đến nay, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng nguyên tắc với TIC để tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê với tổng nhu cầu khoảng 5,2-5,7 triệu tấn/năm, phù hợp công suất giai đoạn 1 của dự án.
Cuối năm 2018, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam đã có văn bản gửi các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đề nghị cho tiếp tục khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Lương Bằng
Tranh cãi số phận Thạch Khê, 10 năm lửng lơ, 1.800 tỷ nằm chờ
“Số phận” của dự án sắt Thạch Khê không phải không có “trọng tài” đứng ra giải quyết. Nhưng đến nay, vẫn chưa có quyết định dừng hay tiếp tục triển khai dự án.