BS CKI Đào Thị Loan, Phó Trưởng khoa Nhi, BV Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí, Quảng Ninh cho biết, trường hợp của bệnh nhi Phạm Bảo Anh, 3 tuổi ở TP. Uông Bí diễn biến nhanh và rất nặng do mắc hội chứng viêm đã rễ dây thần kinh ngoại biên (Guillain – barre).
Gia đình cho biết, trước đó 1 tuần, cháu bị mắc sởi, nhưng đã điều trị ổn định và đi học trở lại. Tuy nhiên sau giấc ngủ trưa ở trường, cô giáo lay gọi bé không trả lời, chân không đứng được nên gọi cấp cứu.
Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhi tiến triển tốt, chân tay đã bắt đầu cử động được |
Cháu bé được đưa vào viện trong tình trạng liệt thêm 2 tay, giãn đồng tử, rối loạn nhịp tim chậm, tiếp xúc chậm. Bác sĩ tiên lượng bệnh nhi có thể tiến triển nặng gây tình trạng liệt cơ hô hấp, nguy cơ tử vong.
Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển vào khoa điều trị tích cực, cho thở oxy và phối hợp nhiều phương pháp điều trị: Kháng viêm, sử dụng thuốc immunoglobulin theo phác đồ, tập phục hồi chức năng…
Theo BS Loan, trường hợp của bé Bảo Anh rất nặng nhưng may mắn được điều trị kịp thời và sức khỏe trẻ đáp ứng tốt với phác đồ điều trị nên sau 6 ngày điều trị, hiện trẻ đã tỉnh táo, ăn uống tốt, chân tay đã cử động được.
Hội chứng Guillain - barre là một bệnh tổn thương thần kinh ngoại biên cấp tính, được xếp vào nhóm cấp cứu thần kinh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong do suy hô hấp hoặc sặc phổi do rối loạn chức năng nuốt hoặc thậm chí có thể bị ngừng tim do tổn thương dây thần kinh chi phối tim.
Nguyên nhân của hội chứng này chưa rõ nhưng thường xuất hiện sau nhiễm khuẩn vài ngày hoặc vài tuần hoặc sau dùng một số loại thuốc, can thiệp ngoại khoa...
Hội chứng này khá hiếm gặp với tỉ lệ 1-2 ca/10.000 ca, xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trường hợp dưới 5 tuổi rất ít.
Các triệu chứng đầu tiên của bệnh là tê bì tay chân, từ ngọn chi, ở chi dưới rồi lan lên 2 tay khiến bệnh nhân yếu hoặc liệt tăng dần ở tứ chi. Bệnh nhân cũng sẽ thấy đau khắp các cơ bắp, liệt dây thần kinh ngoại biên số 7 gây lệch mặt, méo miệng, ăn uống bị rơi vãi, trường hợp nặng, bệnh nhân thấy khó nuốt, khó thở, rối loạn nhịp tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Dù vậy, nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, khả năng hồi phục rất cao.
Thúy Hạnh
Hành trình nghẹt thở cứu con 5 tháng từ cõi chết vì sốc phản vệ khi uống sữa bột
- Sau uống sữa bột, bé gái bắt đầu nổi mẩn đỏ, hơn 1 tiếng sau nôn ra sữa, tím tái chân và tay, được xác định sốc phản vệ do uống sữa.