Có mặt tại một cửa hàng chuyên bán hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên con ngõ ngang của phố Nguyễn Sơn, cửa hàng vẫn bày ngập các loại sản phẩm, như: sữa tắm, dầu gội, thực phẩm chức năng, quần tất, khăn,… Đa số sản phẩm có xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức.
Cửa hàng chuyên bán hàng xách tay vẫn bày bán các sản phẩm đầy kệ |
Chị T. – chủ cửa hàng nhiệt tình và thẳng thắn chia sẻ: “Tớ khẳng định hàng ở đây 100% đều đảm bảo, nếu không chuẩn tớ trả lại tiền. Tất cả các cửa hàng ở khu này đều là ổ bán buôn nên giá rẻ hơn thị trường là đúng thôi em. Chị bán hàng này hơn 10 năm rồi, nên khách hàng đến đây thì khỏi phải lo nghĩ”.
Theo lời chị T., hàng xách tay có nhiều loại, có loại gửi kèm theo hành lý, có loại là đánh container (công). Sản phẩm nào nhẹ thì gửi kèm hành lý được, gọi là hàng xách tay; loại nào nặng như nước hoa, túi xách, giày dép thì gửi theo công. Nếu gửi theo công thì phải nộp thuế, chứ không có hàng lậu đâu.
Đa số sản phẩm đều không có tem phụ |
Do được tiếng là hàng xách tay nên khảo sát giá thành các mặt hàng nhìn chung tuy không rẻ so với hàng phổ thông nhưng lại mềm hơn nhiều nếu so với hàng nhập khẩu chính ngạch.
Chị Trần Thu Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tỏ ra khá hài lòng cho biết, chị vừa mua sản phẩm kem dưỡng da Nivea nhập khẩu Đức, 200ml và một số kem đánh răng, dầu gội cho gia đình.
“Lọ kem dưỡng da được nhân viên báo giá 130.000 đồng, trong khi ở shop gần nhà tôi bán 180.000 đồng. Tôi tranh thủ mua một thể các món đồ gia dụng nữa, tính ra rẻ được gần một nửa".
Tôi tỏ ra lăn tăn về giá thành và chất lượng, chị T. nói thêm: “Đây là đầu mối cung cấp hàng đi cả nước, bán buôn là chủ yếu nên ăn số lượng là chính, các bạn hoàn toàn yên tâm”.
Chủ cửa hàng khẳng định cửa hàng không bán hàng lậu |
Khi được hỏi về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm mới được Chính phủ ban hành, chị T. cho biết, một số cửa hàng ở khu hiện đang đóng cửa nhưng vẫn hoạt động, họ lui vào bán online là chính.
Nhiều cửa hàng mở cửa, hoạt động bình thường |
Trao đổi với phóng viên, các hộ dân sinh sống ở lân cận các cửa hàng xách tay ở khu cho biết, thời điểm này, do lực lượng chức năng kiểm tra thường xuyên nên các cửa hàng xách tay đóng cửa bán hàng trong nhà, khách vẫn đến mua nhưng chủ yếu là khách quen và người mua buôn.
“Họ vẫn bán hàng, nếu cần mua thì cứ gọi điện hoặc gọi cửa sẽ có người mở, người ta vẫn bán ở trong nhà”, một người dân ở ngõ trên phố Nguyễn Sơn cho hay.
Khảo sát một số tuyến phố trung tâm Hà Nội, như Quán Sứ, Láng Hạ, Vũ Trọng Phụng,… cho thấy nhiều cửa hàng bán hàng xách tay vẫn hoạt động bình thường.
Hàng gia dụng, thực phẩm chức năng... nhập khẩu |
Tại một cửa hàng chuyên bán hàng xách tay trên phố Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội), người tiêu dùng không khó để hỏi mua các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng… xách tay. Các mặt hàng gắn mác xách tay được bày bán chủ yếu có xuất xứ từ Nhật Bản, Pháp, Anh, Mỹ, Hàn Quốc,… Phần lớn những sản phẩm này đều có bao bì, nhãn mác nước ngoài mà không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Nhiều cửa hàng bán hàng nhập khẩu trên các tuyến phố lớn của Hà Nội, hàng hóa bày bán tràn ngập |
Tương tự, trên các trang mạng xã hội, như Facebook, fanpage, Zalo... các bài đăng bán hàng xách tay cũng vẫn rất sôi động. Các mặt hàng xách tay bán online cũng rất đa dạng, từ mỹ phẩm, thực phẩm, bia, rượu cho đến máy tính, đồng hồ… có xuất xứ từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
Nhiều sản phẩm nhập khẩu Đức cũng được giới thiệu "có sẵn" tại các trang bán hàng online |
Theo các chuyên gia, từ hàng chục năm qua, bán hàng “xách tay” đã trở thành kênh kinh doanh hốt bạc của khá nhiều người. Thực tế, “hàng xách tay” theo đúng nghĩa kèm hành lý thì ít nhưng thông qua vỏ bọc “xách tay” không ít doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đã trà trộn hàng giả, hàng nhái để chụp lợi.
Hàng hóa xách tay xuất hiện tràn lan ở thị trường Việt Nam là hệ quả của hoạt động buôn lậu qua biên giới. Các hoạt động này diễn ra công khai, tràn lan nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, hàng xách tay chính là hàng lậu và đang thao túng thị trường. Cũng bởi tính chất phức tạp nên để ngăn chặn tình trạng này, việc áp dụng một vài biện pháp xử phạt hành chính là chưa đủ.
Tương tự, TS. Đinh Trọng Thịnh ( Học viện Tài chính) cho rằng, cần phải siết chặt quản lý kinh doanh đối với hàng xách tay, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Bởi nó gây thiệt đơn, thiệt kép cho nền kinh tế. Ông Thịnh đặt vấn đề hàng xách tay sao có nhiều thế, mua bán tràn lan suốt bao năm nay?
Theo quy định của hải quan, thực tế trong khâu quản lý của ngành hải quan không tồn tại khái niệm “hàng xách tay”, chỉ có hàng ngoài định mức miễn thuế đối với hành khách mà thôi. Theo quy định, khách khi nhập cảnh mang theo hàng hóa trong định mức quy định thì sẽ được miễn thuế, còn trên giá trị này thì phát sinh nghĩa vụ đóng thuế.
Cơ quan Hải quan cho biết trong thời gian qua, nhiều lô hàng nhập lậu được công an kinh tế và lực lượng hải quan phát hiện, thu giữ, trong đó phần lớn là hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, quần áo, giày dép... Không chỉ có hành vi trốn thuế, những mặt hàng này nếu trót lọt đưa ra thị trường sẽ đem đến nguy cơ cho người sử dụng vì không phải qua kiểm tra chuyên ngành như kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm định chất lượng...
(Theo Dân Việt)