Hãy lắng nghe giới trẻ
Theo TT&VH, PGS-TS Phạm Văn Tình, đang công tác tại Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đánh giá, đây là một cuốn sách đặc biệt. Trước hết ở sự mới lạ, đây là cuốn sách đầu tiên thu thập được những câu nói mang sắc thái quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ của thế hệ trẻ một cách khá hệ thống.
Bên cạnh những thành ngữ theo cấu trúc quen thuộc, còn rất nhiều câu tự sáng tác (hoặc tự cải biên) dựa trên cách nói vui đùa, tếu táo của giới trẻ trong những lúc trêu chọc, bỡn cợt tạo nên sự liên tưởng ngộ nghĩnh: chảnh như con cá cảnh; bực như con mực; buồn như con chuồn chuồn; già như quả cà; dốt như con tốt; nhiều như quân Nguyên; tào lao bí đao; lạnh lùng như thạch sùng...
Giới trẻ ngày càng sáng tạo hơn trong việc phát minh những từ mới |
"Dân gian giới trẻ hôm nay cũng chẳng phải tay vừa, họ có cách nhìn nhận và đánh giá cuộc sống của họ: ăn trong nồi, ngồi trong xó; trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng; xấu nhưng biết phấn đấu; thất bại vì ngại thành công; nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên; một con ngựa đau, cả tàu ăn thêm cỏ; chết vì tình là cái chết bất thình lình; Sáng soi, trưa đánh, chiều chờ/Cầm tờ kết quả cứ đờ người ra v.v...
Những câu biến tấu tục ngữ cũ đồng thời cũng ít nhiều phản ánh một biến thể ngữ nghĩa khác, có vẻ lệch pha nhưng là điều mà chúng ta (đặc biệt là người lớn) đáng ngẫm nghĩ.", ông Tình nói.
Tuy nhiên, ông Tình cũng cho rằng, cuốn sách còn khá nhiều điều cần bàn. Đó là việc thu thập quá rộng mà không đưa ra một tiêu chí rõ ràng. Nhiều câu chỉ là một lối nói thuận miệng, không có nghĩa hoặc thậm chí vô nghĩa: thoải con gà mái đi; dã man con ngan; tinh vi sờ ti con lợn; đau sờ cau; gào thét trong toa lét; thanh kiu vina miu... Có không ít những câu tếu táo, chẳng hạn: một khi đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai; không mày đố thầy dạy ai; đú kiểu rừng rú... Nói như vậy sẽ không đẹp, nhất lại là khi tác giả lại xếp nó vào kho tàng thành ngữ.
Trước những hiệu ứng nhiều chiều mà cuốn sách tạo ra, ông Tình cho rằng sự ra đời của cuốn sách là một nỗ lực đáng ghi nhận. Bởi cho đến nay, đã có ai mạnh dạn thực hiện công việc thu thập các lối nói được coi là “không chính thức” này đâu?
"Giới trẻ nhiều tham vọng, nhiều cách thể hiện mình. Họ có những sáng tạo, phá cách, trong đó có lời ăn tiếng nói. Sự bồng bột là có. Nhưng sự nghiêm túc không phải là không. Tôi nghĩ chúng ta cần phải lắng nghe tiếng nói của họ, có thế chúng ta mới có thể cùng nhau hướng tới một tiếng nói chung của ngôn ngữ toàn dân", ông Tình nói.
Đừng đem phán xét cá nhân áp đặt lên ngôn ngữ!
Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam, đơn vị liên kết với NXB Mỹ Thuật để xuất bản cuốn sách khi được hỏi suy nghĩ gì về những lời “chê” gần đây đối với cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” đã thẳng thắn bày tỏ trên VTC rằng đó chỉ là những nhìn nhận thoáng qua và bề ngoài, không thực sự đi vào bản chất của thành ngữ, tục ngữ dân gian và hiện đại.
"Xin hãy công bằng và khách quan, đừng đem cái phán xét cá nhân để áp đặt lên ngôn ngữ! Ngôn ngữ là của chung, mình không thích thì có người khác thích. Cá nhân tôi cũng không thích nhiều lối nói, lối diễn đạt của nhiều người khác, nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận. Bởi cuộc sống là thế. “Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ” tại sao lại không hiểu là đó chính là lối giễu nhại, qua đó thể hiện thái độ phê phán ngầm?", ông Giang nói.
Ông Giang cho rằng thành ngữ tục ngữ là sản phẩm của xã hội, của nhiều người, bao gồm nhiều cái nhìn của nhiều giai tầng. Không thể đơn giản lấy cái nhìn chủ quan của cá nhân mình để áp đặt mà được. Cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” rõ ràng là tập hợp của những thành ngữ mới ấy, có phủ nhận cuốn sách cũng không thể phủ nhận được sự thông dụng và thực tế sử dụng phong phú và thông dụng của chúng của cả giới trẻ lẫn người lớn ở ngoài kia! Các thành ngữ, các lối diễn đạt trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” hầu hết đều có tần suất sử dụng rất lớn.
Với ý kiến cho rằng cuốn sách sẽ làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt với những lối nói vặn vẹo, phá cách, ông Giang cho rằng lo lắng đến sự trong sáng của tiếng Việt là không cần thiết, mà ngược lại với đúng.
"Tôi còn nghĩ đó là đóng góp của thế hệ trẻ bây giờ! Nếu không có tuổi trẻ và sự hài hước của họ thì cuộc sống thật là nghèo nàn. Chúng ta quá thừa sự suy diễn và trầm trọng hóa vấn đề, đến nỗi một tập hợp những cuốn sách về tiếng lóng thôi cũng khó làm, khó phát triển".
Giới trẻ ngày càng sáng tạo hơn trong việc phát minh những từ mới
Nghiên cứu ngôn ngữ tuổi "teen", các chuyên gia Thái phát hiện ra rằng, giới trẻ ngày càng sáng tạo hơn trong việc phát minh những từ mới.
Theo họ, hiện tượng sử dụng ngôn ngữ của tuổi "teen" đang đặc biệt nở rộ trong thời gian này với sự giao thoa mạnh mẽ của các nền văn hóa mà trong đó, internet góp phần không nhỏ. Thậm chí, người Thái còn đang tính chuyện tập hợp một số ngôn ngữ tuổi "teen" để bổ sung vào từ điển. Các nhà ngôn ngữ học Thái cũng khuyên các bậc phụ huynh không nên lo lắng quá về sự sáng tạo ngôn ngữ của giới trẻ ngày nay.
Tuy nhiên, ngôn ngữ tuổi "teen" thường bị quy kết là tiếng lóng vì nó chỉ được công nhận, được hiểu trong một bộ phận của xã hội. Cũng như ở Việt Nam, các nhà ngôn ngữ học của Thái đã nỗ lực để tiếng Thái chính thống được sử dụng thay vì tiếng lóng. Thế nhưng họ nhận ra rằng thật sai lầm khi làm ngơ trước ngôn ngữ tuổi "teen". Đó cũng là một phần của lịch sử. Nó phản ánh một thời kỳ xã hội và nếu bỏ mặc nó, một phần lịch sử sẽ bị chìm vào quên lãng.
Ý thức được việc này, Học viện Hoàng gia Thái Lan đã bắt tay vào việc thu thập một số từ không chính thống và mới được giới trẻ "phát minh". Họ tin rằng sự thu thập này có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp các dữ liệu phục vụ cho các nghiên cứu về ngôn ngữ trong tương lai.
Ngay cả một chuyên gia Thái Lan đang biên soạn cuốn từ điển mới cũng phải công nhận rằng, hồi ông còn trẻ, tuổi "teen" lúc ấy cũng phát minh ra nhiều từ mới tuy không nở rộ và nhiều như bây giờ. Thông qua việc nghiên cứu ngôn ngữ tuổi "teen", các chuyên gia Thái phát hiện ra rằng, giới trẻ ngày càng sáng tạo hơn trong việc phát minh những từ mới.
Đó không chỉ là sự sáng tạo đơn thuần mà điều đó phản ánh sự thay đổi trong lối sống của giới trẻ mà sự giao thoa của các nền văn hóa là một ví dụ mà trong đó, ngôn ngữ là yếu tố dễ thấy nhất.
H. La (TH)